Bắc Kạn tính toán, tuyển thêm giáo viên từ sinh viên sư phạm mới tốt nghiệp

02/08/2022 06:46
Ngân Chi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục tỉnh Bắc Kạn, Sở đã rà soát và có phương án sắp xếp, bố trí giáo viên đáp ứng nhu cầu của học sinh trong năm học 2022-2023.

Năm 2022, số bài thi vào lớp 10 trung học phổ thông tại Bắc Kạn có điểm dưới trung bình chiếm tỉ lệ 72,23%. Điều này khiến dư luận đặt dấu hỏi về chất lượng giáo dục hiện tại, đặc biệt với chất lượng giáo dục cấp trung học phổ thông.

Giải đáp về vấn đề này, ông Đoàn Văn Hương - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Kạn đã có cuộc trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Phóng viên: Thưa ông, tỉ lệ 72,23% bài thi vào lớp 10 dưới trung bình đang khiến dư luận băn khoăn về chất lượng giáo dục trên địa bàn tỉnh. Xin ông đánh giá về chất lượng giáo dục Bắc Kạn trong những năm gần đây?

Ông Đoàn Văn Hương: Nâng cao chất lượng giáo dục là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của ngành Giáo dục và Đào tạo Bắc Kạn. Trong những năm qua, nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, chất lượng giáo dục của tỉnh đã có bước chuyển biến tích cực. Một trong những giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục có thể kể đến đối với cấp trung học phổ thông là căn cứ điểm thi tuyển sinh vào lớp 10 hằng năm để phân hoá, từ đó có biện pháp thiết thực, hiệu quả, phù hợp trong tổ chức dạy và học đối với từng đối tượng học sinh.

Để thực hiện tốt giải pháp trên, công tác thi tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông đã được ngành giáo dục và đào tạo chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm túc, khách quan, đánh giá chặt chẽ, sát với thực tế năng lực nhận thức của học sinh.

Năm học 2021-2022, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, có những thời điểm học sinh phải học trực tuyến, song, kết quả thi tuyển sinh năm học 2022-2023 giữ ổn định và có môn thi kết quả cao hơn những năm trước.

Qua so sánh điểm thi tuyển sinh trong 3 năm gần đây thì tỉ lệ điểm dưới trung bình năm nay (72,23%) đã giảm được 2,59%; tỉ lệ điểm trên trung bình đều tăng, cụ thể: Môn Ngữ văn điểm trên trung bình hằng năm đều tăng khoảng 6%; môn Tiếng Anh điểm trên trung bình tăng khoảng 4%.

Ông Đoàn Văn Hương - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Kạn. (Ảnh: NVCC).

Ông Đoàn Văn Hương - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Kạn. (Ảnh: NVCC).

Từ việc đánh giá đúng thực tế năng lực nhận thức của học sinh (điểm thi tuyển sinh còn thấp), các trường trung học phổ thông lấy đó làm cơ sở để phân hoá đối tượng, đưa ra biện pháp giáo dục, giảng dạy phù hợp với trình độ học sinh ngay từ đầu cấp học.

Với sự chỉ đạo sát sao của Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường trung học phổ thông đã tích cực, kiên trì thực hiện đồng bộ các giải pháp qua từng năm, chất lượng giáo dục trung học phổ thông từng bước được nâng cao.

Kết quả, tỉ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông những năm qua đều đạt và vượt chỉ tiêu tỉnh giao. Năm 2021, tỉ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông của tỉnh đạt 97,86%, điểm trung bình của học sinh đạt 6,351 điểm, đứng thứ 33/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, tăng 11 bậc so với năm 2020. Năm 2022, kết quả sơ bộ tỉ lệ này đạt 97,66%.

Để từng bước nâng cao chất lượng giáo dục, “bắt nhịp” các chương trình giáo dục phổ thông mới, xin ông cho biết giải pháp cụ thể mà ngành giáo dục Bắc Kạn đưa ra trong thời gian tới?

Ông Đoàn Văn Hương: Chất lượng giáo dục nói chung, chất lượng giáo dục cấp trung học phổ thông nói riêng tuy đã có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước được nâng cao, song, với vai trò là cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo nhận thấy chất lượng giáo dục của tỉnh còn hạn chế, đặc biệt là chất lượng giáo dục tiểu học, trung học cơ sở ở những địa bàn vùng cao, vùng khó khăn.

Hiện tại và thời gian tới, việc nâng cao chất lượng giáo dục còn gặp nhiều khó khăn hơn nữa, bởi việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 (chương trình, sách giáo khoa mới) có nhiều thay đổi về nội dung, phương pháp giáo dục.

Để nâng cao chất lượng giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo tập trung chỉ đạo thực hiện một số giải pháp trọng tâm sau:

Thứ nhất, chỉ đạo các nhà trường xây dựng và tổ chức thực hiện có chất lượng, hiệu quả các kế hoạch chuyên môn theo tinh thần đổi mới chương trình, sách giáo khoa các cấp học. Trọng tâm đi vào kế hoạch giáo dục nhà trường, kế hoạch giáo dục tổ chuyên môn, kế hoạch giáo dục môn học, việc thực hiện đảm bảo linh hoạt và phù hợp với điều kiện đội ngũ và cơ sở vật chất nhà trường.

