Bí ẩn Les: "Nên sớm có luật hôn nhân cho người đồng tính" (kỳ 6)

26/05/2011 01:00
(GDVN)- Nhiều người trong xã hội vẫn coi đồng tính là bệnh, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng: Đó chỉ là bệnh của "thiên nhiên", bản năng của con người.

(GDVN) – “Người ta không chấp nhận nó, một số nước phương Tây trước đây cũng cho đó là những hiện tượng lệch lạc và có những thái độ không đúng, cũng có thời gian, xã hội coi đây là bệnh. Tôi cũng cho đó là bệnh, nhưng là bệnh của “thiên nhiên” – GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, bày tỏ quan điểm của mình về hiện tượng đồng tính của giới thứ 3.

{iarelatednews articleid='2918,1941,1891,1880,1790,2071'}

Tại Đức, hàng trăm năm trước, những nhà tình dục học là những người đầu tiên thấu hiểu vấn đề: "Chính phủ đã phạm phải tội ác khi liệt hiện tượng sinh học này vào nhóm tệ nạn và tội phạm”. Nhiều người có uy tín xã hội rất đồng tình với ý kiến trên dù trước đó không lâu chính bản thân họ đã cho nó vô lý. Họ vượt qua được sự ác cảm với tình cảm đồng giới vốn đã bám rễ trong nhận thức của họ và tiếng nói công lý đã khiến họ đứng lên bảo vệ tình cảm đó.

Tại Việt Nam, theo GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, “trời sinh ra không phải chỉ là 2 giới (như người ta quan niệm) mà là 3 giới.  Điều này đã được nhiều nước chấp nhận và sẽ tiếp tục được nhiều nước chấp nhận. Xã hội ngày càng văn minh thì người ta càng phát hiện thấy: Đây là 1 xu hướng tình dục, xu hướng tình yêu, nhưng nó bị chi phối bởi tâm lý và cấu tạo sinh lý của cơ thể con người chứ không còn đơn giản là sự lệch lạc về tâm lý”. Trao đổi với báo Giáo Dục Việt Nam, GS.TS Thuyết đưa ra quan điểm về hiện tượng đồng tính với mong muốn xã hội đồng cảm, chia sẻ, thay đổi quan niệm kỳ thị vẫn cố hữu lâu nay đối với những con người thuộc thế giới thứ 3.

Nên có luật hôn nhân cho những người đồng tính

 

Theo Nên sớm có luật hôn nhân cho những người đồng tính. (Ảnh: K.P)

Theo GS.TS Nguyễn Minh Thuyết: Nên sớm có luật hôn
nhân cho những người đồng tính
.

 - Thưa ông, kỳ họp đầu năm 2011 của Thường vụ quốc hội đã nói về các đối tượng pháp luật mang tính chuyên biệt, như đồng tính, lưỡng tính, vô tính. Quan điểm của ông thế nào về vấn đề này?

Hiện tượng đồng tình đã có từ lâu, trước đây trong xã hội, người ta không thể tưởng tượng được và cũng công khai không chấp nhận nó. Nhưng tôi nghĩ, chúng ta nên có một thái độ đồng cảm đối với giới thứ 3 và có định hướng tốt để giới trẻ nhận thức đúng. Bên cạnh đó, cần có cách tạo điều kiện cho những người thuộc thế giới thứ 3 tham gia bình thường vào những sinh hoạt cộng đồng, kể cả sau này khi đăng kí kết hôn.

- Ở một số TP lớn như HN, TP. HCM đã xuất hiện những đám cưới đồng tính. Theo ông, pháp luật có nên thừa nhận những cuộc hôn nhân này?

Những người đồng tính nam và đồng tính nữ, họ là giới thứ 3, xã hội buộc phải thừa nhận. Việc họ đi tới chung sống với nhau là chuyện mà pháp luật nên thừa nhận và sớm thừa nhận để có những ràng buộc về mặt pháp lý đảm bảo quyền lợi cho những đôi bạn trẻ cũng như tất cả những người xung quanh. Nếu như không được thừa nhận thì sau này sẽ có rất nhiều chuyện phức tạp liên quan như chuyện thừa kế, tài sản, con nuôi….Pháp luật một số nước cũng đã thừa nhận rồi, tại sao Việt Nam lại không?

Điểm hạn chế và được coi là thiệt thòi hơn những người bình thường là những người ở giới thứ 3 không có khả năng sinh con. Nếu là đồng tính nữ (một trong 2 người) còn có thể sinh con được nhưng đồng tính nam thì không thể sinh con được. Vì vậy, tôi nghĩ: cần sớm có pháp luật quy định để bảo vệ vấn đề này.

- Như ông nói, việc thừa nhận hôn nhân của những người đồng tính là cần thiết, vậy ở Việt Nam đã có những xúc tiến nào chưa, thưa ông?

Chuyện kết hôn của những người đồng tính ở Việt Nam không cấm, nhưng cũng chưa có quy định nào cụ thể về những chuyện những người đồng giới được tổ chức hôn nhân, khiến cho các cơ quan, chính quyền địa phương lúng túng.

