Đó là phần mềm học môn Lịch Sử của nhóm ba học sinh lớp 8/2, Trường THCS Nguyễn Khuyến (Q.Cẩm Lệ, Đà Nẵng) gồm: Võ Ngọc Đức Thịnh, Huỳnh Trung Đức và Dương Nguyễn Ánh Hằng vừa đoạt giải ba “Giải thưởng Sáng tạo Khoa học – công nghệ Việt Nam 2016”.
Chia sẽ về ý tưởng của mình, Hằng nói: “Lịch Sử là môn học chứa đựng trong đó tình yêu quê hương, đất nước trãi dài qua bao thế hệ. Nhưng các kiến thức trình bày trong sách giáo khoa lại quá dàn trãi, nhiều con số khô khan. Nội dung bài học nhiều chữ, ít hình vẽ minh họa nên khiến các bạn nhàm chán, khó tiếp thu, khó ghi nhớ. Nên em nghĩ, cần phải tạo ra một công cụ học lịch sử đơn giản, trực quan và dễ hiểu hơn”.
Bộ ba lớp 8/2 viết phần mềm học Lịch sử độc đáo, sáng tạo. (Ảnh: AN) |
Hằng mang những suy nghĩ, dự định ấp ủ đó bàn với Thịnh và Đức, hai “cây” toán xuất sắc của lớp. Phải thường xuyên “đánh vật” với những dãy sự kiện, con số lịch sử, nên khi nghe Hằng bộc bạch, Thịnh và Đức hăng hái ủng hộ. Qua nhiều ngày nghiên cứu, mò mẫm, bộ ba đã vạch ra một mô hình thiết kế phần mềm học Sử trên web.
“Trong phần mềm này sẽ trình bày các sự kiện, nhân vật lịch sử một cách tóm lược nhưng đầy đủ ý nghĩa nhất. Việc đầu tiên của tụi em là phải sưu tầm các tư liệu lịch sử, sau đó thống kế các sự kiện theo trục thời gian. Kiến thức chính được lấy từ hai bộ “Việt Nam sử lược” và “Đại Việt sử ký toàn thư”. Còn về hình ảnh minh họa thì tụi em cũng phải từ đi tìm kiếm trên mạng hoặc phải thuê họa sĩ vẽ”, Thịnh cho biết.
Cách học môn Lịch sử để thi trắc nghiệm đạt được kết quả cao(GDVN) - Thầy Nguyễn Hữu Đạt, tổ trưởng môn Lịch sử Trường trung học phổ thông Võ Thị Sáu cho rằng, dù thi trắc nghiệm hay tự luận thì học sinh cũng phải học nghiêm túc |
Quần quật gần bốn tháng mới xong bộ đề cương, cả nhóm bắt tay vào xây dựng phần mềm biểu diễn.
Qua tư vấn của các thầy, cô, nhóm chọn giải pháp sử dụng kỹ thuật làm website để tạo ra một ứng dụng web trên internet.
Trên các ứng dụng này sẽ hiển thị trục thời gian, sắp đặt các thời kỳ, sự kiện, nhân vật lịch sử lên trục thời gian đó. Phần mềm được xây dựng dưới hình thức dự án mã nguồn mở.
Giải thích thêm về phần mềm này, Đức cho hay: “Với trục thời gian từ thời kỳ sơ khai đến hiện đại, mỗi sự kiện được chia làm ba phần gồm: tóm lược lịch sử, phần sự kiện lịch sử và phần nhân vật lịch sử. Trong đó, mỗi thời kỳ đều có hình ảnh đại diện cùng vài dòng mô tả tổng quát. Tương tự, bảng hiển thị danh sách danh nhân cũng được sử dụng hình ảnh trực quan”.
Gần một năm “thai nghén” và cho ra đời sản phẩm “phần mềm học lịch sử” của bộ ba lớp 8/2 đã được nhiều thầy cô, học sinh đón nhận hào hứng.
“Tụi em sẽ tiếp tục hoàn thiện sản phẩm để đưa vào ứng dụng thực tế, tạo điều kiện cho học sinh dễ dàng học môn Lịch sử. Mọi người có thể đóng góp, xây dựng thêm để hoàn thiện phần mềm này hơn”, Hằng cũng chia sẻ thêm, sau dự án này, nhóm đang có ý tưởng triển khai thiết kế thêm một phần mềm về an toàn giao thông.
Thầy Ngô Văn Nuôi – Phó hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Khuyến cho biết, phần mềm của các em đã được Ban giám khảo Cuộc thi sáng tạo Khoa học – Công nghệ Việt Nam 2016 đánh giá cao. Lâu nay, các phần mềm được viết chủ yếu là môn toán, ngoại ngữ... còn về Lịch sử thì rất ít.
“Nếu phần mềm này được ứng dụng rộng rãi thì sẽ giúp học sinh học Lịch sử tốt hơn nhiều. Qua đó, tạo niềm đam mê, sở thích tìm hiểu về lịch sử dân tộc”, thầy Nuôi cho biết.