Sinh ra trong một gia đình người Nùng ở Lạng Sơn, từ nhỏ, cậu bé Vy Quang Hiệp (sinh năm 2001) đã theo cha mẹ vào tận xã IaLe huyện Chư Pưh (Gia Lai) làm kinh tế mới.
Con đường đến trường của em cũng gập ghềnh, khó khăn như cuộc sống của người dân ở bản làng heo hút.
Vượt đường rừng đến trường
Với số điểm thi trung học phổ thông quốc gia 24,7 điểm, Hiệp đã chính thức trở thành á khoa ngành công nghệ thông tin của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng).
Cậu bé người Nùng Vy Quang Hiệp đã dần chạm đến ước mơ của mình khi bước chân lên giảng đường đại học. Ảnh: AN |
Niềm vui hiển hiện trên khuôn mặt của cậu bé người Nùng khi lần đầu bước chân lên giảng đường đại học.
“Em lớn lên ở bản làng nghèo khó nên việc học tập ở đó rất khó khăn. Cả bản chỉ có vài người đi học, còn lại đều ở nhà phụ bố mẹ làm nương rẫy.
Ngày em học cấp hai, trường cách xa nhà hơn 13 cây số nên phải dậy đi học từ lúc gà gáy. Khổ nhất là lúc qua những quãng đường rừng lầy lội, trơn trượt”.
Ngã rẽ của cô nữ sinh nghèo Quảng Ngãi |
Hiệp kể lại hành trình đến trường của mình, đó là một chặng đường gian nan. Có lúc, em tưởng chừng như phải bỏ dở.
Nhưng nghĩ đến cảnh bố mẹ vất vả làm việc, giang mình trên nương rẫy, Hiệp lại vững tin để không bỏ học.
Khi vào cấp ba, Hiệp được nhận vào trường trung học phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Gia Lai nên việc học cũng thuận lợi và suôn sẻ hơn.
“Học trường nội trú, được nhà nước chăm lo nên gia đình em cũng đỡ phần nào gánh nặng. Cuộc sống xa nhà có chút buồn nhưng mình vẫn gắng được”, Hiệp nói.
Ba năm liền là học sinh giỏi toàn diện, giành được nhiều giải thưởng trong các cuộc thi học sinh giỏi cấp tỉnh như: giải nhì ba tỉnh môn Địa lý (năm lớp 10), giải khuyến khích môn Địa lý năm lớp 11…
Những tấm bằng khen, giấy chứng nhận đạt được là món quà mà Hiệp muốn dành tặng cho cha mẹ và dân bản.
Ước mơ là một kỹ sư phần mềm
Ngày nhận được thông tin trúng tuyển Đại học, gia đình Hiệp đã khóc hết nước mắt. Bao ước mơ, khát vọng của cậu bé người Nùng đã sắp chạm tay đến.
Sau ba năm đi lính, nam chiến sĩ công an nghĩa vụ trở thành thủ khoa |
“Từ nhỏ em đã rất đam mê môn Tin học. Nhưng điều kiện gia đình còn khó khăn nên em ít có cơ hội được tiếp xúc với máy tính.
Em chủ yếu học nhờ máy tính của nhà trường, thư viện và đôi khi phải ra quán internet”.
Hiệp cũng chia sẻ thêm, ba mẹ và người thân cũng rất ủng hộ quyết định của em khi đăng ký nguyện vọng 1 vào ngành công nghệ thông tin.
Bởi đó là ngành học của tương lai, sẽ giúp em bước ra khỏi “bóng tối” bao năm ở bản làng.
Ngày về thành phố nhập học, hành trang mang theo của hai mẹ con Hiệp là khoản học phí hơn 6 triệu đồng mà gia đình đã dành dụm nhiều tháng qua.
Hiệp được nhà trường bố trí phòng ở ký túc xá để đỡ phần nào chi phí trang trải trong bốn năm đại học.
“Trong thời đại 4.0 thì ngành công nghệ thông tin là ngành đang hot nên em nghĩ cơ hội việc làm khi ra trường sẽ lớn hơn.
Ước mơ sau này của em là trở thành một kỹ sư phần mềm, được làm việc cho các công ty nước ngoài để có những trải nghiệm tốt hơn, nâng cao tay nghề”, Hiệp hào hứng nói.
Khát vọng là vậy nhưng quãng đường 4 năm phía trước của Hiệp cũng còn đầy những chông gai khi kinh tế gia đình không mấy khá giả. Mong muốn có một chiếc máy tính để học với em cũng là điều mơ ước.