Theo tôi được biết, hiện nay mới chỉ có một số những đề nghị như trong kỳ họp đầu năm 2011 của Ủy ban thường vụ Quốc hội còn thực ra chưa có thêm xúc tiến gì. Theo tôi đó là một trong những điều đáng sốt ruột. Cuộc sống vẫn tiếp diễn hàng ngày hàng giờ nhưng quyền lợi của con người lại chưa được đảm bảo.

Tốt nhất nên có những quy định của pháp luật vì trong khi chúng ta chưa sửa được luật hôn nhân gia đình ngay thì nên có pháp lệnh của UBTVQH hoặc nghị định của Chính phủ để điều chỉnh vấn đề này.

a

Đám cưới đồng tính đầu tiên tại Hà Nội đã diễn ra vào cuối năm 2010
(Nguồn: Internet).

 

Bố mẹ hãy là chỗ dựa khi con đồng tính

Đã có không ít các ông bố, bà mẹ chạy đôn, chạy đáo tìm thuốc “trị bệnh” cho con khi biết con mình là les hay gay, thậm chí tìm mọi cách để tẩy não, thay đổi giới tính của con cái. Báo chí cũng nhiều lần đưa tin về những vụ tự tử của những bạn trẻ tuổi còn đương xuân trước sức ép của bố mẹ và cái nhìn định kiến của mọi người. Đã có thời gian, les, gay không dám thừa nhận mình... Nhưng giờ đây, mọi thứ đã khác, nói như lời GS.TS Nguyễn Minh Thuyết: Các les, gay nên thừa nhận giới tính thật của mình, không nên dấu và xã hội cũng đã đến lúc cần công khai thừa  nhận…

Nhà tâm thần học nổi tiếng của Nga – giáo sư A. Y. Belkin, bằng chuyên môn của mình, trong nhiều thập niên đã giúp đỡ những người thuộc giới tính thứ 3, bảo vệ họ, khẳng định quyền được sống và hạnh phúc của họ. Ông viết: “Tận giờ phút này thì đối với tôi quan điểm đồng tính luyến ái là bệnh đã trở nên thiển cận, một chiều. Tôi thường va chạm với những người đồng tính mà sự đồng cảm của tôi hoá ra lại xỉ nhục họ, còn đề nghị giúp đỡ thì bị chối từ.

Người ta cần đến bác sỹ khi liên tục bị rối loạn tâm thần và tự họ không đánh giá được tình trạng bệnh tật của mình. Còn với người đồng tính thì bức tranh lại khác hoàn toàn: họ hoàn toàn không chịu sự đau đớn, rối loạn tâm thần, họ cảm thấy mọi thứ đều ổn, họ tìm thấy vị trí của mình trong xã hội, sẵn sàng đối mặt và tự giải quyết các vấn đề của chính mình. Điều đó có nghĩa là họ không phải là bệnh nhân”.

- Thưa ông, không ít gia đình vẫn chưa chấp nhận việc con mình  là  les hay gay, ông có  lời khuyên gì cho họ?

Nếu các ông bố, bà mẹ phát hiện ra con mình có xu hướng đồng tính thì nên đọc sách để tìm hiểu về giới thứ 3. Hãy chia sẻ tâm tư tình cảm của con, để hiểu thêm về con. Hiểu biết về đồng tính là điều cần thiết. Hiểu rồi, các bậc sinh thành sẽ bớt hoang mang. Có thể gặp gỡ các chuyên gia tư vấn tâm lý, các nhà chuyên môn để biết thêm thông tin hữu ích về hiện tượng đồng tính, từ đó tìm ra cách ứng xử phù hợp.

Nếu đó là sự ngộ nhận thì cần có những biện pháp để cho con mình trở lại với đúng bản chất của nó.

Và nếu sự thật: con mình là les hay gay thì cũng không nên hoảng hốt, lo sợ, kỳ thị, xa lánh, đánh đập, quát mắng…cha mẹ cần bình tĩnh, đừng quá nóng vội. Gia đình phải có những định hướng và hướng dẫn để con hòa nhập với cuộc sống. Luôn luôn ghi nhớ 1 điều: Đồng tính không phải là bệnh, nên các ông bố, bà mẹ không nên tìm cách để chữa, nếu không, sẽ để lại hậu quả đáng tiếc.

- Ngoài ra, còn cần phải lưu ý gì nữa không, thưa ông?


Các bậc phụ huynh nên hiểu rằng người đồng tính cũng như những người bình thường khác về mặt thể chất, tinh thần. Họ vẫn học tập, làm việc, và giao tiếp, chỉ khác mọi người ở xu hướng tình dục.

Đồng tính luyến ái không phải căn bệnh di truyền, nội tiết, thần kinh, không do hoàn cảnh môi trường gây ra. Nó không là bệnh mắc phải, mà là một khuynh hướng tự nhiên của con người không thể thay đổi. Sinh con và nuôi con, cha mẹ là những người hiểu và thông cảm cho con mình nhất.

