Đánh rắn phải đánh dập đầu, ta đánh tham nhũng đừng quên khúc giữa

26/03/2018 07:39
Xuân Dương
(GDVN) - Muốn “dưới” cũng “nóng" như “trên” mà cứ để khúc giữa “mát” thì chẳng lẽ phải tìm cách đi vòng quanh, bỏ qua khúc giữa?

Công cuộc phòng chống tham nhũng hiện nay, được nhiều người - lãnh đạo, nhà báo, người nghiên cứu và dân chúng - gọi là “Cuộc chiến chống giặc nội xâm”.

Là “cuộc chiến” nhưng lại có gì đó rất khác, không phải cuộc chiến giữa các lực lượng đối nghịch, giữa các thế lực, phe phái mà là “ta tự đánh vào ta” - như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Cuộc chiến chống tham nhũng đáp ứng nguyện vọng của dân và vì vậy được dân đồng tình, ủng hộ.

Tuy nhiên sự tham gia của dân vào cuộc chiến không rõ nét như thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ hay chống xâm lược trên biên giới phía Bắc, phía Tây Nam (vào thập niên 70-80 của thế kỷ trước).

Có cảm giác lực lượng hùng hậu nhất ủng hộ chủ trương của Trung ương, ủng hộ quyết tâm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhân dân đang quan sát “cuộc chiến” hơn là tham gia trực tiếp như lực lượng đóng vai trò quyết định.

Luật Phòng chống tham nhũng. (Ảnh minh hoạ: anninhthudo.vn)
Luật Phòng chống tham nhũng. (Ảnh minh hoạ: anninhthudo.vn)

Sau bao nhiêu năm, tỷ lệ kê khai tài sản bị phát hiện (không trung thực?) luôn “ổn định” ở mức khoảng 5 phần triệu?

Thống kê của Ban Nội chính Trung ương đăng ngày 09/12/2017 cho thấy:

Qua 10 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng, mới chỉ tiến hành xác minh đối với 4.859 trường hợp và chỉ phát hiện, xử lý kỷ luật được 17 người kê khai tài sản không trung thực”. [1]

Như vậy bình quân, mỗi năm chỉ có 1,7 người - làm tròn là 2 người không trung thực trong kê khai tài sản?

Quyết định số 99-QĐ/TW (2017) “Ban hành Hướng dẫn khung để các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương tiếp tục phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” có quy định hình thức công khai tài sản cán bộ: “công khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng”.

Đánh rắn phải đánh dập đầu, ta đánh tham nhũng đừng quên khúc giữa ảnh 2Thu hồi tài sản tham nhũng cần có thêm tội danh làm giàu bất hợp pháp

Đây là chủ trương của Đảng, cụ thể hóa chủ trương này là nhiệm vụ của Chính phủ, vậy Chính phủ - cụ thể là Thanh tra Chính phủ - có nên công bố cho dân biết “địa chỉ” trang thông tin lưu trữ bản kê khai tài sản của cán bộ thay vì để tình trạng ngay cả những người rất giỏi tin học cũng chưa chắc đã tìm được?

Việc người dân khó có điều kiện tiếp cận bản kê khai tài sản của cán bộ có đồng nghĩa với việc chưa động viên đúng mức sự tham gia của người dân?

Cuộc chiến chống giặc nội xâm đang diễn biến thế nào?

Câu trả lời cho câu hỏi này có thể thấy qua ý kiến của nhiều vị lãnh đạo cũng như các chuyên gia, rằng cuộc chiến đang trong giai đoạn “trên nóng, dưới lạnh”.

Tường thuật phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị trực tuyến với các địa phương cuối năm 2017, báo Hanoimoi.com.vn viết: “Tình trạng "trên nóng, dưới lạnh", "trên bảo dưới không nghe", kỷ cương phép nước bị buông lỏng còn diễn ra ở nhiều nơi”. [2]

Có nên cho rằng “trên” và “dưới” ở đây chỉ bao gồm các cơ quan, tổ chức và cá nhân trong bộ máy nhà nước mà không gồm nhân dân?

Nếu có cả nhân dân thì dân đang “nóng” hay “lạnh”?

Có điều lâu nay, dư luận chỉ chú đến “trên” và “dưới” mà ít quan tâm đến khúc “giữa”, vậy thế nào gọi là “giữa”?

Xin tạm phân định thế này, “trên” là nơi ban hành chủ trương, đường lối, “dưới” là nơi thực hiện, vậy “giữa” là bộ phận quản lý, là nơi biến chủ trương, đường lối thành văn bản pháp quy, hiện thực hóa chỉ đạo của “trên” và giám sát hoạt động của “dưới”.

