Truyền hình lại nhầm lẫn kiến thức lịch sử

08/07/2016 15:02
Thùy Linh
(GDVN) - Trong phóng sự "Từ Vịnh Đà Nẵng đến Cửa biển quốc tế" được phát lúc 7h30 tối 7/7, VTV lại mắc lỗi về kiến thức lịch sử.

Cụ thể, ở phút 1'29 của phóng sự, lời bình có đoạn: "Đầu thế kỷ 14 vùng đất này (chỉ Đà Nẵng) thuộc về Đại Việt bởi đây là sính lễ cho cuộc hôn ước của công chúa Ngọc Hân và vua Chăm Chế Mân".

Phóng sự "Từ Vịnh Đà Nẵng đến Cửa biển quốc tế" được phát lúc 7h30 tối 7/7

Ở đây đã có sự nhầm lẫn giữa công chúa Ngọc Hân (thời Tây Sơn, thế kỷ 18) và công chúa Huyền Trân (thời nhà Trần, thế kỷ 14).

Thực tế, công chúa kết hôn với vua Chăm Chế Mân là công chúa Huyền Trân chứ không phải Ngọc Hân.

Công chúa Huyền Trân sinh năm 1289, mất năm 1340, là con gái của Trần Nhân Tông.

Năm 1306, Công chúa Huyền Trân được gả cho Quốc vương Chiêm Thành là Chế Mân để đổi lấy hai châu Ô, Lý (từ đèo Hải Vân, Thừa Thiên đến phía Bắc Quảng Trị ngày nay).

Còn công chúa Ngọc Hân tên thật là Lê Ngọc Hân, sinh năm 1770 mất năm 1799, là con của vua Lê Hiển Tông nhà Hậu Lê. Năm 1786, khi Nguyễn Huệ kéo quân ra Bắc, Ngọc Hân đã vâng mệnh vua cha kết hôn với Nguyễn Huệ, lãnh tụ quân Tây Sơn lúc bấy giờ.

Hiện tại, video phóng sự này đã bị gỡ khỏi website chính thức của VTV (vtv.vn)

Truyền hình lại nhầm lẫn kiến thức lịch sử  ảnh 1
Thầy giáo Trần Trung Hiếu – giáo viên Lịch sử trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An

Nhìn nhận về sai sót lịch sử này, thầy giáo Trần Trung Hiếu – giáo viên Lịch sử trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An cho rằng: 

Thứ nhất, đây không phải là lần đầu tiên VTV có sai sót, nhầm lẫn những kiến thức lịch sử.

Điều rất đáng tiếc rằng, đây là cơ quan truyền thông quốc gia, là một kênh dành riêng cho việc cung cấp những thông tin chính thống và chính xác nhất về tình hình kinh tế, chính trị, xã hội. Vừa cung cấp thông tin, vừa định hướng những thông tin. 

Thứ hai, sự sai lầm này diễn ra nhiều lần buộc chúng ta phải nhìn nhận lại sự yếu kém của đội ngũ phóng viên, biên tập viên, những người sản xuất chương trình. 

Và khâu cuối cùng là sự cẩu thả của người kiểm duyệt chương trình trước khi lên sóng quốc gia. 

Thứ ba, những sai lầm về những kiến thức lịch sử rất cơ bản kiểu như nhầm Ngô Quyền với Trần Hưng Đạo (ngày19/2/2016), giữa Huyền Trân công chúa với Hoàng hậu Ngọc Hân (ngày 7/7/2016) buộc chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận rằng:

Những hiểu biết rất sơ đẳng về lịch sử dân tộc bây giờ không chỉ diễn ra ở trường học, ở học sinh, sinh viên mà còn thể hiện ngay trong những phóng viên, biên tập viên của một cơ quan truyền thông quốc gia là VTV. 

Điều này cũng gióng lên hồi chuông báo động những hệ lụy từ việc xem thường môn Sử, đánh giá không đúng vai trò, vị trí của môn Sử trong các môn học trong trường phổ thông. 

Cuối năm 2015, Bộ GD&ĐT đã soạn thảo Chương trình giáo dục THPT tổng thể và trong bản Dự thảo này, tên môn Lịch Sử đã bị "khai tử" với tư cách là tên một môn học! 

Tôi và các đồng nghiệp cùng dư luận xã hội đã đấu tranh quyết liệt và cuối cùng, Quốc hội đã ra Nghị quyết giữ lại tên môn Lịch sử là môn học độc lập trong chương trình THPT mới.

Thứ tư, với góc độ lịch sử sự sai sót về kiến thức không đáng nguy hại bằng sự nhầm lẫn về mặt nhận thức. 

Trong giai đoạn đất nước ta đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức về kinh tế, xã hội, chủ quyền biển đảo và sự hủy hoại về tài nguyên môi trường đang bị đe dọa một cách nghiêm trọng, các thế lực phản động đang “điên cuồng” chống phá đất nước bằng nhiều phương thức, thủ đoạn thì truyền thông, báo chí là một phương tiện, công cụ vô cùng lợi hại bảo vệ Tổ quốc. 

Thì sai sót này của VTV là một bài học kinh nghiệm quan trọng đối với công tác truyền thông, phải làm sao để hạn chế mức tối đa những sơ hở bởi nhiều người bám vào đó để xuyên tạc, bóp méo lịch sử dân tộc. 

Thứ năm, trong công việc tác nghiệp có sơ suất, sai sót, nhầm lẫn là chuyện bình thường nhưng sai thì phải sửa chứ không chỉ làm một việc kỹ thuật là bóc gỡ Video. Tôi đề nghị VTV cần công khai nhận lỗi và xin lỗi trước công luận”. 


Thùy Linh