Cảnh báo những côn trùng độc mùa hoa ban, hoa bưởi

17/03/2013 14:49
Minh Hoàng
(GDVN) - Mùa xuân là mùa các loại côn trùng phát triển rất mạnh vì thế để tránh những hậu họa đáng tiếc xảy ra với trẻ nhỏ, các bậc phụ huynh phải hết sức lưu ý khi cho trẻ chơi ở những nơi có nhiều cây cối đang ra lộc, trổ bông.

Mùa xuân đến cũng là lúc các bậc phụ huynh cần phải hết sức lưu ý khi cho con em mình chơi ở công viên hay ở những nơi có nhiều cây cối rậm rạp hoặc những nơi có những loại cây đang vào mùa hoa nở rộ như hoa ban, hoa bưởi… Bởi mùa xuân là mùa các loài côn trùng bắt đầu phát triển mạnh mẽ đặc biệt là các loại sâu bọ, ong, ve, muỗi…
Có những loại côn trùng vô hại, nhưng có nhiều loại côn trùng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây bệnh, thậm chí có loài còn gây ra nhiều biểu hiện, triệu chứng nguy kịch nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời.
Trẻ nhỏ cần tránh xa những nơi có nhiều hoa vì đây là nơi tập trung rất nhiều loại côn trùng nhất là ong.
Trẻ nhỏ cần tránh xa những nơi có nhiều hoa vì đây là nơi tập trung rất nhiều loại côn trùng nhất là ong.

Gần đây nhất là trường hợp cháu Hoàng Thị Bích Duyên (11 tuổi ở Hà Nội) được ông bà cho đi dạo cùng trên đường Thanh Niên (đoạn Hồ Tây), đoạn đường đang vào mùa hoa ban nở rộ nên có rất nhiều ong, trong khi đang nhặt hoa ban chơi cháu Duyên đã bị ong đốt vào tay. Do chủ quan vì nghĩ chỉ là một con ong dại đốt chứ không phải trêu chọc cả tổ ong nên gia đình cháu Duyên không để ý. Không ngờ sáng hôm sau toàn thân cháu Duyên bị nổi mẩn ngứa, mề đay, người thì mệt mỏi, khó thở. Ngay lập tức cháu được gia đình đưa đi cấp cứu tại bệnh viện Nhi trong tình trạng suy hô hấp và phải điều trị tại bệnh viện 5 ngày mới khỏi.
Cũng giống như tình trạng của cháu Duyên, cháu Nguyền Hoàng Nam, 7 tuổi (Hoàn Kiếm – Hà Nội), buổi tối đi tập thể dục cùng bố tại Hồ Gươm vô tình bị vướng phải một con sâu róm vào mặt khi đang chăng tơ. Do lúc đầu không biết nguyên nhân nên gia đình cháu Nam tưởng bị dị ứng thời tiết, những tình trạng của cháu càng ngày càng nặng, nhất là khu vực mặt và mắt sưng to, lúc này gia đình mới cho cháu đi thăm khám và được biệt nguyên nhân là do nhiễm khuẩn bởi lông côn trùng. Rất may là gia đình đã đưa cháu đi khám kịp thời nên không bị tổn thương đến mắt và vùng da trên mặt.
Sơ cứu khi bị côn trùng đốt. Ảnh minh họa.
Sơ cứu khi bị côn trùng đốt. Ảnh minh họa.

TS.BS Võ Tường Kha, Bệnh viện Thể Thao Việt Nam cho biết, khi bị côn trùng đốt hoặc tiếp xúc với côn trùng mọi người chớ chủ quan vì nguy cơ nhiễm trùng rất cao. Khi bị côn trùng đốt cần xử lý vết thương càng sớm càng tốt (rửa sạch vết bẩn bằng vòi xịt có áp lực cao, sau đó rửa kỹ bằng xà phòng, cồn hoặc nước sát khuẩn). Chườm đá để tránh ngứa và tới bệnh viện thăm khám. 
Đối với những trường hợp nhẹ, nếu vết đốt của côn trùng chỉ là vết đỏ thì có thể điều trị tại nhà bằng cách bôi nước vôi hoặc nước muối loãng lên vết đốt từ 3 - 4 lần/ngày, sau 2 - 3 ngày tự khỏi. Trường hợp bị đốt nhiều hay đau rát, có hiện tượng mưng mủ, viêm loét cần đến bệnh viện gấp để được điều trị kịp thời.
Đối với những người có tiền sử dị ứng hoặc đã từng bị dị ứng với nọc côn trùng cần hết sức thận trọng để tránh bị côn trùng đốt. Đặc biệt là những người ở khu vực nông thôn thường xuyên làm những công việc có nguy cơ tiếp xúc với côn trùng, tốt nhất nên đi giầy, mặc áo dài tay, quần áo nên tối màu. Còn đối với người ở thành thị khi đi dạo, thể dục, đi chơi công viên tốt nhất tránh dùng các mỹ phẩm có mùi thơm quyến rũ côn trùng. Còn những người có nguy cơ bị sốc phản vệ nên mang trong mình một bơm tiêm adrenalin định liều chuẩn (Ana-kit, Epi-pen) để có thể tự tiêm ngay khi bị côn trùng đốt.
Minh Hoàng