Ngành An toàn thông tin đào tạo về cơ chế bảo mật phổ biến các kỹ thuật mã hóa, cách thức xây dựng hệ thống mạng an toàn, phòng chống lại các hành vi tấn công từ tin tặc, nguy cơ rò rỉ, mất cắp dữ liệu, tìm hiểu cơ chế hoạt động của virus, worms hay các phần mềm độc hại, từ đó phát hiện, phòng tránh và xây dựng chính sách chuẩn để bảo vệ hệ thống.
Là một ngành học quan trọng trong kỷ nguyên 4.0, thế nhưng nguồn nhân lực An toàn thông tin hiện chưa đáp ứng đủ nhu cầu của xã hội.
Cơ hội rộng mở, thu nhập hấp dẫn vì ngành học “đa năng”
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Phan Thượng Cang - Trưởng Khoa Mạng máy tính và Truyền thông, Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Trường Đại học Cần Thơ cho biết: “Trong thời đại số hoá hiện nay, An toàn thông tin là chuyên ngành đi đầu về lĩnh vực công nghệ, có vai trò quan trọng trong việc xây dựng các hệ thống từ cơ sở hạ tầng đến dữ liệu phần mềm nhằm bảo mật tính an toàn khi đưa vào triển khai và ứng dụng thực tế.
Một cú “click” chuột cũng có thể đánh sập hệ thống giao dịch của các tập đoàn lớn, gây thiệt hại nặng nề về tài chính, uy tín và giá trị thương hiệu. Theo học ngành An toàn thông tin giúp người học nhận thức được sự nguy hiểm của hoạt động tấn công mạng, đánh cắp thông tin và dữ liệu bí mật.
Các chuyên gia An toàn thông tin trở thành “lá chắn” bảo vệ các cơ quan, tổ chức đang nắm giữ lượng lớn dữ liệu người dùng. Đây là một ngành học cấp thiết, đóng vai trò then chốt đối với an ninh mạng quốc gia".
Tiến sĩ Phan Thượng Cang (bên phải), Trường Đại học Cần Thơ . Ảnh: NTCC. |
Thầy Cang thông tin thêm, kỹ sư An toàn thông tin sẽ có kiến thức tổng quát hệ thống lập trình nói chung. Khi tham gia dự án, họ sẽ có kinh nghiệm về khía cạnh an toàn bảo mật, ngăn chặn lỗ hổng, góp ý lập trình, cẩn thận với “mã độc” đang tiềm tàng trên hệ thống.
Như vậy, sinh viên được đào tạo ngành An toàn thông tin có thể tham gia ứng tuyển ở nhiều vị trí công việc khác nhau như: Chuyên viên bảo mật hệ thống tại ngân hàng, trung tâm dữ liệu, nhà cung cấp dịch vụ Internet; Chuyên viên phân tích và phòng chống mã độc; Chuyên viên phát triển phần mềm an toàn; Chuyên viên điều tra tội phạm mạng; Chuyên viên mật mã; Chuyên gia rà soát lỗ hổng, điểm yếu và xử lý sự cố an toàn thông tin;...và thậm chí là tất cả các vị trí liên quan đến công nghệ thông tin.
Theo trang đào tạo lập trình uy tín CodeLearn của Tập đoàn FPT, mức lương của ngành An toàn thông tin năm 2020 luôn nằm trong top 5 của ngành công nghệ thông tin ở Việt Nam.
Chia sẻ về ngành học này, Tiến sĩ Phạm Văn Hậu - Trưởng Bộ môn An toàn thông tin, Trưởng Phòng thí nghiệm An toàn thông tin, Giám đốc Trung tâm An ninh mạng, Trường Đại học Công nghệ Thông tin, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho hay: Sau khi ra trường, sinh viên ngành An toàn thông tin có mức lương khởi điểm trung bình từ 15-20 triệu đồng/tháng và có thể thăng tiến lên tới hàng trăm đô la Mỹ sau một vài năm kinh nghiệm.
