Cầu Long Biên có nguy cơ thành... đại siêu thị?

21/09/2011 15:45
Theo Bảo Nam/Bưu Điện Việt Nam
Theo ý tưởng, cây cầu hơn 100 tuổi này sẽ được nâng cao để tàu thuyền đi lại, được nới rộng và gắn pháo trên những nhịp cầu cũ...

Với số tiền đầu tư dự kiến lên tới gần 5.000 tỷ đồng, ý tưởng cải tạo cây cầu Long Biên thành bảo tàng lịch sử cận đại dài nhất thế giới của kiến trúc sư Việt kiều Pháp Nguyễn Nga được cho là "siêu ý tưởng".

Ý tưởng... trong mơ

Theo ý tưởng, cây cầu hơn 100 tuổi này sẽ được nâng cao để tàu thuyền đi lại, được nới rộng và gắn pháo trên những nhịp cầu cũ để giữ lại ký ức hào hùng một thời của lịch sử dân tộc.

Đường ray ở chính giữa sẽ dành riêng cho các hoạt động văn hóa sáng tạo. Những nhịp cầu sẽ được bao phủ bởi những tấm kính trong suốt và một không gian lớn sẽ được dành để triển lãm mô hình tàu hỏa chạy bằng hơi nước, các toa tàu cổ trở thành quán cà phê, nhà hàng. Khu bãi giữa sông Hồng sẽ được đắp cao, xây kè thành công viên tự nhiên với làng nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải...

Phần đường tàu hiện tại nằm trên 131 vòm cầu của cầu Long Biên sẽ được cải tạo thành một "Khu vườn treo" với kiến trúc dải lụa xanh - giống vòm cầu nghệ thuật tại Paris hoặc công viên High Line tại New York. Công trình sẽ trở thành một nơi thư giãn và một con đường đi dạo được trồng cây và hoa từ trên cao nhìn xuống hai con phố cổ Gầm Cầu và Phùng Hưng.

Bên bờ Bắc, về phía Gia Lâm sẽ dựng tháp Sen - bảo tàng nghệ thuật đương đại có hình bông hoa đang hé nở - loài hoa được công nhận là quốc hoa của Việt Nam, gắn liền với hình ảnh đức Phật, với Hồ Chí Minh, tượng trưng cho sự siêu thoát khỏi cuộc sống vật chất tầm thường, hướng tới lý tưởng. Cấu trúc của công trình này được làm bằng kim loại và gỗ, kết hợp công nghệ của tương lai và những nguyên vật liệu truyền thống. Với dự án này, bà Nga muốn khai thác yếu tố du lịch, cải thiện môi trường dân sinh của cầu Long Biên.

Cầu Long Biên có nguy cơ thành... đại siêu thị?

Mô hình Tháp Sen - Bảo tàng nghệ thuật đương đại hình bông hoa đang hé nở

Ước tính, dự án sẽ được thực hiện trong khoảng 10 năm với mức đầu tư khoảng 4.860 tỷ đồng. Bà Nga cho hay, chính phủ Pháp sẽ tài trợ 80 triệu euro để cải tạo cầu Long Biên nếu Việt Nam đưa ra phương án cải tạo hợp lý. Và nếu điều này khả thi thì đã có đến 50% kinh phí, phần còn lại sẽ huy động xã hội hóa.

Những con số này được đưa ra trong hội thảo “Dự án bảo tồn, cải tạo cầu Long Biên” của kiến trúc sư Nguyễn Nga tổ chức sáng 20/9 tại Hà Nội. Tuy nhiên, kể cả ý tưởng và phương án giải quyết về số tiền đầu tư, bà Nga chưa thuyết phục được đa số những người quan tâm đến việc cải tạo cây cầu lịch sử này.

Ngay sau khi ý tưởng này được công bố, đã có nhiều ý kiến phản biện rằng việc bảo tàng hóa cây cầu là chưa thực tế, vì đây là tuyến đường sắt huyết mạch của quốc gia. Trên con đường hiện thực hóa ý tưởng, bà Nguyễn Nga sẽ phải đảm nhận trách nhiệm nặng nề, vừa đảm bảo yếu tố nghệ thuật, kiến trúc nhằm bảo tồn cây cầu biểu tượng này, đồng thời cũng biến nó thành một dự án có hiệu quả kinh doanh cao, thu hút giới doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia.

