Ba Lan đã yêu cầu NATO triển khai 10.000 quân trên lãnh thổ của mình hôm 1/4 sau khi nhận thấy nỗ lực của liên minh này trong việc bảo vệ các thành viên của mình sau vụ Nga sáp nhập Crimea.
Các Ngoại trưởng NATO đã nhóm họp tại Brussels hôm 1/4 để xem xét yêu cầu triển khai quân đội ở Ban Lan và các nước vùng Baltic khác. Họ đã yêu cầu các quan chức quân sự trong liên minh tìm cách bảo vệ thành viên của mình trước những mối đe dọa từ Nga.
NATO sẽ ra quyết định triển khai lực lượng tới Đông Âu hay không vào tuần tới. |
Trong cuộc thảo luận cùng ngày, Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen cho biết ông không thể "xác nhận thông tin Nga đang rút quân" và cảnh báo về những nguy hiểm gây ra bởi "lực lượng quân sự khổng lồ" ở biên giới Ukraine.
Trong bối cảnh đó, Ngoại trưởng Ba Lan Radek Sikorski đã yêu cầu 2 lữ đoàn tăng cường và xe bọc thép với khoảng 5.000 quân mỗi lữ đoàn tới quốc gia này.
Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk đã bày tỏ thất vọng đối với sự miễn cưỡng của NATO trong việc triển khai quân đội tới quốc gia này.
Anh đã đề nghị gửi máy bay chiến đấu RAF Typhoon tham gia cuộc tập trận của NATO tại Ba Lan và tuần tra phòng không trên các nước Baltic. Tuy nhiên, ông vẫn thận trọng với việc triển khai quân đồn trú vĩnh viễn trên lãnh thổ Ba Lan.
NATO dự kiến sẽ đưa ra thông báo chính thức về việc triển khai quân sự tới các thành viên Đông Âu vào tuần tới.
Lực lượng Nga tại biên giới Ukraine. |
Trong khi đó, Mỹ dự kiến sẽ gửi 600 binh sĩ tới căn cứ không quân Mihail Kogalniceanu trên bờ Biển Đen của Romania và cho biết cũng có khả năng gửi một tàu chiến đến Biển Đen. Tuy nhiên, Đức và các thành viên NATO khác rất thận trọng trong các động thái tương tự vì lo ngại nó có thể gây thêm căng thẳng với Nga.
Theo Telegraph, một tài liệu "hạn chế" người xem của NATO do tờ Der Spiegel của Đức thu thập được cho biết, Armenia, Azerbaijan và Moldova là ba quốc gia có thể hưởng lợi từ sự tăng cường hỗ trợ quân sự của phương Tây.
Tài liệu dài 7 trang nói rằng các nước này sẽ được khuyến khích tham gia chương trình "quốc phòng thông minh" của NATO, trong đó có việc mua sắm một số vũ khí và tham gia tập trận chung.
Tuy nhiên, các nhà ngoại giao lo ngại rằng sự hiện diện quân sự thường trực của NATO tại các nước thành viên có chung biên giới với Nga có thể khiến Tổng thống Vladimir Putin nổi giận và đáp lại bằng cách tăng cường lực lượng Nga tại những khu vực biên giới nhạy cảm.
"Chúng tôi đặc biệt không muốn bất kỳ sự hiện diện thường trực nào của quân đội NATO tại Ukraine. Đây không phải là thời điểm thuận lợi nhất để NATO hiện diện tại Ukraine. Nó sẽ là một cái cớ vàng để Nga củng cố sự hiện diện của mình", Telegraph dẫn lời một nhà ngoại giao giấu tên cho hay./.
Nguyễn Hường