Mới đây, Bộ Nội vụ đề xuất xóa bỏ hình thức kỷ luật giáng chức, có nhiều lý do nhưng trong đó có việc trên thực tế một số nơi cán bộ sai phạm đáng lẽ cách chức nhưng duy tình nên áp dụng hình thức kỷ luật này đã làm giảm tính nghiêm minh trong xử lý sai phạm.
Đề xuất xóa bỏ hình thức kỷ luật này đang thu hút sự chú ý của dư luận. Vì trên thực tế, nhiều trường hợp cán bộ bị sai phạm, sau khi bố trí vào vị trí mới thì tạo nên sự phản cảm.
Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với Đại biểu Quốc hội khóa 13, bà Bùi Thị An.
Bài Bùi Thị An cho rằng, bỏ hình thức kỷ luật giáng chức là chính đáng (ảnh quochoi.vn). |
Theo bà An thì việc xóa bỏ hình thức kỷ luật giáng chức là chính đáng. Lý giải thêm nguyên đại biểu Quốc hội này cho rằng: “Việc giáng chức tức đã không xứng đáng làm cấp trưởng thì cấp phó chắc gì còn xứng đáng để đảm nhận.
Cho nên trong trường hợp này phải xét nghiêm minh về mức độ vi phạm và hình thức tương xứng.
Khi bị giáng chức thì phẩm cách không xứng đáng làm cấp trưởng nên cũng không bao giờ xứng đáng làm cấp phó nữa”.
Lấy ví dụ, bà An cho biết: “Như trong ngành giáo dục nếu vi phạm đạo đức thì đuổi ra khỏi ngành và không thể giáng chức từ hiệu trưởng xuống làm hiệu phó. Bởi các tiêu chí, tiêu chuẩn của hiệu phó cũng rất cao.
Như vậy bỏ hình thức giáng chức, nếu đã vi phạm kỷ luật nặng thì cách chức luôn. Còn trong quá trình phấn đấu lại mà phát huy tốt thì được bổ nhiệm lại”.
Cũng theo vị này, nếu như Bộ trưởng mà giáng chức mà đẩy xuống làm thứ trưởng thì vô lý. Nên đã không đủ năng lực, phẩm chất vị trí đó thì cách chức luôn.
Hơn nữa, khi giáng chức thì đi đâu. Không thể có chuyện cách chức Bộ trưởng thì xuống thứ trường, hay thứ trưởng rồi xuống vụ trưởng.
“Sai phạm nghiêm trọng thì cách chức trở về làm như người bình thường. Nếu còn không đủ tư cách làm nhân viên lĩnh vực ấy thì ra ngoài.
Bây giờ phải quan cán bộ cũng như người dân bình thường. Đã sai phạm thì xử lý không nên quan niệm nhân văn hay không nhân văn. Vì mọi người cần bình đẳng trước pháp luật, khi đã vi phạm thì phải xử lý như nhau”.
Trước đó, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đưa tin, ngày 9/5, tại tại cuộc họp báo định kỳ của Bộ Nội vụ, ông Nguyễn Tư Long - Phó vụ trưởng Công chức Viên chức (Bộ Nội vụ) cho biết, trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức chuẩn bị trình Quốc hội tới đây, Bộ Nội vụ đang đề xuất bỏ hình thức kỷ luật "giáng chức".
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận cho ý kiến về vấn đề này và hiện nay còn có ý kiến khác nhau.
Ông Nguyễn Tư Long giải thích, việc bỏ hình thức giáng chức không làm giảm bớt tính nghiêm minh, nghiêm khắc của việc thực thi pháp luật.
Hình thức kỷ luật này hiện chỉ áp dụng đối với công chức lãnh đạo, quản lý. Các hình thức xử lý kỷ luật cán bộ, công chức hiện nay có 5 hình thức gồm: khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức và buộc thôi việc.
Tuy nhiên, giữa giáng chức và cách chức, trong quá trình thực thi có những lúc còn duy tình.
Đáng lẽ phải sử dụng biện pháp mạnh là cách chức thì đâu đó có hiện tượng chỉ áp dụng hình thức giáng chức.
Tính toán đưa quy định cấm nịnh cấp trên vào Luật Cán bộ công chức |
"Đây không phải là lách luật mà là giảm nhẹ hình thức kỷ luật đi"- ông Long nói và cho rằng, vì lý do này nên Bộ Nội vụ tham mưu Chính phủ bỏ hình thức kỷ luật giáng chức và đề xuất này cũng tương thích với 4 hình thức kỷ luật của Đảng gồm: khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ khỏi Đảng.
Cũng theo ông Long, hình thức kỷ luật giáng chức đã làm nảy sinh xung đột với yêu cầu về vị trí việc làm.
Ví dụ, vị trí việc làm xác định rõ đơn vị có 1 cấp trưởng và 3 cấp phó, nếu giáng chức cấp trưởng thì không còn vị trí việc làm để bổ nhiệm vì đã đủ 3 cấp phó.
Bộ Nội vụ đã nêu quan điểm trình Chính phủ và Chính phủ cũng thống nhất trình bỏ hình thức kỷ luật giáng chức.
Nếu không phải là khiển trách, cảnh cáo, cán bộ, công chức là lãnh đạo quản lý sẽ bị xử lý nghiêm khắc bằng hình thức cách chức.