Đánh rắn phải đánh dập đầu, ta đánh tham nhũng đừng quên khúc giữa ảnh 3Có bao nhiêu phương thức xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực?

Nếu chấp nhận sự phân định như trên thì phải chăng “trên” đang nóng, “dưới” đang lạnh còn “giữa” “không nóng, cũng không lạnh” tức là “mát”?

Đã gọi là sức nóng thì đương nhiên phải lan tỏa, nếu lan từ “trên” xuống “dưới” mà bị đoạn “mát” ở giữa thì xuống có còn đủ “nóng”?

Hãy cùng điểm qua vài vụ việc để xem mức độ “mát” của “giữa” như thế nào.

Đầu năm 2018, báo chí đưa tin nhiều nơi nông dân vứt bỏ củ cải, su hào vì giá rớt thảm hại, một số nhóm thiện nguyện đã đứng ra “giải cứu”, bán được hàng chục tấn giúp nông dân.

Lý giải chuyện này đại diện cơ quan quản lý nhà nước về trồng trọt (Cục trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng:

Trước khi phải đổ bỏ hay giải cứu, nhiều nông hộ đã thu được cả hàng trăm triệu đồng”. [3] 

Nói đến chuyện “giải cứu” nông sản, không thể không nhắc đến những vụ “giải cứu” lợn thịt, thanh long, muối, chuối, dưa hấu, bí đỏ… đã xảy ra những năm trước.

Vậy Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang làm gì trước thực trạng nhức nhối này?

Nói thẳng ra là, với chức năng quản lý nhà nước về nông nghiệp và phát triển nông thôn, bộ này chịu trách nhiệm đến đâu trước tình trạng tự phát, thiếu kế hoạch tổng thể đối với hai lĩnh vực chủ chốt của nông nghiệp là chăn nuôi và trồng trọt?

Xin trích ý kiến đăng trên Báo điện tử Đài tiếng nói Việt Nam:

Vậy nên, hơn lúc nào hết, ngay từ bây giờ, nền sản xuất nông nghiệp Việt Nam cần một cuộc giải cứu bao trùm là giải cứu tư duy quản trị và sản xuất nông nghiệp”. [3]

Đánh rắn phải đánh dập đầu, ta đánh tham nhũng đừng quên khúc giữa ảnh 4Quá nóng, quá lạnh đều mất ngủ, chỉ có heo may là yên giấc nồng!

Đã qua thời một vài người đi đâu cũng khuyên bà con nông dân nuôi, trồng cái này, cái kia.

Bây giờ không ít cán bộ quản lý cho rằng nông dân làm chủ ruộng đất của mình nên họ toàn quyền quyết định “trồng cây gì, nuôi con gì” và do đó họ phải gánh chịu mọi hậu quả?

Vậy nông dân cần “tư duy quản trị” ở tầm vĩ mô của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hay bộ này cần nông dân để tồn tại?

Làm sao để “giải cứu tư duy quản trị” khi mà người cần giải cứu - tức là bộ ngành chủ quản - cứ theo nếp như bài viết trên trang thông tin điện tử của Bộ Kế hoạch và Đầu tư: “Văn bản pháp luật vẫn đi ra từ "phòng máy lạnh" ”. [4]

Người ta ở "phòng máy lạnh" chỉ để “mát” theo kiểu thời tiết hay cũng còn “mát” để chống lại cái “nóng” từ trên dội xuống?

Câu chuyện hơn 500 giáo viên bị tuyển thừa ở huyện Krông Pak tỉnh Đắk Lắk lỗi là do chính quyền địa phương mà cụ thể là hai đời Chủ tịch huyện Krông Pak.

Ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho rằng:

“Nghị định 115/2010/NĐ-CP đã quy định rõ việc tuyển dụng giáo viên là phân quyền của các địa phương.

Cụ thể, Uỷ ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm bảo đảm đủ biên chế công chức cho phòng giáo dục và đào tạo, biên chế sự nghiệp cho các cơ sở giáo dục; chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục;…

Theo quy định này, việc tuyển dụng hay chấm dứt hợp đồng thuộc quyền của Uỷ ban nhân dân huyện Krông Pắk”. [5]

Đánh rắn phải đánh dập đầu, ta đánh tham nhũng đừng quên khúc giữa ảnh 5“Tham nhũng 100 tỷ đồng - 45% thuế = yên tâm tham nhũng”

Ở câu chuyện này, ngịch lý là người sử dụng lao động thì không được quyết định tuyển. Người tuyển thì cứ làm theo ý họ, khổ thì chỉ thầy cô phải chịu

Hai ví dụ nêu trên có thể chưa đủ minh chứng cho tình trạng “giữa mát” nên xin nêu thêm ví dụ thứ ba.

