Thủ tướng nêu quan điểm "6 chữ" trong quan hệ không chỉ với Trung Quốc

19/11/2014 17:41
Ngọc Quang
(GDVN) - Việt Nam và Trung Quốc là láng giềng. Tuy nhiên, vào năm 1988, Trung Quốc đã cưỡng chiếm một số đảo trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Trả lời chất vấn tại Quốc hội cách đây ít phút, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có những chia sẻ thẳng thắn khi Đại biểu Quốc hội bày tỏ lo ngại trước việc Trung Quốc liên tục vi phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

Thủ tướng cho biết, đối với Trung Quốc hay đối với tất cả các nước trên thế giới, chúng ta phải thực hiện đường lối đối ngoại kiên trì nhất quán của Đảng và Nhà nước. Ngay tại Hiến pháp 2013 toàn bộ đường lối đối ngoại đã nêu trong Điều 12 của Hiến pháp: Độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác phát triển, đa phương hóa đa dạng hoá quan hệ, chủ động tích cực hội nhập hợp tác quốc tế trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng cùng có lợi, tuân thủ Hiến chương Liên Hợp quốc; thực hiện các cam kết, công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Thủ tướng bày tỏ: “Ta với Trung Quốc là láng giềng, dù mưa nắng hay bão lũ gì cũng là láng giềng, mãi mãi là láng giềng. Chúng ta hết sức mong muốn Việt Nam và Trung Quốc chân thành hợp tác hữu nghị để gìn giữ hoàn bình ổn định, để hợp tác cùng phát triển cùng có lợi, để thực hiện một cách thực chất hiệu quả phương châm 16 chữ, 4 tốt, để đem lại lợi ích cho cả hai nước.

Chúng ta mong muốn hai bên chân thành hợp tác để giải quyết những bất đồng giữa hai nước về biên giới lãnh thổ trên biển đảo theo luật pháp quốc tế, theo Công ước luật biển 1982 và theo cam kết giữa lãnh đạo cấp cao hai nước. Giải quyết thỏa đáng mà hai bên chấp nhận được trên cơ sở luật pháp quốc tế những vấn đề còn tranh chấp, còn quan điểm khác nhau về biên giới lãnh thổ”.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, Việt Nam phản đối việc Trung Quốc bồi lấp xây dựng tại đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: TTBC.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, Việt Nam phản đối việc Trung Quốc bồi lấp xây dựng tại đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: TTBC.

Với lập trường nhất quán như vậy, Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam áp dụng 6 chữ “Vừa hợp tác vừa đấu tranh” không chỉ với Trung Quốc mà tất cả các nước.

“Chúng ta vừa hợp tác vừa đấu tranh để có hòa bình ổn định. Chúng ta vừa hợp tác vừa đấu tranh để có hữu nghị tin cậy lẫn nhau. Chúng ta vừa hợp tác vừa đấu tranh để cùng có lợi, cùng phát triển cùng thịnh vượng. Chúng ta vừa hợp tác vừa đấu tranh để bảo vệ độc lập chủ quyền thiêng liêng của đất nước, để bảo vệ quyền lợi của nước ta trên cơ sở nhất quán quan điểm của Đảng và Nhà nước”, Thủ tướng cho biết.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ rõ, đảo Gạc Ma và một số đảo trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc cưỡng chiếm năm 1988. Trong tình thế lúc đó chúng ta đã cùng với các nước Asean ký với Trung Quốc về thái độ tuyên bố chung của các bên liên quan trên biển đông (DOC), là các bên giữ nguyên hiện trạng không làm phức tạp thêm, mọi tranh chấp giải quyết trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, không dùng vũ lực, không đe dọa dùng vũ lực để giải quyết.

Thủ tướng nêu quan điểm: “Việc Trung Quốc bồi lấp biển ở đảo chữ Thập thành đảo lớn nhất ở quần đảo Trường Sa khoảng 49 héc-ta, lớn hơn đảo Ba Bình, lập trường của chúng ta là phản đối điều này, vì vi phạm Điều 5 của DOC mà Trung Quốc là một bên ký kết với các nước Asean.

Tại hội nghị cấp cao Asean vừa rồi thay mặt Chính phủ Việt Nam tôi đã phát biểu lập trường này ở các hội nghị, ở cả hội nghị cấp cao 10 nước Asean và hội nghị cấp cao 10 nước Asean với 8 nước gọi là hội nghị cấp cao Đông Á (có sự tham dự của Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Mỹ, Australia… - PV), tại Hội nghị Asean với 3 nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc; và tại Hội nghị Asean với từng nước và Hội nghị Asean với Liên Hợp Quốc. Chủ trương và thái độ của chúng ta rất kiên quyết, về việc này chúng ta công khai bày tỏ rõ ràng".

Ngọc Quang