Theo quan điểm của thầy Hậu, chiến thuật tấn công mạng ngày càng tinh vi, buộc nhân lực ngành An toàn thông tin phải không ngừng cập nhật, nâng cao năng lực, kỹ năng phòng thủ, phát hiện, ngăn ngừa các nguy cơ tấn công và khai thác. Song, nhìn ở một góc độ khác, điều này cũng được xem như là một cơ hội phát triển của chuyên ngành.
Tiến sĩ Phạm Văn Hậu, Trường Đại học Công nghệ Thông tin, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NTCC. |
Lượng “cung” chưa đủ “cầu” bởi nhiều nguyên do
Dựa vào thống kê của Liên minh Viễn thông quốc tế ITU, Việt Nam nằm trong nhóm 3 quốc gia bị tấn công mạng nhiều nhất tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. [1]
Thế nhưng, theo các chuyên gia, lực lượng nhân sự về An toàn thông tin của Việt Nam hiện đang thiếu nhiều về số lượng.
Tiến sĩ Phạm Văn Hậu thông tin: “Số lượng sinh viên được tuyển vào chuyên ngành này của trường khoảng 150 sinh viên/năm.
Năm 2023, An toàn thông tin là ngành có điểm đầu vào cao thứ 3 toàn trường theo phương thức xét thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Tuy nhiên, nguồn cung vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường do nhu cầu việc làm lớn.”
Còn tại Trường Đại học Cần Thơ, chuyên ngành An toàn thông tin mở khoá đầu tiên vào năm học 2022-2023 lấy 45 chỉ tiêu, tuyển vào 44 sinh viên. Năm học 2023-2024 có 60 chỉ tiêu và tuyển sinh được 56 em. Nhà trường dự kiến chỉ tiêu năm học 2024-2025 sắp tới là 80 sinh viên.
Người học cũng ngày càng dành sự quan tâm hơn đối với ngành An toàn thông tin. Minh chứng cho thấy hầu hết các năm, trường tuyển đều sớm đạt được chỉ tiêu, thậm chí vượt thời gian nhanh hơn so với các ngành học khác.
Về việc nguồn nhân lực được đào tạo chưa đáp ứng đủ nhu cầu, Tiến sĩ Phan Thượng Cang nêu 4 nguyên nhân.
Thứ nhất, về nhu cầu tuyển dụng, lực lượng lao động ngành An toàn thông tin tại mỗi doanh nghiệp, công ty thường chỉ cần 1-2 chuyên viên điều tra, dự báo và xử lý lỗ hổng dữ liệu bảo mật; còn tổ chức chuyên sâu về phần mềm đòi hỏi đội ngũ nhiều nhân sự hơn. Song, số lượng chuyên viên đáp ứng đủ “cơn khát” về lĩnh vực An toàn thông tin trong xã hội chưa nhiều.
Thứ hai là do những khó khăn, thách thức trong công tác đào tạo. Đặc biệt, chi phí đầu tư cho đào tạo ngành này cao.
Hướng tới mục tiêu cốt lõi làm sao để sinh viên lập trình tốt, thích ứng được nhiều, cơ sở đào tạo phải liên tục cập nhật chương trình đào tạo nhằm bám sát thực tế. Bởi lẽ, ngành công nghệ thông tin nói chung và an toàn thông tin nói riêng thay đổi rất nhanh, đòi hỏi công tác nghiên cứu không ngừng.
Tiết thực hành của sinh viên ngành An toàn thông tin, Trường Đại học Cần Thơ. Ảnh: NTCC. |
Nguyên nhân thứ ba là về phía người học. Ngành An toàn thông tin có điểm tuyển đầu vào khá cao so với mặt bằng chung các nhóm ngành công nghệ thông tin. Để theo kịp chương trình đào tạo, sinh viên cần sự sáng tạo, khả năng tư duy và có kiến thức tổng quát về thuật toán, máy tính cũng như lập trình để đi vào tính toán, mô hình hoá và bẻ khoá các lỗ hổng bảo mật. Những em học giỏi các môn như Tin học, Toán học, Ngoại ngữ và có đam mê công nghệ sẽ đáp ứng được nền tảng kiến thức chung.
