Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thị sát tình hình dịch bệnh tại Thành phố Hồ Chí Minh

12/10/2018 06:00
Nhật Minh
(GDVN) - Theo báo cáo, 9 tháng đầu năm, trên địa bàn có 4.066 ca mắc bệnh tay chân miệng điều trị nội trú và 21.322 ca điều trị ngoại trú.

Ngày 11/10 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tới thăm, động viên các y, bác sĩ và bệnh nhi bị tay chân miệng, sởi, sốt xuất huyết đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1; thăm và làm việc tại Bệnh viện Nhân dân 115.

Báo cáo với Phó Thủ tướng, Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết trong 9 tháng đầu năm, trên địa bàn có 4.066 ca mắc bệnh tay chân miệng điều trị nội trú và 21.322 ca điều trị ngoại trú.

Bên cạnh đó, thành phố cũng ghi nhận 132 ca mắc bệnh sởi.

“Sở Y tế đã chỉ đạo Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 và Bệnh viện Nhi xây dựng kế hoạch chuẩn bị và phối hợp bảo đảm chống dịch kịp thời”, ông Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết.

Ảnh: Baotintuc.vn
Ảnh: Baotintuc.vn

Cung cấp thêm thông tin về tình hình dịch tay chân miệng, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, 9 tháng đầu năm 2018, cả nước ghi nhận 53.529 trường hợp mắc tay chân miệng.

Trong đó có 25.845 trường hợp nhập viện và đã có 6 trường hợp tử vong tại 5 tỉnh, thành phố khu vực phía nam.

Một số tỉnh, thành phố ghi nhận số ca mắc bệnh tích lũy cao và gia tăng nhanh trong mấy tuần gần đây là Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Đồng Tháp, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Tây Ninh... với hơn 4.000 ca từ đầu năm đến nay (chiếm 77% cả nước), chủ yếu gặp ở trẻ dưới 10 tuổi (chiếm 99,5%).

So với thống kê trung bình nhiều năm thì số ca mắc tay chân miệng năm nay là tương đương.

Tuy nhiên số ca tử vong giảm mạnh nhờ sự vào cuộc quyết liệt của ngành y tế và đặc biệt là chính quyền địa phương, báo chí tuyên truyền giữ gìn vệ sinh cá nhân.

Thống kê của y tế dự phòng cho thấy những địa phương có nhiều khu công nghiệp thường tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch tay chân miệng rất cao.

Về diễn biến dịch sởi, dù chưa thấy biểu hiện bất thường nhưng ông Trần Đắc Phu cũng cảnh báo về chu kỳ của bệnh này là sau 4-5 năm có thể bùng phát do mỗi năm vẫn sót lại khoảng 10% trẻ chưa được tiêm chủng.

Tới đây, ngành y tế sẽ phát động một số đợt tiêm vét để giảm nguy cơ dịch sởi bùng phát.

Tới thăm một số khoa, phòng ở Bệnh viện Nhi đồng 1, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam biểu dương tinh thần vượt qua khó khăn, vất vả của đội ngũ y bác sĩ, điều dưỡng đã căng mình ngày đêm chống dịch trong những lúc cao điểm.

Đây cũng là lời cảm ơn của người dân gửi đến các y bác sĩ.

Phó Thủ tướng lưu ý bên cạnh phòng chống dịch tay chân miệng thì cũng không được chủ quan với diễn biến dịch sởi đang trong chu kỳ có khả năng bùng phát.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thị sát tình hình dịch bệnh tại Thành phố Hồ Chí Minh ảnh 2Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu triển khai chống bệnh truyền nhiễm ở trường học

“Chúng ta phải rút kinh nghiệm không được để có dịch mới cấp tập đi chống dịch mà phải phòng dịch khi chưa có dịch.

Ngành y tế là nòng cốt nhưng chính quyền cũng phải vào cuộc và phải kiên trì, không thể chủ quan.

Ngay cả Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban Nhân dân thành phố đã có nhiều chỉ đạo về công tác này nhưng cần phải sát với những thay đổi thực tế", Phó Thủ tướng nói và đề nghị xem xét bố trí chế độ chống dịch đầy đủ cho các cán bộ y tế tham gia.

Cũng trong chiều 11/10, Phó Thủ tướng đã tới thăm và làm việc với cán bộ, y bác sĩ Bệnh viện Nhân dân 115.

Tại đây, Phó Thủ tướng đã lắng nghe nhiều kiến nghị, ý kiến của lãnh đạo Bệnh viện. Lãnh đạo Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đại diện Sở Tài chính và Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã giải đáp một phần các kiến nghị của Bệnh viện Nhân dân 115.

Trao đổi về mong muốn tự chủ của Bệnh viện Nhân dân 115, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu quan điểm “nơi nào, bệnh viện nào vượt lên, tự chủ được thì để anh em vượt lên để dồn ngân sách cho dự phòng, cho y tế tuyến dưới.

Tuy nhiên, quá trình này cần phải có bước đi thận trọng để khắc phục nhưng bất cập trong xã hội hóa y tế trước đây nhưng không thể chậm”.

Từ những kết quả tích cực trong thực hiện tự chủ của hơn 20 trường đại học, Phó Thủ tướng cho biết tinh thần sẽ cho phép một số bệnh viện lớn thí điểm tự chủ.

“Một số bệnh viện lớn của chúng ta không kém nước ngoài trong khi người Việt tốn hàng tỷ USD chữa bệnh ở nước ngoài.

Vì vậy cần có cơ chế tự chủ để các bệnh viện lớn nâng cao chất lượng, kỹ thuật điều trị, đồng thời có thể điều trị ngay cho những bệnh nhân có điều kiện trước kia phải ra nước ngoài điều trị, tiến tới thu hút được cả bệnh nhân nước ngoài đến khám chữa bệnh”, Phó Thủ tướng gợi mở và nhấn mạnh khi tự chủ, bệnh viện sẽ được tự quyết về cơ chế tiền lương, tuyển dụng, tính giá dịch vụ y tế ngoài bảo hiểm...

Ngoài ra, Phó Thủ tướng đã cho ý kiến về một số kiến nghị của Bệnh viện Nhân dân 115 về hợp tác công tư, giao dự toán chi bảo hiểm y tế, mua xe cứu thương...

Nhật Minh