Ông Dương Trung Quốc xin “ân xá” cho voi giẫm chết bé gái

19/10/2011 05:41
Ngọc Quang
(GDVN) - "Voi là con vật nên không thể điều tra nó được mà phải điều tra con người, lý do gì dẫn tới hành động “tự vệ” của nó?"

Chú voi Na
Chú voi Na

Sự việc đau lòng xảy ra vào khoảng 15h ngày 16/10, tại Hội trường tỉnh Lào Cai (cũ), con voi (đặt tên là Na) của Đoàn xiếc Việt Nam dẫm chết bé gái Nguyễn Thảo Oanh (11 tuổi, học lớp 6C) Trường THCS Lê Quý Đôn, thành phố Lào Cai.
Ban ngày, voi thường được nhốt tại góc sân Hội trường tỉnh Lào Cai, nên rất nhiều phụ huynh đưa các em nhỏ đến xem và cho voi ăn. Những người có mặt tại hiện trường cho hay, bé Thảo Oanh đang lấy ngọn mía cho con Na ăn thì bất ngờ bị nó quấn chặt bằng vòi, nhấc lên cao và quật xuống đất, rồi dùng chân dẫm nhiều lần, khiến bé Thảo Oanh chết ngay tại chỗ.

Nhiều người sẵn sàng đứng ra bảo lãnh cho con voi “gây tội ác”
Sau khi vụ tai nạn đáng tiếc trên xảy ra, đã xuất hiện những luồng ý kiến cho rằng “voi bị điên” nên “cần phải diệt trừ”, khiến cho phần lớn dư luận tỏ ra lo lắng cho số phận của chú voi này.

Chiều qua (18/10), PV Báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi qua điện thoại với Nhà sử học Dương Trung Quốc (hiện ông đang có các nội dung kết hợp với Nhóm Hành trình Việt Nam xanh - do Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng làm cố vấn - chung tay lên tiếng bảo vệ đàn voi nhà của Việt Nam) về số phận của chú voi đã dẫm lên cháu Nguyễn Thảo Oanh.

Ông Quốc cho hay: “Voi là con vật nên không thể điều tra nó được mà phải điều tra con người, lý do gì dẫn tới hành động “tự vệ” của nó? Voi vốn là con vật hiền lành, nhưng khi bị kích động thì nó sẽ hàng động theo bản năng. Cái chết của bé Thảo Oanh thật thương tâm, chúng ta cần chia sẻ đau thương này với gia đình cháu. 
Tuy nhiên, tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng không phải tự nhiên mà con voi đã được thuần dưỡng lại hung hăng như vậy, có lẽ là nó đã bị kích động nên không còn hiền lành như bình thường nữa, và bé Thảo Oanh thực ra chỉ là nạn nhân khi con voi đã bị kích động”.
Ông Dương Trung Quốc cũng cho hay, ông vào nhiều nhà khoa học khác đang theo dõi sát sao diễn biến tiếp theo của vụ việc, nhằm đảm bảo tính mạng của con voi, không để những kẻ xấu lợi dụng cơ hội này đòi giết voi.

Con voi này được đưa lên Lào Cai biểu diễn trong 10 ngày liền và tới ngày cuối cùng thì xảy ra tai nạn nói trên. Trước đó, lãnh đạo đoàn xiếc đã cắt cử hai nhân viên bảo vệ thay nhau trực ở điểm nhốt voi liên tục cả ngày lẫn đêm, nhưng tại thời điểm xảy ra tai nạn thì không thấy nhân viên nào có mặt ở hiện trường. 
Theo một số người dân bán hàng gần khu nhốt voi thì trước đó mấy ngày, nhiều người vẫn chui qua rào vào cho voi ăn và con voi tỏ ra rất hiền lành, trái hẳn với sự hung hăng vào thời điểm dẫm lên bé Thảo Oanh. Tuy nhiên, trước khi xảy ra tai nạn thương tâm này, có ai đó đã lấy củ ráy và ớt trộn lẫn vào cỏ và bánh mì ném cho voi ăn, sau khi ăn xong thì nó trở nên hung hãn khác thường.