Song song với đó, người học An toàn thông tin cũng cần có niềm đam mê, phù hợp với khả năng đánh giá của mình.
Nếu thiếu chủ kiến, chạy theo phong trào thì khó thích ứng với chương trình đào tạo. Trong khóa học tuyển sinh ngành An toàn thông tin của nhà trường, tỉ lệ sinh viên trễ tiến độ tốt nghiệp khá cao so với các ngành khác, chỉ khoảng 70-75% em đúng tiến độ.
"Sau quá trình đào tạo, trường quay lại đánh giá phương pháp giảng dạy và mức độ tiếp thu kiến thức của sinh viên, tỉ lệ sinh viên trượt môn trong hai năm trở lại đây đã giảm thiểu và đảm bảo được tiến độ vì điểm đầu vào tuyển sinh cao hơn nên phân loại được sinh viên có nền tảng và ý thức", Tiến sĩ Cang chia sẻ.
Thứ tư, xét khách quan về đội ngũ giảng dạy, nhà trường còn thiếu nguồn nhân lực đào tạo về lĩnh vực An toàn thông tin.
Người dạy cần nghiên cứu có học vị tiến sĩ về lĩnh vực này thì mới có thể gọi là chuyên gia An toàn thông tin.
Tuy nhiên, phần lớn hiện nay, đào tạo tiến sĩ còn số lượng ít, đội ngũ giảng viên có học vị tiến sĩ ở Châu Âu, Mỹ, Pháp,... giảng dạy bộ môn có khoảng 60-75%, nhưng đa phần là chuyên ngành Tin học.
So với các chuyên ngành khác như Trí tuệ nhân tạo AI, Big Data, Mạng Máy tính, Truyền thông đa phương tiện,..., số lượng đào tạo lĩnh vực An toàn thông tin còn mỏng hơn.
Nhà trường đang cần xúc tiến xây dựng, phát triển thêm đội ngũ đào tạo. Nhìn về dài hạn, chuyên ngành sẽ phát triển thêm nhân sự, mở ngạch chất lượng cao, thậm chí nếu đủ điều kiện, Trường có thể thiết lập hệ đào tạo thạc sĩ.
Liên tục để người học “cọ xát” thực tiễn
Nhận định về hướng đào tạo nhân lực cho ngành An toàn thông tin tại Việt Nam, Tiến sĩ Phan Thượng Cang cho biết, bên cạnh việc tăng cường, mở rộng cơ sở đào tạo chuyên ngành An toàn thông tin, các trường cần gửi sinh viên tham gia thực tập tại các cuộc thi, doanh nghiệp, tổ chức từ sớm.
“Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Trường Đại học Cần Thơ cố gắng tổ chức nhiều cuộc thi trong nước và quốc tế về lĩnh vực chuyên ngành. Chẳng hạn, trong năm đầu tiên tham gia kỳ thi ASEAN Battle of Hackers 2023 (BOH) hợp tác cùng Trường Đại học Công nghệ & Sáng tạo châu Á - Thái Bình Dương (APU), thầy và trò nhà trường đã đạt thành tích thứ 13 trên tổng 136 đội.
Đó là điều đáng khích lệ, là động lực để sinh viên có thể theo đuổi ngành học của mình, thử sức “cọ xát” để biết khả năng của bản thân, từ đó đội ngũ giảng viên đào tạo sẽ bồi dưỡng thêm kinh nghiệm, kỹ năng thích ứng để hành trang cho các em công việc sau này.”, thầy Cang bày tỏ.
