Ăn bát cơm của ngành giáo dục mà không chịu lớn

24/05/2020 06:50
Trần Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Không ít những người phá hoại giáo dục ở Hòa Bình, Hà Giang, Sơn La lớn lên bằng bát cơm của ngành giáo dục, nhưng họ đã tự tay vứt bỏ.

Những ngày qua, trước thềm kỳ thi Trung học phổ thông năm 2020 diễn ra, những bị cáo phá hoại giáo dục năm 2018 ở Hòa Bình, Sơn La đã phải ra hầu tòa.

Tại Hòa Bình, một trong những bị cáo được đánh giá là có sự ăn năn, hối cải, thức tỉnh lương tâm nhiều nhất trong vụ gian lận điểm thi năm 2018 ở tỉnh Hòa Bình là Đỗ Mạnh Tuấn (nguyên Hiệu phó trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Lạc Thủy, Hòa Bình).

Mạnh Tuấn đã bị Hội đồng xét xử tuyên phạt 10 năm tù cho 2 tội danh nhận hối lộ và Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Trong lời nói sau cùng trước khi tòa tuyên án, Đỗ Mạnh Tuấn đã xin lỗi Đảng, nhà nước, nhân dân, ngành giáo dục, cha mẹ học sinh, học sinh trong đó có những học sinh bị ảnh hưởng vì những sai phạm của Tuấn.

Vì đâu phải nhìn người thân sau ô cửa xe tù? Ảnh: LC

Vì đâu phải nhìn người thân sau ô cửa xe tù? Ảnh: LC

Trước tòa, bị cáo Tuấn cho biết mình không dùng những lời bào chữa cho hành động mình đã làm, bị cáo Tuấn chỉ biết dùng hành động của mình để sám hối, ăn năn về những hành động đó.

Tuấn cho rằng mình lớn lên từ bát cơm của ngành giáo dục khi cả gia đình cùng làm ngành giáo dục.

Tuấn cũng đã trải qua những khó khăn của ngành giáo dục, vì miếng cơm manh áo mà phải bỏ nghề, Tuấn cũng đã trải qua những ngày cơ cực những ngày khó.

Những lời “gan ruột” của Tuấn trước tòa cũng có thể hiểu được tình cảnh mà bị cáo này đã từng trải qua.

Ngành giáo dục ngày nay đã có những bước phát triển mạnh mẽ nhưng không phải đã hết gian khó.

Trên những triền núi cao mây trắng, những điểm trường lẫn trong sương mờ vẫn có những thầy cô giáo gửi gắm tuổi thanh xuân, vượt qua gian khó đồng hành cùng giáo dục, vì tương lai học trò.

Trên chặng đường của giáo dục đầy vinh quang và gian khó ấy đã có không ít thầy cô giáo vì miếng cơm manh áo quá khó khăn mà phải bỏ nghề.

Nhưng họ rời xa nghề giáo trong sự tự hào và tiếc nuối.

Khác Đỗ Mạnh Tuấn cùng các cựu nhà giáo khác phải hầu tòa và bị đuổi khỏi ngành giáo dục.

Đáng buồn hơn, như Đỗ Mạnh Tuấn đã nói, Tuấn lớn lên bằng bát cơm của ngành giáo dục nhưng Mạnh Tuấn đã không thể lớn lên vượt qua cám dỗ.

Không ít các cựu nhà giáo khác cũng đã từng sống bằng bát cơm của ngành giáo dục nhưng lại chính mình vứt bỏ bát cơm ấy đi vì sự cám dỗ. Thật xót xa.

Trong lời nói cuối cùng, các cựu nhà giáo cũng cho rằng những ngày trong trại tạm giam họ đã đi qua tận cùng nỗi đau, sự nhục nhã của những người làm giáo dục nhưng lại phạm pháp liên quan đến giáo dục.