Anh Đàn Năng Long – Người sở hữu nhiều voi nhất tại Việt Nam cho hay, anh sẵn sàng chi trả toàn bộ chi phí để cứu tính mạng của voi, sẵn sàng đền bù thiệt hại cho gia đình nạn nhân, sẵn sàng mua lại con voi này để nuôi dưỡng.

Hai chân sau của chú voi Beckam bị chặt đứt lìa
Hai chân sau của chú voi Beckam bị chặt đứt lìa

Vụ việc thương tâm này một lần nữa nhắc chúng ta nhớ tới vụ voi của đoàn xiếc Sao Mai (tỉnh Hải Dương) quật chết một học sinh ở tỉnh Đồng Nai vào năm 2010. Nguyên nhân của vụ tai nạn ấy được cho là do voi bị trêu phá, cộng với thời tiết nóng bức nên mới hung dữ và đối với vụ việc lần này ở Lào Cai một lần nữa cho thấy con người đang đối xử độc ác với voi.

Nhà Báo Đỗ Doãn Hoàng, người đã bỏ nhiều công sức tìm hiểu, chụp ảnh, điều tra, viết kiến nghị, tham gia tổ chức tọa đàm, triển lãm ảnh ảnh ở Hà Nội, Hội An (sắp tới còn nhiều tỉnh nữa) đã chia sẻ: “Đây là một những con voi nhà cuối cùng của Việt Nam, nếu cứ làm thế này, Việt Nam sẽ hết voi trong nay mai.

Chúng ta có khái niệm voi nhà, chứ không có khái niệm hổ nhà, rắn nhà, gấu nhà, khỉ nhà... bởi vì voi là con vật được người Tây Nguyên thuần dưỡng từ khá lâu, nó là loài động vật trên cạn lớn nhất của hành tinh còn tồn tại đến ngày nay. 
Voi rất tình cảm, thông minh, voi sống đến 90 -100 tuổi, voi gắn bó với nhiều thế hệ, với nhiều gia đình người Tây Nguyên, nhiều con voi sống đến hôm nay, nó đã gắn bó chặt chẽ với cuộc chiến đấu bảo vệ và xây dựng tổ quốc của chúng ta trong nhiều thập niên qua. Voi còn là một phần ký ức của dân tộc. Chương trình “Hành trình Việt Nam xanh” của chúng tôi kết hợp với Hội Sử học (Tạp chí Xưa và nay) để mở tọa đàm và triển lãm khắp nhiều tỉnh thành “Đừng để voi chỉ còn là ký ức” cũng không ngoài suy nghĩ, trăn trở đó”.
Đỗ Doãn Hoàng cho chúng tôi xem rất nhiều bức ảnh, nhiều bài báo, nhiều cuộc triển lãm về voi được ghi hình với không ít xót xa; rồi tiếp: “Tôi vừa vượt mưa lũ đi xuyên dải đất miền Trung, trưng bày ảnh, tổ chức các hoạt động bảo vệ môi trường, bảo vệ đàn voi của Việt Nam trở về. Về đến Hà Nội thì nhận được điện thoại của ông Dương Trung Quốc, ông Đàn Năng Long cũng gọi về từ Thái Lan.

Hai ông đều hết sức tha thiết muốn kiến nghị lên cơ quan chức năng, thậm chí viết đơn, ký đơn xin bảo lãnh và “ân xá” cho con voi vừa gây thảm họa ở Lào Cai. Bởi lỗi không phải do voi gây ra.

Anh Long nói: Ngay chiều nay (18/10/2011), anh từ Thái Lan về, có thể ra Hà Nội ngay bằng ô tô của mình, và xin phép mua con voi về, làm lễ xám hội, nhận tội cho nó, rồi đem nó về giáo dục, nuôi dưỡng bằng tất cả những gì mà một người có nhiều voi nhất Tây Nguyên hiện nay có thể làm được.