Chỉ đạo tổ/nhóm chuyên môn tích cực tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học; các chuyên đề về đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá học sinh. Phát huy vai trò hoạt động của Hội đồng bộ môn cấp tỉnh, cấp huyện, thành phố và đội ngũ giáo viên cốt cán trong việc hỗ trợ, tư vấn chuyên môn cho các nhà trường.

Chỉ đạo các nhà trường thực hiện nghiêm túc quy chế chuyên môn, giáo viên sử dụng linh hoạt các phương pháp, kỹ thuật dạy học, chú ý tới các đối tượng học sinh để tổ chức các hoạt động học tập phù hợp. Tăng cường đổi mới và đa dạng hoá phương pháp kiểm tra, đánh giá; tăng cường đánh giá thường xuyên nhằm theo dõi, bám sát khả năng nhận thức của học sinh, từ đó có biện pháp bồi dưỡng, phụ đạo, củng cố kiến thức một cách phù hợp trong từng môn học với các đối tượng học sinh.

Đẩy mạnh các phong trào thi đua trong ngành giáo dục; tổ chức hiệu quả hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp để nâng cao tay nghề giáo viên; nâng cao chất lượng các kỳ thi chọn học sinh giỏi từ cấp trường đến cấp tỉnh và động viên khen thưởng kịp thời nhằm tạo ra phong trào tích cực học tập.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của các cơ sở giáo dục nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn bệnh thành tích, xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân vi phạm hoặc có hành vi tiêu cực trong giáo dục.

Một giờ học của học sinh. (Ảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Kạn).

Một giờ học của học sinh. (Ảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Kạn).

Thứ hai, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Thực hiện tốt việc tự học, tự bồi dưỡng để nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Tích cực thực hiện kế hoạch bồi dưỡng giáo viên theo chuẩn chức danh nghề nghiệp; thực hiện có chất lượng việc tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ để thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý của từng cơ sở giáo dục, gắn trách nhiệm của người đứng đầu với chất lượng giáo dục của nhà trường. Nâng cao tinh thần trách nhiệm, kích thích tinh thần nhiệt huyết của đội ngũ giáo viên trong thực hiện nhiệm vụ.

Thứ ba, tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đảm bảo các điều kiện để phục vụ công tác dạy học. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý và hoạt động giáo dục. Đẩy mạnh phong trào tự làm thiết bị, đồ dùng dạy học trong đội ngũ giáo viên.

Thứ tư, thực hiện tốt công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong việc quản lý, giáo dục học sinh. Thực hiện tốt công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, kỹ năng sống cho học sinh. Tăng cường phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong quản lý giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa cho học sinh. Xây dựng nền nếp, kỷ cương trong hoạt động học tập, giáo dục ý thức học tập cho học sinh.

Thứ năm, tăng cường công tác truyền thông về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về giáo dục và đào tạo, tuyên truyền về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nhất là việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Với sự phân cấp quản lý nhà nước về giáo dục hiện nay, để thực hiện tốt các giải pháp, nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn các huyện, thành phố, không thể thiếu vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục của Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố mà cơ quan tham mưu chuyên môn là phòng giáo dục và đào tạo.

Năm học mới 2022-2023 đang cận kề, nhiều địa phương đang đứng trước “bài toán” thiếu giáo viên, đặc biệt với cấp trung học phổ thông. Sở có kế hoạch sắp xếp như thế nào, thưa ông?

Ông Đoàn Văn Hương: Mặc dù,năm học 2022-2023 là năm đầu tiên triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở bậc trung học phổ thông, chắc chắn, cũng sẽ có vướng mắc trong việc bố trí giáo viên ở một số môn học. Tuy nhiên, Sở đã rà soát sơ bộ và có phương án chuẩn bị.

Không riêng với những môn học mới đối với bậc trung học phổ thông, sẽ được bố trí đảm bảo nhu cầu của học sinh, mà cả với những môn học bắt buộc, lựa chọn khác, nếu cần, Sở sẽ huy động giáo viên trung học cơ sở có trình độ đại học để giảng dạy cho học sinh.

Ngoài ra, đối với tình hình chung của tất cả các bậc học, trong khoảng 10 năm qua, số lượng học sinh trên địa bàn tỉnh gần như không thay đổi quá nhiều, nên số lượng giáo viên gần như đáp ứng hết nhu cầu. Do tỉ lệ thiếu giáo viên rất thấp, chúng tôi có thể chủ động sử dụng giáo viên hợp đồng, hoặc tính toán, tuyển thêm giáo viên từ lực lượng sinh viên sư phạm mới tốt nghiệp, bởi, tỉnh cũng đã tăng chỉ tiêu biên chế, “gỡ khó” cho ngành.

Trân trọng cảm ơn ông!

Ngân Chi