Ở Việt Nam, báo chí tự do đến mức độ nào?

03/05/2015 13:19
Diệu Linh
(GDVN) - Tự do nhưng báo chí cũng phải hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, không được làm tổn hại đến lợi ích quốc gia và nhân dân.

Theo đề nghị của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc, ngày 20/12/1993 Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc đã công bố ngày 3/5 hàng năm là "Ngày Tự do Báo chí thế giới".

Ngày này được ghi nhận là để nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của tự do báo chí và nhắc nhở các chính phủ về bổn phận phải tôn trọng và duy trì quyền tự do ngôn luận theo Điều 19 của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền và đánh dấu ngày kỷ niệm Tuyên ngôn Windhoek - một tuyên ngôn về những nguyên tắc tự do báo chí do các nhà báo châu Phi đưa ra năm 1991.

Ngày “Tự do báo chí” năm nay được quan tâm hơn ở Việt Nam, vì nó trùng với dịp Chính phủ chuẩn bị công bố đề án quy hoạch báo chí toàn quốc.

Và có một câu hỏi không mới, nhưng còn nguyên tính thời sự của nó, đó là: Ở Việt Nam, có tự do báo chí không? Tự do tới mức nào?

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ cuối tháng 4 vừa rồi, ông Nguyễn Bắc Son – Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, Việt Nam hiện có 838 cơ quan báo chí, gồm các loại hình báo in, báo hình, báo nói, báo điện tử.

Và theo Bộ trưởng Son: "Thế giới nói rằng chúng ta không tự do báo chí, nhưng chắc chắn chúng ta là một trong những nước rất tự do báo chí. Bởi vì chúng ta có tất cả các loại hình báo chí, dành cho tất cả các lứa tuổi, từ Trung ương tới địa phương, các bộ, ngành. Các nước khác chưa chắc có nhiều đài truyền hình như Việt Nam chúng ta.

Hiện nay, chúng ta có hơn 300 kênh phát thanh, truyền hình để phục vụ cho người dân. Có thể nói đó là một nguồn lực rất lớn. Chưa chắc tất cả chúng ta ngồi đây đã xem được hết các chương trình truyền hình đó. Ngoài báo in, báo hình, báo nói, báo điện tử, truyền thông xã hội cũng cung cấp thông tin rất lớn cho người dân".

Dù Bộ trưởng không nói thẳng ra, nhưng qua những thông tin mà ông cung cấp, thì người ta có thể ngầm hiểu là ở Việt Nam có tự do báo chí thì mới có nhiều đài truyền hình, nhiều tờ báo ra đời như vậy.

Báo chí đã có rất nhiều đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. ảnh: Ngọc Quang.
Báo chí đã có rất nhiều đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. ảnh: Ngọc Quang.

Trên thực tế, sự phát triển của báo chí trong khoảng 15 năm trở lại đây đã có những đóng góp rất quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế đất nước. Báo chí góp phần rất lớn vào nhiệm vụ chống tham nhũng. Báo chí cũng góp tiếng nói rất lớn mỗi khi có kẻ thù nhăm nhe xâm chiếm lãnh thổ nước nhà.

Còn nhớ vào giữa tháng 9 năm 2014, khi tiếp các nhà báo tham dự hội nghị thường niên Mạng thông tin châu Á tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã khẳng định: "Quyền tự do báo chí là quyền cơ bản của quyền công dân, tự do báo chí là xu thế chung của thế giới.

Tuy nhiên tự do báo chí phải theo quy định của luật pháp để đảm bảo tự do của người này, tổ chức này không xâm phạm đến tự do và lợi ích của tổ chức và cá nhân khác. Hiến pháp Việt Nam mới thông qua cũng bảo đảm tự do trên tinh thần đó".

Thật vậy, nếu chúng ta nhìn sang nước láng giềng Trung Quốc thì sẽ thấy ngay mức độ tự do báo chí, tự do ngôn luận ở Việt Nam đang dễ thở hơn rất nhiều.

Trung Quốc kiểm duyệt mạng internet rất chặt chẽ và cả quyền truy cập của cá nhân, và đến một tên tuổi lớn của của thế giới như facebook cũng phải tháo chạy khỏi thị trường này. Cộng đồng quốc tế cũng  đã phản đối hành động này của Trung Quốc và gọi đó là vi phạm nhân quyền.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa chia sẻ rằng, ông đã có dịp công tác ở Trung Quốc. Trong khách sạn, có thể xem được rất nhiều kênh truyền hình, nhưng tuyệt nhiên không xem được kênh nước ngoài.

Còn ở Triều Tiên lại có chuyện các cơ quan ngoại giao và tổ chức quốc tế đóng tại quốc gia này thậm chí còn bị ngăn chặn sử dụng Wi-Fi và các mạng không dây, bằng một giải thích rất không rõ ràng, dù vậy nếu vi phạm sẽ bị phạt cả chục nghìn USD.