Anh quyết định vậy, giống như hành động của một người bao dung, muốn cưu mang một kẻ giết người muốn “chuộc lại lỗi lầm” (giả sử con voi kia có lỗi đi nữa). Anh Long sẵn sàng bỏ tiền ra cứu con voi về chăm sóc. Bởi anh nghĩ: dù người ta không “tử hình” con voi gây họa như luật tục của đồng bào Tây Nguyên. Nhưng liệu việc nuôi lại con voi, có đồng nghĩa với việc nó tiếp tục được lưu diễn?

Khi không được lưu diễn, liệu có lý do nào để đoàn xiếc tiếp tục chăm sóc nó như cần phải có? Liệu nó có bị đối xử tệ bạc hơn hiện nay rất nhiều lần không? Anh Long dám chắc là voi sẽ rất khổ, và không giết, trong trường hợp này cũng coi như là đã… giết. Và anh Long một mực muốn cứu voi.

Anh Long đã van vỉ tôi, bởi anh nghĩ, tôi đã làm được vài điều vì đàn voi nhà Việt Nam, tôi đã yêu thương, đã buồn bã chứng kiến những con voi nhà của anh bị giết, bị đục ngà, bị đem chôn trong lễ cúng buốt lòng; tôi đã kiến nghị nhiều cho đàn voi của anh trong nhiều năm qua. Thật ra tôi chẳng biết phải hành động ra sao cho xứng đáng với niềm tin của anh Long. Chỉ biết là hành động đó của anh làm tôi và ông Dương Trung Quốc rất xúc động…”.
Một nhân vật cũng rất quen thuộc với con voi là chị Nguyễn Thị Thanh Hà (hay còn gọi là Hà “voi”) thì chia sẻ: “Tôi nghe chuyện con Na dẫm chết cháu bé mà quá đau lòng, nhưng có nên trừng phạt voi không, nếu ai đó nói nên giết voi thì tôi kịch liệt phản đối vì rõ ràng họ chẳng hiểu biết gì về voi cả.

Chúng tôi là những người nuôi dưỡng voi lâu năm, có khi nào bị phiền phức gì về voi đâu, cái gì cũng có nguyên nhân sâu xa của nó, chứ bản thân voi là con vật rất hiền lành. Tôi biết rõ con Na, con Nu và con Bông, con Đô ở Liên đoàn Xiếc.

Con Na con Nu là át chủ bài ở đó, được diễn thường xuyên còn hai con kia thì không. Khi đến chăm Khăm Bun, tôi thường cho cả mấy con cùng ăn. Ba năm tôi ở đó không bao giờ con Na đánh tôi. Khi tôi giơ tay chào, trêu nó, nó còn chào lại.

Cho ăn đói, khát, đến nước còn không đủ mà uống, lại bị đánh đập dã man thì con vật không còn tình cảm với người. Con Na con Nu mỗi khi ra sân khấu đều bị đánh, bị thọc đòng sắt vào cổ (đòng sắt là cài dùi nhọn hoắt bằng sắt, đánh đập để voi chịu làm theo điều khiển). Tôi đã nhiều lần chứng kiến cảnh này và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về lời nói của mình”.
Voi nhà có nguy cơ tuyệt chủng
Voi là biểu tượng chiến thắng của dân tộc từ thời Bà Trưng, Bà Triệu, thế nhưng nhiều năm đã qua mà những kế hoạch bảo vệ voi vẫn chỉ… nằm trên giấy. Voi rừng thì bị săn đuổi đến cạn kiệt, còn voi nhà cũng luôn bị nguy hiểm rình rập, bởi những kẻ bất lương không chỉ muốn cưa ngà mà còn chặt trộm đuôi (lấy lông đem bán).

