Bà giáo U80 gieo hy vọng cho những vầng trăng khuyết

10/07/2020 06:05
Vũ Ninh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ngôi nhà đặc biệt của bà giáo Đỗ Thúy Nga - chủ trung tâm “Hy vọng” đã đồng hành với hàng trăm trẻ em khuyết tật suốt 18 năm qua. Bà Nga coi đó là món nợ ân tình.

Ngôi nhà đặc biệt của trẻ em khuyết tật

Nằm sâu trong ngõ 290 Kim Mã (Ba Đình, Hà Nội), nhìn bên ngoài, ngôi nhà số 4, ngách 82/189 bình dị như bao ngôi nhà khác.

Nhưng, đó lại đang là ngôi nhà của gần 60 cháu mắc những khiếm khuyết về trí tuệ: Nhiều cháu mắc bệnh down, nhiều cháu bại não, các cháu khác thì có hội chứng tự kỷ…

Ở ngôi nhà - trung tâm này, có cô phải mất một ngày mới dạy được cho trẻ một chữ cái; nhưng có những trẻ phải mất cả tuần, thậm chí cả tháng trời.

Khiếm khuyết trí tuệ, nên nhiều khi các cháu chỉ biết nhắc lại lời cô giáo.

Cô chỉ vào đồ vật hỏi “đây là cái gì?”, các cháu dưới lớp cũng nhắc lại “đây là cái gì?”.

Đặc biệt thế, nên ngay từ những ngày đầu thành lập (năm 2002), bà Nga và các cộng sự đã xác định, việc dạy và chăm sóc các cháu phải vô cùng kiên nhẫn.

Và phải dựa vào tâm sinh lý của từng đứa để biết chúng muốn gì, cần gì. Các cô giáo cũng vì thế mà luôn phải thay đổi tác động, hình thức để thu hút sự chú ý của chúng.

Bà Đỗ Thúy Nga đã gắn bó với trung tâm Hy vọng được 18 năm (Ảnh:V.N)

Bà Đỗ Thúy Nga đã gắn bó với trung tâm Hy vọng được 18 năm (Ảnh:V.N)

Ở lớp A1 - những cháu sau một thời gian được chăm sóc đã có trạng thái tâm lý bình thường - 60% học sinh biết đọc, biết viết, 90% biết chào hỏi lễ phép, biết mặc quần áo gọn gàng và giữ vệ sinh sạch sẽ.

Những điều tưởng như “hiển nhiên” với trẻ bình thường ấy, lại là kỳ tích với các cô giáo, với bố mẹ, thậm chí là với chính các cháu.

Bà Nga bảo: “bố, mẹ” là hai từ đơn giản mà hầu hết bọn trẻ đều có thể bập bẹ từ 9 - 10 tháng tuổi.

Nhưng ở trung tâm này, rất nhiều ông bố, bà mẹ phải chờ đợi đến 6 - 7 năm mới được nghe con gọi “mẹ ơi”, “bố ơi”.

Hai tiếng gọi đơn giản ấy đã khiến không chỉ phụ huynh, mà cả bà Nga và các cô giáo của Trung tâm bật khóc.

Bà giáo U80 sưởi ấm cuộc đời của những vầng trăng khuyết (Ảnh:V.N)

Bà giáo U80 sưởi ấm cuộc đời của những vầng trăng khuyết (Ảnh:V.N)

Món nợ ân tình trả nợ đời của bà giáo già

Mười tám năm đứng mũi chịu sào, chèo lái Trung tâm Hy vọng (trực thuộc Hội cứu trợ trẻ em Thành phố Hà Nội); bác sĩ, nhà giáo Đỗ Thúy Nga luôn ghé vai cùng gánh nặng của các gia đình có con khuyết tật trí tuệ.

Bà luôn xem đó là món nợ mình phải trả cho cuộc đời.

Học ngành y, 10 năm làm bác sĩ nhi khoa, bà Thúy Nga từng điều trị những trẻ bị viêm màng não nên bà thấu hiểu nỗi vất vả, nỗi đau của nhiều gia đình khi có con thiểu năng trí tuệ.

Sau 10 năm làm bác sĩ nhi khoa là những năm bà làm việc ở Ủy ban Bảo vệ bà mẹ và Chăm sóc trẻ em, rồi làm Phó trưởng Phòng Giáo dục quận Ba Đình.

Càng ngày, bà càng thấu cảm hơn với những ông bố, bà mẹ của đứa trẻ khiếm khuyết. Đó cũng là lý do sau khi về hưu, bà mở Trung tâm Hy vọng này.

Từ 3 giáo viên và 6 cháu ban đầu, tính đến nay, Trung tâm đã tiếp nhận, giúp đỡ, rèn kỹ năng, dạy học cho gần 600 đứa trẻ.

Các cháu không chỉ ở Hà Nội, mà phụ huynh khắp các tỉnh cũng tìm về nhờ bà Nga và các cô ở Trung tâm giúp đỡ.

Không ít cháu, sau qua quá trình can thiệp đã trưởng thành và có được cuộc sống ổn định, xây dựng gia đình, tự nuôi sống bản thân…

Bà giáo Đỗ Thúy Nga tâm sự: “Nuôi 10 trẻ bình thường không vất vả bằng 1 trẻ khuyết tật.

Những hành vi của trẻ làm các bậc cha mẹ lo lắng, đau đầu, như: Đập đầu, cào cấu, đập phá...

Những trẻ như vậy rất cần môi trường để chơi, vỗ về trẻ.

Có gia đình dành cho trẻ một phòng trống, nhưng nhiều gia đình không có điều kiện.

Nhiều bà, nhiều cô giữ trẻ cũng nói: "Tôi cố gắng hết sức nhưng cháu cắn bầm giập hết cả tay, chân tôi rồi".

Bà Nga coi công việc này là một cách để trả nợ đời (Ảnh:V.N)

Bà Nga coi công việc này là một cách để trả nợ đời (Ảnh:V.N)

Vì thế, kiên trì là yêu cầu đầu tiên với các giáo viên ở trung tâm này.

Họ không chỉ cần bằng cấp về sư phạm, mà phải có tấm lòng yêu trẻ, yêu như chính con mình đẻ ra”.

Chung sức với bà lão U80 Đỗ Thúy Nga hôm nay, còn có hơn 20 cán bộ, giáo viên cùng rất nhiều tình nguyện viên trong nước và quốc tế.

Có bất kì cơ hội nào để các cháu được có những hoạt động ngoài cộng đồng, bà Nga đều tận dụng và tìm mọi cách.

Cuối năm 2018, một “sự kiện” vô cùng nhỏ thôi, nhưng mang lại giá trị lớn lao cho cả các cháu và phụ huynh: Lần đầu tiên, các cháu được tự tay “vẽ” trang trí lên tường lớp học, được ra công viên cùng nhau tham gia một vài hoạt động tập thể.

Với bà Nga, các cháu như những vầng trăng khuyết, và trách nhiệm của những người có lương tri là phải làm cho những vầng trăng ấy đầy hơn, để các cháu bớt đi những thiệt thòi so với chúng bạn.

Vũ Ninh