Bệnh viện Đống Đa, Hà Nội:

BV Đống Đa bị tố khám ‘siêu tốc’ để cấp giấy chứng nhận sức khỏe

07/06/2013 15:06
Nhóm PV Xã Hội
(GDVN) - Theo qui định, người làm thủ tục đi học, đi làm, đi xuất khẩu lao động, đi thi bằng lái xe ô tô – xe máy… phải có giấy khám sức khỏe theo đúng tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Tuy nhiên, việc khám sức khỏe theo đúng quy định này dường như đang bị một số cơ sở y tế “bỏ quên.

Vào thời điểm các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp… bước vào mùa tuyển dụng, nhu cầu về giấy chứng nhận sức khỏe theo quy định tăng cao khiến các cơ sở y tế thực hiện khám, cấp giấy chứng nhận trở nên đông đúc nhưng thực chất của công tác này vẫn là một vấn đề cần phải bàn.

Không khám cũng kết luận “bình thường”

Thời gian qua, Báo Giáo dục Việt Nam nhận được phản ánh của nhiều độc giả về tình trạng khám sơ sơ sài, không tuân theo quy trình quy định của Bộ Y tế trong việc khám cấp giấy chứng nhận sức khỏe tại một số cơ sở y tế, điển hình là tại Bệnh viện Đa khoa Đống Đa (Hà Nội).

Theo phản ánh, khi người dân đến khám để lấy giấy sức khỏe để học tập công tác, nhiều người muốn kết hợp để khám tổng thể, kiểm tra sức khỏe do không có điều kiện kiểm tra thường xuyên nhưng các bác sĩ và nhân viên y tế ở đây khám qua loa, sơ sài.

“Thậm chí có những mục họ không khám cũng ghi là bình thường, người muốn nhanh thì không sao, nhưng bọn em muốn biết sức khỏe của mình qua lần khám này thì kết quả này không chính xác” – độc giả M.T.T (quận Đống Đa, Hà Nội) phản ánh.

Để làm rõ thực hư việc cấp giấy chứng nhận sức khỏe kiểu “trên trời”. Ngày 21/5 Nhóm PV Báo Giáo dục Việt Nam đã có mặt tại cơ sở khám chữa bệnh này.

Trong vai người đang cần giấy chứng nhận đủ sức khỏe để nộp hồ sơ đi làm. Theo hướng dẫn của bác sĩ, việc đầu tiên khi người dân đến khám ở đây là phải mua giấy chứng nhận sức khỏe với giá 2000 VNĐ, nộp lệ phí khám 120.000 VNĐ/1 giấy chứng nhận sức khỏe.

Khi PV hỏi: Mỗi lần khám để cấp giấy chứng nhận sức khỏe, nếu muốn có được cấp thêm hay không? Thì được câu trả lời từ phía bác sĩ: “muốn bao nhiêu tờ cũng được, tùy theo loại giấy chứng nhận sức khỏe mà nhân với số tiền lệ phí khám”.

Về cách khám bệnh của các bác sĩ tại đây làm PV không khỏi “ngạc nhiên”. Sau khi hỏi người đến khám về chiều cao, cân nặng , mắt có bi cận hay không? Đến đây, việc khám sức khỏe đã có thể coi như đã xong.

Các mục cần phải khám tiếp theo trong giấy chứng nhận như: kiểm tra bộ máy tiêu hóa, bộ máy hô hấp, huyết áp… sẽ được bác sĩ các khoa phòng khác đánh giá luôn là “bình thường”, mà không cần phải khám.

Với quy trình khám chữa bệnh nhanh, thủ tục khám đơn giản, nhóm PV đã có được xác nhận, đóng dấu “Hiện tại đủ sức khỏe để lái xe” hay “hiện tại đủ sức khỏe để đi làm” chỉ sau 10 phút.

BV Đa khoa Đống Đa đang làm trái về qui định khám sức khoẻ?
BV Đa khoa Đống Đa đang làm trái về qui định khám sức khoẻ?