Hãy tin rằng đứa con ấy cũng chịu một sức ép lớn vì mình “không giống ai”, vì lo sợ phản ứng của người thân và dư luận khi biết rõ sự thật. Lúc này, bố mẹ là chỗ dựa tinh thần vững chãi cho con.

Ngoài ra, chúng ta cần phân biệt rõ về đồng tính và sự lệch lạc về quan hệ tình dục. Có nhiều trường hợp bạn trẻ có cuộc sống ăn chơi, trác táng và có những quan niệm lệch lạc về tình dục, tình dục đồng giới vì xem phim ảnh đồi trụy, khiêu dâm…cũng có thể dẫn đến những kết cục xấu.

- Đã có một tổng kết, nghiên cứu  gì về nguyên nhân việc cha mẹ như thế nào thì sẽ sinh ra những đứa con les, gay…?


Tôi cũng chưa rõ về vấn đề này, trên thế giới không biết có chưa, còn tại Việt Nam thì chắc là chưa có tổng kết này. Ở nước ta, thời gian qua, đã có những nhà tâm lý học, những bác sỹ nghiên cứu kỹ về vấn đề đồng tính. Bằng chứng là vừa rồi, tại các trường Đại học ở Hà Nội và TP. HCM đã có những hội thảo cho sinh viên về vấn đề này.

- Ngoài hội thảo trong các trường Đại học, chúng ta nên tuyên truyền thế nào cho mọi người trong xã hội có một cái nhìn đồng cảm hơn, thưa ông?

Báo chí, nhà trường, các đoàn thể và nhất là gia đình các em đóng vai trò rất quan trọng trong việc tuyên truyền này. Bởi suy cho cùng, họ cũng là con người, cũng sống, cũng yêu thương, cũng có thế giới riêng và các quyền tự do riêng tư của mình, có khác chăng, họ là thiểu số, còn những người bình thường là đa số… Chúng ta cần kêu gọi: Xã hội công khai vấn đề đồng tính một cách cởi mở. Các les, gay nên thừa nhận, không nên dấu và xã hội cần thừa  nhận…

Xin cảm ơn ông về buổi trò chuyện này!

GS Nguyễn Minh Thuyết đánh giá: Chắc rằng ở Việt Nam, đây cũng sẽ là một trong những vấn đề được xã hội quan tâm trong thời gian gần đây. Và nếu như trong kỳ họp Quốc hội tới có cơ hội tôi cũng sẽ mạnh dạn có những kiến nghị và đề cập đến việc này. “Theo tôi, tốt nhất nên có những quy định của pháp luật vì trong khi chúng ta chưa sửa được luật hôn nhân gia đình ngay thì nên có pháp lệnh của UBTVQH hoặc nghị định của Chính phủ để điều chỉnh vấn đề này”.

- Quan niệm đồng tính luyến ái là rối loạn tâm lý là một quan niệm phổ biến ở phương Tây từ thế kỷ 19 và sang đến một phần thế kỷ 20, và có lẽ nó lan truyền cùng với sự phổ biến của y học phương Tây.

Đến những thập niên cuối thế kỷ 20, khoa học đã khẳng định đồng tính luyến ái không phải là bệnh. Nhiều nước lần lượt loại bỏ đồng tính luyến ái khỏi danh sách bệnh tâm thần, bắt đầu là Hoa Kỳ vào thập niên 70. Đến năm 1990, Tổ chức Y tế Thế giới, là cơ quan của Liên Hiệp Quốc cố vấn chuyên môn cho các quốc gia về y tế, đã loại bỏ đồng tính luyến ái khỏi danh sách bệnh tâm thần.

Trung Quốc năm 2001 cũng đã loại đồng tính luyến ái khỏi danh sách bệnh tâm thần. Đồng tính luyến ái được coi là một phần của đa dạng tính dục con người, chứ không phải là bệnh.

- Năm ngoái, vào ngày 15/7/2010, Argentina trở thành quốc gia đầu tiên ở Mỹ La-tinh cho phép những người đồng tính luyến ái đầy đủ các quyền lợi hợp pháp, trách nhiệm và sự bảo vệ mà hôn nhân mang lại cho họ.

Một số nhỏ các quốc gia trên thế giới, đa phần là ở châu Âu, đã ban hành các luật tương tự, cho phép nhưng người đồng giới có nhiều quyền lợi hơn, trong đó có quyền được nhận con nuôi và thừa kế tài sản.

Nổi tiếng với quan điểm tiến bộ, Hà Lan là nước đầu tiên công nhận hôn nhân đồng giới năm 2001. Đầu năm nay, Iceland cũng hành động tương tự.

Dưới đây là những nước cho phép người đồng giới kết hôn:

1. Hà Lan
2. Bỉ
3. Tây Ban Nha
4. Canada
5. Nam Phi
6. Na Uy
7. Thụy Điển
8. Bồ Đào Nha
9. Iceland
10. Argentina



Bùi Khương - Tiểu Phương (thực hiện)