South China Morning Post ngày 1/3 đưa tin, tờ Quân Giải phóng Trung Quốc nói rằng cứ 4 người Trung Quốc cư ngụ (bất hợp pháp) ở đảo Phú Lâm, Hoàng Sa (Đà Nẵng, Việt Nam) thì có 3 là lính Trung Quốc.
Các cấu trúc khác nhau, các tòa nhà hành chính đã được Trung Quốc xây dựng trên đảo Phú Lâm để "chứng minh chủ quyền". Một trạm y tế và truyền hình vệ tinh cũng đã được mở ra. Các công trình đã được cải thiện đáng kể với nguồn cung cấp nước ngọt và điện ổn định.
Lính Trung Quốc đồn trú bất hợp pháp ở Phú Lâm, Hoàng Sa, Đà Nẵng, Việt Nam. Ảnh: SCMP. |
Tỉ lệ lính/dân ở Phú Lâm thông thường là 3/1, Quân Giải phóng nói. Tuy nhiên tờ báo này không đưa tổng số người Trung Quốc cư ngụ (bất hợp pháp) tại đây. Nhưng năm 2013 truyền thông Trung Quốc đã loan báo có khoảng 1000 người hiện diện (bất hợp pháp) ở Hoàng Sa.
Ngoài lực lượng binh lính đồn trú, gần đây Trung Quốc còn kéo thêm tên lửa phòng không HQ-9, chiến đấu cơ J-11, JH-7 ra bố trí bất hợp pháp, với cái cớ là vì tàu khu trục Mỹ USS Curtis Wilbur tuần tra bên trong 12 hải lý đảo Tri Tôn hôm 31/1.
Một con tàu vận tải - du lịch thường xuyên hoạt động giữa Hải Nam tới một vài đảo ở Hoàng Sa. Trung Quốc đã phủ sóng 4G và kết nối internet đảo Phú Lâm thông qua một dây cáp quang dưới biển.
Tiết Lực, một học giả từ Viện Khoa học xã hội Trung Quốc cho rằng Trung Quốc đang thay đổi chiến thuật, công bố sự hiện diện ở Hoàng Sa với cơ sở hạ tầng "dân sự" và "số dân" sinh sống nhằm chứng minh, Bắc Kiinh "không quân sự hóa Biển Đông".
"Dân" Trung Quốc cư ngụ bất hợp pháp ở Hoàng Sa thực chất là sĩ quan, binh lính và vợ con một số quân nhân này.
Quần đảo Hoàng Sa được Nhà nước Việt Nam khai phá từ khi còn là đất vô chủ từ thế kỷ 17, xác lập và thực thi chủ quyền một cách hòa bình, liên tục. Vua Minh Mạng đã cho cắm mốc chủ quyền chính thức ở Hoàng Sa từ năm 1835.
Năm 1909 Trung Quốc nhảy vào tranh chấp, năm 1956, 1974 Trung Quốc thừa cơ cất quân xâm lược và chiếm đóng trái phép. Điều đó không làm cho Trung Quốc có chủ quyền đối với quần đảo này của Việt Nam.