Đó là chưa kể đến tham vọng xây dựng tuyến phố đi bộ xanh mang tên "Đại lộ hòa bình" nối liền những điểm văn hóa lịch sử của thủ đô đã mang dấu ấn hàng nghìn năm và là chứng nhân lịch sử hào hùng của người Việt. Đại lộ này kéo dài khoảng 4km và cho phép du khách khám phá trung tâm Hà Nội.

Tuyến phố này sẽ xuất phát từ Nhà hát lớn, qua vườn hoa Lý Thái Tổ, đến Hàng Ngang, Hàng Đào... rồi hoàng thành Thăng Long - Văn Miếu - Quốc Tử Giám - Lăng chủ tịch Hồ Chí Minh và kết thúc ở Cầu Long Biên. Trên lộ trình này, tháp nước Hàng Đậu sẽ được cải tạo thành bảo tàng, giới thiệu các bộ sưu tập cổ vật thể hiện giá trị văn hóa của người Việt, thành một điểm dừng chân hấp dẫn.

Và những ý kiến trái chiều

Đáp lại lời kêu gọi của bà Nguyễn Nga, kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính cho rằng, việc thông qua dự án phải trải qua cả "rừng" thủ tục. Ông cho rằng, chúng ta không nên bàn quá sớm đến các vấn đề kiến trúc, kỹ thuật mà hãy coi đây chỉ là một phác thảo chỉ có thể khả thi khi tìm được tiếng nói chung với ngành giao thông và sự ủng hộ của chính quyền.

Cầu Long Biên có nguy cơ thành... đại siêu thị?

Cầu Long Biên liệu có trải qua cuộc chuyển đổi từ giao thông sang văn hóa?

Việc cải tạo, bảo tồn cây cầu lịch sử sớm muộn gì cũng đòi hỏi phải sử dụng phương tiện đường sắt hiện đại và đưa tuyến đường này ra khỏi nội đô. Tuy nhiên, sự chuyển đổi từ giao thông sang văn hóa không đơn giản, không phải chỉ một sớm một chiều mà phải có thời gian, sớm cũng phải 10 năm, chưa kể thời gian chuẩn bị, chuyển đổi từng phần...

PGS.TS Nguyễn Thị Vinh - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Các đô thị Việt Nam đưa ra ví dụ cây cầu du lịch nổi tiếng như Banpo Fountain ở Seoul, Hàn Quốc. Hay như cây cầu Aiola Island - bắc qua dòng sông Mur ở Graz - Áo được xây dựng vào năm 2003 ngay lập tức đã trở thành điểm hấp dẫn du khách. Hay cây cầu Python - Amsterdam có hình dáng giống con mãng xà, cầu nối bán đảo Sporenburg với hòn đảo Borneo…

Có nhiều ý kiến đồng thuận, nhưng ý tưởng này hiện cũng đang đứng trước nhiều ý kiến trái ngược, những thắc mắc về sự lãng phí của con số gần 5.000 tỉ đồng để đưa một cây cầu vào bảo tàng trong khi nó vẫn đang giữ một vai trò to lớn trong hoạt động giao thông và đời sống văn hóa giải trí của người dân.

KTS Ngô Doãn Đức - Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, bản thân cầu Long Biên đã là hiện vật lịch sử gắn với thăng trầm của Thủ đô. Nếu “bảo tàng hóa” nó mà không tính toán chi li thì cây cầu sẽ chẳng khác gì một đại siêu thị. Nhiều nhà nghiên cứu cũng tỏ ý hoài nghi khi cây cầu này khoác lên mình bộ cánh mới, hào nhoáng, bóng lộn thì sẽ không còn vẻ trầm mặc vốn có và cần có.

Không đồng tình với ý tưởng của bà Nga, PGS.TS.Lưu Đức Hải - nguyên Cục trưởng Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) thẳng thắn: “Tôi không tán thành việc lấy tháp nước Hàng Đậu làm bảo tàng cổ vật vì đây vốn là công trình cấp nước và là một trong hai tháp nước đáng giữ gìn nên cần xem lại phương án nâng cao thêm”.

Theo Bảo Nam/Bưu Điện Việt Nam