Ngày hội việc làm Công nghệ thông tin CICT Job Fair 2023 tại Trường Đại học Cần Thơ. Ảnh: NTCC |
Định hướng năm 2024, Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Trường Đại học Cần Thơ liên kết mời thêm các chuyên gia có kinh nghiệm về ngành An toàn thông tin trong nước như Học viện Kỹ thuật Mật mã và một số trường đại học trên thế giới để cập nhật mới các học liệu.
Đồng thời, cơ sở đào tạo cũng gửi sinh viên năm ba đến giao lưu, tiếp cận các khoá học ở trường bạn, cũng như thực tập tại hơn 30 công ty phần mềm đến trực tiếp tuyển dụng.
Tiến sĩ Phạm Văn Hậu cũng cho biết: "Trường Đại học Công nghệ thông tin là một trong những cơ sở đào tạo được đầu tư mạnh mẽ về cơ sở vật chất, xây dựng hệ thống phòng thí nghiệm dựa vào “điện toán đám mây” và các thiết bị chuyên dụng.
Ngoài ra, sinh viên được tham gia vào các dự án nghiên cứu khoa học chuyên sâu do các giảng viên làm chủ nhiệm.
Thực tế, trong những năm qua sinh viên tham gia các nhóm nghiên cứu đã đạt được nhiều thành tích nổi bật tại các cuộc thi về chuyên môn. Một số ví dụ có thể kể đến như giải nhất cuộc thi sinh viên An toàn thông tin 2023, giải nhất cuộc thi ASEAN Cyber Shield 2023 dành cho các nước Đông Nam Á.
Song song với đó, nhà trường cũng tổ chức nhiều sự kiện kết nối sinh viên với doanh nghiệp, luôn khuyến khích tham gia thực tập từ sớm (bắt đầu vào học kỳ 5 có thể đăng ký môn Thực tập doanh nghiệp).
Hằng năm, những ngày hội việc làm tạo sân chơi và cho sinh viên tìm hiểu nghề nghiệp, trường hợp tác với hàng chục doanh nghiệp lớn để đảm bảo 100% sinh viên được cọ xát với các tổ chức uy tín.”
Trần Đức Lương - sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành An toàn thông tin chương trình Tài năng K14 - Thủ khoa “kép” Trường Đại học Công nghệ Thông tin, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, bước vào thời đại số, cơ hội việc làm ngành An toàn thông tin tại Việt Nam đang rất lớn.
Công nghệ càng phát triển, các ứng dụng mới ra mắt luôn tiềm tàng rủi ro về mặt bảo mật dữ liệu. Các cơ quan cũng gia tăng nhận thức, nhu cầu hơn về lĩnh vực này hơn nên thị trường tuyển dụng rất sôi nổi.
Trần Đức Lương - Thủ khoa “kép” K14 ngành An toàn thông tin, Trường Đại học Công nghệ Thông tin, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC |
Hiện Lương đang là Kỹ sư An ninh Ứng dụng, chuyên ngành An toàn thông tin, Công ty An ninh mạng Viettel.
Theo Lương, quá trình học trên trường nếu nắm vững tương đối các kiến thức nền tảng thì quá trình đi làm sẽ không bị “ngợp”.
Bên cạnh đó, người học nên cập nhật kiến thức liên tục, nắm bắt xu hướng công nghệ kỹ thuật để đáp ứng yêu cầu công việc.
Với những người làm An toàn thông tin, các chuyên gia khuyến nghị cần nâng cao kiến thức ở nhiều mảng mới như IoT, Blockchain, đám mây,... Trong xu thế chuyển đổi số hiện nay, nhiều công nghệ mới được áp dụng và phần lớn các cuộc tấn công với quy mô lớn đều lợi dụng lỗ hổng từ sự phát triển nóng của các công nghệ này.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://vjst.vn/vn/tin-tuc/8126/an-toan--an-ninh-mang--thuc-trang-va-khuyen-cao.aspx