Đỗ Mạnh Tuấn cho rằng mình lớn lên bằng bát cơm của ngành giáo dục nhưng giờ đây Tuấn đã tự tay vứt bỏ bát cơm ấy. Bát cơm của ngành giáo dục thay thế bằng những bát cơm tù. Ảnh: LC

Đỗ Mạnh Tuấn cho rằng mình lớn lên bằng bát cơm của ngành giáo dục nhưng giờ đây Tuấn đã tự tay vứt bỏ bát cơm ấy. Bát cơm của ngành giáo dục thay thế bằng những bát cơm tù. Ảnh: LC

Những bản án nghiêm khắc của pháp luật dành cho họ là cái giá mà họ phải trả cho hành động phá hoại giáo dục của mình.

Có lẽ đường trần ai cay đắng ai qua rồi mới hay nhưng đó là gương cho người khác.

Vượt qua cám dỗ, tiền bạc không phải dễ, nó đòi hỏi người ta phải luôn tu dưỡng, rèn luyện bản thân, các nhà giáo, những người làm nghề cao quý của những nghề cao quý phải rèn luyện hơn nữa.

Cuộc sống là một cuộc đấu tranh liên tục, đòi hỏi phải nỗ lực không ngừng nghỉ để đảm bảo những giá trị của bản thân.

Giá trị của nhà giáo luôn được đánh giá cao hơn một bậc trong bất kỳ xã hội nào, do vậy, việc các cựu nhà giáo phải đứng trước bàn bị cáo khai báo về tội lỗi của mình rất khó để xã hội chấp nhận.

Trước tòa, các bị cáo đều đổ tại do mình “cả nể”, “thương học trò”, “nể lãnh đạo”… đó là lời thật lòng hay ngụy biện đều khó có thể được xã hội chấp nhận.

Nước mắt đã đổ trong phiên tòa nhưng những dòng nước mắt ấy khó được tìm được sự cảm thông.

Bị cáo Nguyễn Quang Vinh, Khương Ngọc Chất đều tự tin khẳng định trước tòa rằng chẳng một phụ huynh, chẳng một thí sinh nào nhờ họ nâng điểm cả.

Diệp Thị Hông Liên (mặc áo hoa) đã chọn cách gù lưng để không "khuyết tật", cái giá phải trả là những năm tháng lao tù, để lại đứa con thơ mà 2 vợ chồng Liên mong chờ 19 năm mới có. Ảnh: LC

Diệp Thị Hông Liên (mặc áo hoa) đã chọn cách gù lưng để không "khuyết tật", cái giá phải trả là những năm tháng lao tù, để lại đứa con thơ mà 2 vợ chồng Liên mong chờ 19 năm mới có. Ảnh: LC

Điều vô lý “xem điểm” thành “nâng điểm” vẫn diễn ra ở cả 3 tỉnh Hà Giang, Hòa Bình và Sơn La. Các bị cáo cũng khai rằng lãnh đạo có tạo “áp lực” và có “chỉ đạo” nhưng đó chỉ là chỉ đạo miệng, chẳng một bằng chứng nào cho thấy điều đó.

Trước tòa, họ đã phải im lặng khi nghe những người trước kia từng là cấp trên của mình thốt ra điều đó.

Bài học đó “đắng” lắm nhưng có lẽ “Bát cơm của ngành giáo dục” như Mạnh Tuấn nói đã không đủ làm họ lớn lên.

Lời cay đắng của Diệp Thị Hồng Liên khi “ai cũng gù, mình thẳng lưng thành người khuyết tật” chỉ làm cho dư luận càng thêm giận những người gian lận hơn thôi.

Đó là sự xảo trá, ngụy biện.

Bởi cũng tại phiên tòa ở Hòa Bình, nhiều cô giáo đã khẳng định trước tòa khi mình đã bất chấp sự can thiệp, sự ép buộc của các bị cáo Hồng Chung, Thu Loan và Thanh Trà không trực tiếp làm gian dối.

Họ đã thẳng lưng và họ tiếp tục được đứng lớp và “ăn cơm” từ sức lao động trong ngành giáo dục của mình.

Sau tất cả, những bản án sẽ là bài học nghiêm khắc cho những ai còn có ý định làm hại giáo dục, làm sai lệch kết quả tạo sự bất bình đẳng trong xã hội.

Một mùa thi Trung học phổ thông nữa sắp đến, mong rằng sẽ không ai rơi nước mắt, tự đánh đổ bát cơm của mình chỉ vì không vượt qua được sự cám dỗ.

Trần Phương