Niềm tin mù quáng của nhiều người mua nhẫn lông voi để gặp may mắn vô tình đã tiếp tay cho những kẻ giết voi, trong đó có những vụ kẻ thủ ác ra tay tàn bạo như voi Pắc Cú bị chém tới 217 nhát khắp cơ thể, hay gần nhất là vào ngày 24/4/2011, voi có tên BeckKham 38 tuổi đã bị giết trong khu du lịch hồ Tuyền Lâm (cách thành phố Đà Lạt khoảng 15 km về phía đèo Pren) bằng rất nhiều nhát vào hai chân sau, làm đứt gân chân và gây mất máu quá nhiều.

Trước đó chỉ vài tháng, voi Beckham cũng bị kẻ xấu chém 38 nhát, lần đó nó may mắn được cứu thoát.
Việc bảo vệ voi lúc này vô cùng cấp bách, đó là lý do mà vào cuối tháng 9, Tạp chí Xưa và nay cùng đơn vị liên quan đã tổ chức một chương trình kêu gọi tìm hướng đi để bảo tồn loài voi ngày một cạn kiệt tại Việt Nam với tên gọi  “Đừng để voi chỉ còn là ký ức”.
Theo thống kê của Nhà sử học Dương Trung Quốc, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng và các cộng sự, năm 1985 có khoảng hơn 500 con voi nhà thì nay chỉ đã giảm tới 9/10, tức là chỉ còn 52 con (trong đó có 51 con sống tại tỉnh Đắc Lắc). Điều đáng nói là 52 con voi này cũng đang rơi vào tình trạng sức khỏe kiệt quệ, có con bị chặt ngà, con bị vặt trộm lông đuôi, thậm chí có con bị chặt rụng cả đuôi.

Nhà Báo Đỗ Doãn Hoàng chia sẻ: “Đáng lên án hơn là chính chủ voi đi giết con voi của mình và dựng lại hiện trường lu loa kêu khóc, rồi tìm lên cơ quan chức năng để xin lại xác voi về (nói là) đem chôn. Họ giết con voi của mình đi để trục lợi, bán sản phẩm từ con voi đó kiếm tiền, bởi đơn giản, xác voi bây giờ có giá hơn… con voi đang sống! Voi bị đối xử như vậy, đúng là không còn gì để nói”.

Nếu nhìn sang các nước như Ấn Độ, Indonesia..., và ngay cả những nước nghèo và không lớn như Bhutan, Nepal đều có những trung tâm chuyên quản lý và chăm sóc voi nhà. Trung tâm Bảo tồn Voi của Indonesia có tới 350 cá thể.

Còn tại Việt Nam, năm 2006, Chính phủ đã ra Nghị định số 32 xếp voi nhà vào cấp độ IB, với nội dung “nghiêm cấm khai thác và sử dụng voi vào mục đích thương mại, rồi có thêm văn bản (16.5.2006) phê duyệt kế hoạch hành động đến năm 2010 về bảo tồn voi Việt Nam”. Tuy nhiên, cho tới giờ dự án vẫn chỉ nằm trên giấy.

Đối với Việt Nam, voi không chỉ quan trọng ở khía cạnh bảo tồn, nó còn là một phần quan trọng trong tâm thức của người Việt, nó đồng hành với người Việt trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.

Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng: “Nếu để mất đàn voi nhà, chúng ta không chỉ mất con voi mà mất cả một phần ký ức dân tộc. Voi là loài vật khổng lồ nhất còn sống trên cạn mà loài người có thể nhìn thấy được, nhưng voi đang bị nhiều kẻ độc ác hãm hại mà chưa được bảo vệ đúng mức.

Tôi sẽ đặt câu hỏi đơn giản: Trách nhiệm của Bộ nói riêng và Chính phủ nói chung trong việc bảo tồn voi? Đừng để cho những người chép sử chúng tôi viết rằng: Ngày ấy, giờ ấy, trong nhiệm kỳ của ông (bà) ấy, con voi cuối cùng ở Việt Nam đã chết”.
Ngọc Quang