BBC Anh đưa tin, ngày 12 tháng 8, Ngoại trưởng Anh Philip Hammond đã có bài phát biểu ở Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc, hình dung Anh có lợi ích liên quan trong việc bảo đảm sự ổn định của tình hình Biển Đông.
Ngày 12 tháng 8 năm 2015, Ngoại trưởng Anh Philip Hammond phát biểu tại Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc |
Ông Philip Hammond cho hay, Anh là một quốc gia thương mại trên biển, 95% hàng hóa thương mại lệ thuộc vào vận chuyển bằng các tuyến đường hàng hải quốc tế, hơn nữa ý thức được hàng năm có 5.000 tỷ USD hàng hóa thương mại đi qua tuyến đường hàng hải ở Biển Đông.
Sau khi kết thúc chuyến thăm Nhật Bản, Ngoại trưởng Anh Philip Hammond đã đến Trung Quốc và đã nói với các sinh viên của Đại học Bắc Kinh rằng:
Trong thời điểm kỷ niệm tròn 70 năm kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ hai, tình hình châu Á khác với Tây Âu, mặc dù hợp tác kinh tế phát triển mạnh mẽ, quá trình hòa giải hoàn toàn không được thực hiện, tranh chấp lãnh thổ vẫn tồn tại, lòng tin vẫn chờ để xây dựng.
Theo bài báo, trong thời điểm ông Philip Hammond đưa ra phát biểu trên, Bắc Kinh đang chuẩn bị tổ chức hoạt động duyệt binh quy mô lớn kỷ niệm tròn 70 năm chiến thắng chống Nhật.
Trung Quốc tiến hành quân sự hóa ở các hòn đảo, đá ngầm đã xâm chiếm của Việt Nam, đe dọa nghiêm trọng hòa bình, an ninh và ổn định khu vực. |
Khi nói đến tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và biển Hoa Đông, Ngoại trưởng Anh Philip Hammond cho rằng, Anh không nghiêng về bất cứ bên nào trong những tranh chấp lãnh thổ này, nhưng thực sự có lập trường riêng đối với phương thức giải quyết những tranh chấp này.
Ông nói: "Chính như Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã nói, xung đột địa-chính trị chắc chắn phải giải quyết hòa bình thông qua biện pháp chính trị".
Philip Hammond cho biết, ông đồng ý với quan điểm này của ông Cường và hy vọng các cuộc xung đột ở châu Á và các khu vực khác của thế giới đều được giải quyết dựa trên quy tắc, chứ không phải dựa trên sức mạnh.
Tự do hàng hải và tự do bay
Ngoại trưởng Anh Philip Hammond đặc biệt chỉ ra, ông hy vọng khu vực châu Á duy trì hòa bình và ổn định lâu dài, đồng thời căn cứ vào luật pháp quốc tế, bao gồm luật biển, bảo đảm tự do hàng hải và tự do bay ở khu vực này.
Tàu tuần duyên USS Fort Worth Hải quân Mỹ hoạt động ở vùng biển gần quần đảo Trường Sa của Việt Nam, bị tàu hộ vệ tên lửa Diêm Thành Type 054A của Hải quân Trung Quốc bám đuôi, xua đuổi. |
Tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry từng có bài phát biểu tại Thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia, phê phán Trung Quốc hạn chế tự do hàng hải và tự do bay, đồng thời chỉ trích hành động lấn biển xây đảo (bất hợp pháp) của Trung Quốc ở Biển Đông đã làm trầm trọng hơn tình hình căng thẳng khu vực.
Theo bài báo, hoạt động duyệt binh sắp tổ chức vào ngày 3 tháng 9 của Bắc Kinh sẽ là hoạt động duyệt binh lần đầu tiên được tổ chức kể từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền, Mỹ và một số nước châu Âu đều bày tỏ quan ngại đối với hoạt động này, lo ngại hoạt động như vậy sẽ phát đi tín hiệu sai lầm.
Ngoại trưởng Anh Philip Hammond cho biết, Anh sẽ cử đại diện tham gia duyệt binh, nhưng ông từ chối tiến hành giải thích chi tiết.
Ông nói, cần ghi nhớ, có rất nhiều quân nhân Anh phải chết trận ở châu Á trong thời gian Chiến tranh thế giới lần thứ hai, điều này đáng để kỷ niệm.
Nhưng, ông đồng thời cho biết: "Nói chung, chúng tôi không thích duyệt binh, đây là một loại hoạt động khoe khoang vũ khí mang tính tấn công mới".
Trung Quốc khoe tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Đông Phong-31A trong một lễ duyệt binh |