Cán bộ, công chức sai phạm, mất uy tín phải mạnh tay gạt khỏi bộ máy

19/05/2019 06:46
Vũ Phương
(GDVN) - Ông Nguyễn Bá Thuyền ủng hộ bỏ hình thức giáng chức. Trường hợp cán bộ, công chức sai phạm, mất uy tín ngoài việc bị giáng chức nên gạt khỏi bộ máy.

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức chuẩn bị trình Quốc hội tới đây, Bộ Nội vụ đang đề xuất bỏ hình thức kỷ luật giáng chức.

Cụ thể sửa đổi điều 79 của luật Cán bộ, công chức về các hình thức kỷ luật để tương đồng với các hình thức kỷ luật của Đảng, trong đó đề xuất bỏ hình thức kỷ luật giáng chức.

Đề xuất bỏ hình thức kỷ luật giáng chức để bảo đảm xử lý kỷ luật nghiêm đối với người giữ chức vụ có hành vi vi phạm, đồng thời cũng phù hợp với quan điểm xây dựng vị trí việc làm.

Cán bộ, công chức sai phạm, mất uy tín phải mạnh tay gạt khỏi bộ máy ảnh 1Đã không đủ tư cách làm cấp trưởng thì uy tín đâu ngồi ghế cấp phó

Theo quy định hiện hành, giáng chức là việc công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý bị hạ xuống chức vụ thấp hơn.

Một quy định đáng chú ý khác, theo dự thảo Luật, thời hiệu xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức được sửa đổi nâng từ 24 tháng lên 60 tháng, được tính kể từ thời điểm có hành vi vi phạm. Hết thời hạn đó, cán bộ, công chức có hành vi vi phạm không bị xem xét xử lý kỷ luật.

Tuy nhiên, dự thảo cũng quy định, đối với các hành vi “vi phạm đặc biệt nghiêm trọng” thì không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Bá Thuyền, Đại biểu Quốc hội khóa 13 bày tỏ sự ủng hộ, đồng tình bỏ hình thức kỷ luật giáng chức.

Ông Nguyễn Bá Thuyền thẳng thắn cho rằng: “Ngoài bỏ hình thức thức kỷ luật giáng chức, dự án Luật sửa đổi cần phải sửa nhiều về điều kiện để sa thải cán bộ, công chức sai phạm.

Thực tế, cán bộ, công chức, viên chức có một bộ phận không nhỏ đang hành dân, hành doanh nghiệp ... trong khi đó điều kiện để loại cán bộ, công chức sai phạm bị đuổi việc, sa thải không phải dễ.

Bởi vậy, để cán bộ, công chức làm tốt chức trách, nhiệm vụ, phục vụ nhân dân, đất nước phải có quy định xử lý kỷ luật nghiêm minh. Khi đã xác định được anh có những hành vi phạm, mất uy tín thì không nên để trong bộ máy nữa, sa thải ngay”.

Nhiều ý kiến đồng tình bỏ hình thức giáng chức, thay vào đó cán bộ sai phạm, mất uy tín cần cách chức để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật. Ảnh minh họa: Hoàng Đặng
Nhiều ý kiến đồng tình bỏ hình thức giáng chức, thay vào đó cán bộ sai phạm, mất uy tín cần cách chức để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật. Ảnh minh họa: Hoàng Đặng

Cũng có nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay việc kỷ luật tại nhiều ngành, lĩnh vực còn chưa thực sự đảm bảo công bằng. Như ngành giáo dục, giáo viên vi phạm có thể bị đuổi khỏi ngành, thậm chí bị vướng vòng lao lý, nhưng trong lĩnh vực khác rất khó sa thải cán bộ, công chức sai phạm.

Về việc này ông Nguyễn Bá Thuyền cho rằng: “Đúng vậy. Việc xử lý cán bộ, công chức sai phạm phải công bằng, công khai minh bạch đối với tất cả các lĩnh vực.

Đặc biệt có hiện tượng có cán bộ, công chức sai phạm lại có người can thiệp nhằm bao che, giảm tội, xin. Thực tế, nhiều vụ việc hiện nay xảy ra vụ việc gì sẽ có người can thiệp.

Bởi vậy, dự án luật sửa đổi cũng cần quy định rõ ai, người nào can thiệp cũng phải chịu hình thức xử lý kỷ luật nghiêm minh, có thể buộc thôi việc người đó để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật”.

Theo lý giải của Bộ Nội vụ, việc giáng chức sẽ gây ra xung đột về các yêu cầu vị trí việc làm. Hơn nữa, như giáng chức từ cấp trưởng xuống cấp phó cũng làm cản trở những cán bộ trẻ có năng lực thăng tiến nên hình thức giáng chức không cần thiết, nên cán bộ, công chức sai phạm phải cách chức. 

Ông Nguyễn Bá Thuyền cũng cho rằng: “Việc giáng chức từ trưởng xuống phó, làm cản trở người khác thăng tiến, làm trì trệ bộ máy.

Đã mất uy tín cần phải cách chức vụ, hoặc sa thải luôn”.

Ông Nguyễn Bá Thuyền cho rằng, không chỉ bỏ hình thức kỷ luật giáng chức mà nên sửa quy định theo hướng cán bộ, công chức vi phạm mức nào đó không chỉ bị cách chức mà sa thải, loại khỏi bộ máy. Ảnh: Quốc hội.
Ông Nguyễn Bá Thuyền cho rằng, không chỉ bỏ hình thức kỷ luật giáng chức mà nên sửa quy định theo hướng cán bộ, công chức vi phạm mức nào đó không chỉ bị cách chức mà sa thải, loại khỏi bộ máy. Ảnh: Quốc hội. 

Trong khi đó, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, đoàn Đồng Tháp cho rằng, việc Bộ Nội vụ đề xuất bỏ hình thức giáng chức là hợp lý.

Vì, giữa giáng chức và cách chức, trong quá trình thực thi có những lúc còn duy tình. Đáng lẽ phải sử dụng biện pháp mạnh là cách chức thì đâu đó có hiện tượng chỉ áp dụng hình thức giáng chức nên bỏ hình thức này là phù hợp.

“Cá nhân đã sai phạm đến mức độ nặng thì cách chức luôn, không cần giáng chức nữa. Như vậy mới đảm bảo được sự nghiêm minh trong kỷ luật”.

Đã không còn uy tín nữa thì cách chức luôn!

Tại buổi họp báo định kỳ ngày 9/5, đại diện Bộ Nội vụ cũng ký giải nguyên nhân bỏ hình thức kỷ luật giáng chức.

Ông Nguyễn Tư Long, Phó Vụ trưởng Vụ Công chức-Viên chức (Bộ Nội vụ) cho rằng hiện nay ranh giới giữa việc kỷ luật giáng chức và cách chức có sự duy tình, đáng lẽ cần cách chức thì lại giáng chức, còn có hiện tượng cố tình giảm nhẹ hình thức kỷ luật nên Chính phủ thống nhất bỏ hình thức kỷ luật giáng chức đi, nếu không kỷ luật khiển trách, cảnh cáo thì xử lý nghiêm là cách chức.

Trong thực tế, việc kỷ luật giáng chức cũng gây khó khăn trong công tác sắp xếp cán bộ tại đơn vị. Việc giữ hình thức kỷ luật giáng chức sẽ có xung đột về các yêu cầu về vị trí việc làm. Ví dụ như, một đơn vị xác định rõ có 1 trưởng 3 phó, nếu giáng chức từ trưởng xuống phó thì lại có 3 phó rồi nên không còn vị trí việc làm nào để bổ nhiệm nữa.

Vũ Phương