Khám “qua loa”, bệnh viện nói gì?

Để rộng đường dư luận, chiều 6/6, nhóm phóng viên đã có cuộc làm việc với lãnh đạo bệnh viện Đống Đa về những vấn đề trên.

Tại buổi làm việc, ông Lê Hưng – Giám đốc Bệnh viện Đống Đa khẳng định, những nội dung mà bạn đọc phản ánh về việc khám qua loa, sơ sai và chưa đúng quy trình là “không sai” và “có cơ sở”.

Lý giải về việc này, ông Hưng nói do bệnh viện đang trong quá trình sửa chữa, chưa sắp xếp một khu dành riêng cho việc khám và cấp giấy chứng nhận như trước đây bệnh viện nên việc kiểm tra, giám sát khó thực hiện dẫn đến tình trạng trên.

Tuy nhiên, theo ông Hưng thì bác sĩ tại đây đều có thâm niên công tác khám chữa bệnh, nên đối với việc người dân đến khám để được cấp giấy chứng nhận, các bác sĩ chỉ mới dùng các biện pháp kĩ thuật thông thường đã có thể nhận biết được tình trạng sức khỏe người đó. Mặt khác, do một người yêu cầu được khám nhanh nên xảy ra tình trạng trên.

Ông Hưng nói bệnh viện hiện đang trong thời kỳ khó khăn nhưng khẳng định sẽ có biện pháp chấn chỉnh.

Khám “qua loa” và ẩn họa khôn lường

Theo thống kê của ông Hưng, trung bình mỗi ngày có 30-40 người đến khám và xin giấy chứng nhận sức khỏe, vào đợt cao điểm, con số này cao hơn rất nhiều.

Từ thực tế này, nhiều người cho rằng lý giải của ông Hưng là thỏa đáng và hứa sẽ chấn chỉnh nhưng không thể mang những khó khăn của bệnh viện để lý giải cho việc khám sơ sài vì nếu không đủ điều kiện thì cơ sở này đừng khám.

Hàng trăm người đã từng khám tại đây một cách chưa đúng quy trình sẽ không biết rõ sức khỏe của mình, cơ quan tuyển dụng cũng sẽ phải gánh chịu thiệt hại nếu tuyển phải nhân viên “không đủ sức khỏe”.

Đại diện một công ty tuyển dụng lao động ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho rằng, trong hồ sơ tuyển dụng bắt buộc phải có giấy chứng nhận sức khỏe và họ hoàn toàn tin tưởng vào việc kiểm tra của cơ sở y tế.

“Nếu việc khám được làm qua loa, không đúng quy trình sẽ làm đơn vị tuyển dụng tuyển phải những người không đủ sức khỏe vào làm việc, thậm chí tuyển vào những người sử dụng các chất gây nghiện, mang bệnh truyền nhiễm… lúc đó, thiệt hại không biết bao nhiêu mà tính” – vị cán bộ trăn trở.

Hiện nay, việc điều khiển một chiếc ô tô trên đường có thể là chuyện bình thường, nhưng với chất lượng việc cấp giấy chứng nhận khám sức khỏe của một số bệnh viện kể trên. Câu hỏi đặt ra liệu những người được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện, có giấy phép lái xe, đang từng ngày lưu thông trên đường có đủ sức khỏe thật sự?

Thiết nghĩ, những sai phạm ở Bệnh viện Đống Đa thành phố Hà Nội đã rõ ràng, đề nghị Sở Y tế và các ngành chức năng của thành phố Hà Nội sớm vào cuộc, chấn chỉnh và xử lý dứt điểm, không gây ảnh hưởng xấu đến môi trường khám, chữa bệnh tại bệnh viện trong khi bức tranh về ngành y tế cả nước không lấy gì làm tươi sáng.

Báo Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc

Nhóm PV Xã Hội