Và ngay trên đất nước của chúng ta, trong những năm tháng chiến tranh, chế độ cũ ở Sài Gòn cũng đã đàn áp, đóng cửa những tờ báo có tư tưởng đối lập (khi nêu ra sự thật trong chế độ này). Có đến 19 nhà báo bị bỏ tù, thậm chí ký giả của AFP còn bị một Đại tá cảnh sát của chế độ Ngụy quyền có tên Phạm Kim Quy bắn chết.

Với tốc độ phát triển nhanh của báo chí và mạng xã hội những năm gần đây, người dân có thể tra cứu được mọi thông tin mà họ cần. Báo chí và người dân đã phát huy được sức mạnh trong cuộc chiến chống tham nhũng, dù rằng kết quả xử lý thì chưa đúng với mong muốn của dư luận.

Lẽ đương nhiên, dù có tự do đến thế nào thì báo chí cũng phải hoạt động trong khuôn khổ của pháp luật, trong đó quan trọng là không được làm tổn hại đến lợi ích quốc gia và lợi ích hợp pháp của người dân. Điều này thì chẳng riêng gì ở ta, mà ở Mỹ, Pháp và các nước tiên tiến khác cũng yêu cầu như vậy.

Năm nay, Quốc hội dự kiến thông qua Luật Tiếp cận thông tin - một đạo luật tiếp tục khẳng định quyền tự do thông tin của người dân, đúng với Nghị quyết 59 (năm 1946) của Liên Hợp Quốc khẳng định: “Tự do thông tin là quyền con người cơ bản và là nền tảng của tất cả các tự do khác”.

Điều 25 Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 2013 cũng đã ghi rõ: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình”.

Có thông tin thì người dân mới giám sát được việc làm của bộ máy công quyền, mới tham gia được vào công việc quản lý xã hội và mới có điều kiện để làm ăn, sinh sống.

Có một điều đáng mừng ở Việt Nam các nhà lãnh đạo coi mạng xã hội là xu thế phát triển tất yếu của thế giới.

Bởi vậy mà Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu chủ động đưa thông tin chính thống lên các mạng xã hội nhằm đáp ứng yêu cầu về quyền tiếp cận thông tin của người dân.

Thủ tướng đã chia sẻ rất thẳng thắn: “Các đồng chí ngồi đây đều tham gia mạng xã hội, có điện thoại để lên Facebook xem thông tin. Trên mạng ai nói gì thì nói, nhưng có thông tin chính thống của Chính phủ thì người dân mới có lòng tin. Đây là nhiệm vụ mới cần phải làm tốt hơn trong năm nay”.

Đồng thời, Thủ tướng Thủ tướng cũng khẳng định: “Chúng ta quản lý, điều hành mà người dân không biết chủ trương, chính sách thì không được”.

Thông điệp này của Thủ tướng đã được rất đông đảo nhân dân ủng hộ, và nhìn từ góc độ đối ngoại thì đấy cũng là một nỗ lực rất lớn của Chính phủ để xua đi những lời lẽ không mấy hay ho nhằm vào đất nước ta, cho rằng Việt Nam không có nhân quyền.

Dù vậy, cũng giống như nhiều lĩnh vực khác của đời sống xã hội, báo chí cũng gặp nhiều khó khăn trong thực tiễn, mà rõ nhất là quyền của nhà báo vẫn chưa thực sự được đảm bảo.

GS. Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đã chỉ rõ rằng: "Trên thực tế nhiều quy định không được thực hiện, do đó quyền tiếp cận thông tin của nhà báo gặp nhiều trở ngại. Quy chế người phát ngôn mang tính hình thức và không thực tế. Các quy định mơ hồ như “bí mật công tác”, “không thuộc thẩm quyền” cộng với sợ trách nhiệm nên quy chế này không những không phát huy tác dụng mà còn ngăn cản báo chí tiếp cận thông tin.

Trong khi đó, Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cũng đặt vấn đề: “Nhìn lại bức tranh toàn cảnh báo chí của ta, có nhiều vấn đề cần định hướng lại và sửa đổi.

Luật Báo chí và nhiều văn bản quy phạm pháp luật của ta đang là bước lùi so với thế giới, nhiều vấn nạn như xin phép, quy hoạch đang là sự bất lực về quản lý. Lối tư duy phải quản cho chặt thực tế là thảm họa cho báo chí.

Vì vậy cần phải có tư duy mới thuận theo sự phát triển của xã hội theo hướng là quản cho có hiệu quả. Hiệu quả quan trọng nhất của báo chí là tác động vào xã hội, công dân như thế nào".

Và trên thực tế, cũng có không ít tờ báo bị can thiệp, bằng cách này hay cách khác mỗi khi có các bài viết đề cập tới trách nhiệm cụ thể của một cá nhân hay tiêu cực ở một cơ quan, doanh nghiệp nào đó.

Những kiểu can thiệp ngầm ấy cũng ít nhiều làm ảnh hưởng tới tự do báo chí, ảnh hưởng tới quyền được tiếp cận thông tin của người dân. Nhưng có lẽ, nó là một phần của cuộc sống, của các mối quan hệ chằng chịt và không có cách nào để ngăn chặn?

Diệu Linh