Công an Phú Thọ đã khởi tố bắt tạm giam nguyên thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa, nguyên Cục trưởng cục phòng chống tội phạm công nghệ cao.

Muốn “dưới” cũng “nóng" như “trên” mà cứ để khúc giữa “mát” thì chẳng lẽ phải tìm cách đi vòng quanh, bỏ qua khúc giữa?

Một điều khác cũng nên nhìn nhận thẳng thắn, một khi xác định chống tham nhũng là chống “giặc nội xâm”, là một “cuộc chiến” đúng nghĩa thì không nên tự an ủi rằng bên bị “đánh” không đủ năng lực và ý chí chống trả.

Sự việc cựu Chủ tịch tỉnh Gia Lai - ông Phạm Thế Dũng - công khai trả lời báo chí, rằng “tôi về hưu rồi, xử sao thì xử”, hay một cơ quan phản bác kết luận thanh tra của một cơ quan cùng cấp khác về sai phạm của mình cho thấy sự quyết liệt của cuộc chiến chống giặc nội xâm không hề thấp như người ta vẫn nghĩ.

Một trong những cách chống trả thầm lặng nhưng hậu quả khôn lường là tìm cách “chuyển hóa” hoặc “cài cắm” nhân sự vào “những ngành, cơ quan phòng chống tham nhũng”.

Điều này đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chỉ rõ trong phiên họp ngày 22/01/2018:

Kiên quyết loại khỏi bộ máy của Đảng, Nhà nước những cán bộ hư hỏng, tham nhũng, phải thanh lọc đội ngũ, trước hết là trong những ngành, cơ quan phòng chống tham nhũng”. [6]

Đánh rắn phải đánh dập đầu, ta đánh tham nhũng đừng quên khúc giữa ảnh 6“Tham nhũng làm hỏng cán bộ, tạo ra bức xúc, bất công trong xã hội”

Chỉ đạo của Tổng Bí thư xuất phát từ thực tế chứ không phải là chỉ là dự báo mang tính ngăn chặn.

Công an Phú Thọ đã khởi tố bắt tạm giam Nguyễn Thanh Hóa, cựu thiếu tướng Cục trưởng Cục cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50) thuộc Tổng cục Cảnh sát, không những thế cựu Tổng cục trưởng tổng cục này, trung tướng Phan Văn Vĩnh cũng đã được mời làm việc với công an.

Trên mặt báo từng xuất hiện ý kiến: “Tham nhũng là những người có chức vụ quyền hạn, chống lại cơ chế xin cho. Chúng tôi chống lại có khi “chết” trước”. [7]

Tham nhũng nằm vùng trong chính cơ quan phòng chống tham nhũng ở cấp khá cao khiến người được giao nhiệm vụ chống tham nhũng còn phải kiêng dè thì việc nhân dân chỉ “quan sát” cuộc chiến có phải là điều lạ?

Kết quả phòng chống tham nhũng còn hạn chế không hẳn là tại “dưới”, càng không thể tại “trên” vì “trên” đang “nóng”, vậy thì vướng ở cấp bậc nào nếu không phải là khúc “giữa”!

Vậy nên giải pháp “đánh” tham nhũng thời nay cần phải khác với chuyện “đánh rắn phải đánh dập đầu”, “đánh” tham nhũng phải “đánh” khúc giữa.

Tài liệu tham khảo:

[1] http://noichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/201712/xu-ly-vi-pham-ve-ke-khai-tai-san-can-phai-manh-tay-hon-303312/

[2] http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Chinh-tri/886770/hoi-nghi-truc-tuyen-chinh-phu-voi-cac-dia-phuong-trien-khai-nhiem-vu-nam-2018

[3]https://vov.vn/kinh-te/do-bo-cu-cai-su-hao-can-giai-cuu-tu-duy-san-xuat-nong-nghiep-741873.vov

 [4] http://kinhtevadubao.vn/chi-tiet/90-2258-khi-van-ban-phap-luat-van-di-ra-tu--phong-may-lanh-.html

[5]https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/bo-gd-dt-len-tieng-ve-vu-500-giao-vien-dak-lak-sap-that-nghiep-20180311103918797.htm

[6]http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Chinh-tri/889431/phat-bieu-cua-tong-bi-thu-tai-phien-hop-ve-phong-chong-tham-nhung

[7] http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/an-com-bui-nhung-phong-bi-ngan-do-292440.html

Xuân Dương