Bài toán nan giải, giáo viên chỉ được đào tạo "đơn môn" làm sao dạy tốt "đa môn"

03/09/2022 07:00
KIM OANH
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Trong một vài năm học tới đây, giải bài toán giáo viên ở các môn học mới chưa có giải pháp nào là tối ưu.

Năm học 2021-2022 vừa qua, khi ngành Giáo dục thực hiện giảng dạy chương trình giáo dục phổ thông ở lớp 6 thì gần như các địa phương chưa có giáo viên dạy các môn tích hợp ở cấp trung học cơ sở.

Chính vì thế, đa số các trường phải bố trí giáo viên phân môn nào thì dạy phân môn đó nên dẫn đến tình trạng 1 môn học nhưng có tới 2-3 giáo viên cùng giảng dạy.

Năm học 20202-2023 đã cận kề, các lớp 3, 7, 10 sẽ dạy chương trình mới và bài toán nhân sự đối với những môn học mới như: Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý (lớp 7) và môn Âm nhạc, Mĩ thuật, Nội dung giáo dục địa phương (lớp 10) vẫn là thách thức lớn đối với gần hết các nhà trường trên cả nước.

Chưa có giáo viên cũng đồng nghĩa một số môn học mới ở các cấp học chưa được triển khai, hoặc giáo viên phải dạy trái chuyên ngành khiến cho hiệu quả giảng dạy và học tập không đạt được như mục tiêu mà chương trình 2018 đã đề ra. Đây là khó khăn chung của các địa phương trên cả nước.

Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn

Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn

Loay hoay bố trí giáo viên dạy các môn học mới

Thực tế, trong năm học 2021-2022 vừa qua, khi ngành giáo dục thực hiện chương trình mới ở lớp 6 thì chỉ một số địa phương là có giáo viên dạy 2 môn tích hợp ở cấp học này.

Chính vì thế, các địa phương khác rất khó khăn trong việc sắp xếp, phân công giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên, cùng với môn Lịch sử và Địa lý bởi nguồn lực hiện tại không thể đáp ứng được yêu cầu của môn học.

Bởi lẽ, trong khi chương trình chủ trương tích hợp các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học hiện tại thành môn Khoa học tự nhiên và môn học Lịch sử, Địa lý thành môn Lịch sử và Địa lý vào một môn học, một cuốn sách giáo khoa.

Điều này cũng đồng nghĩa dù dạy 2-3 phân môn nhưng các đầu mối điểm số thường xuyên, định kỳ vẫn quy về một mối để tính điểm trung bình môn cho học trò.

Đáng lẽ ra, một môn học chỉ một giáo viên giảng dạy nhưng năm học vừa qua thì phần lớn các trường trung học cơ sở trên cả nước vẫn phải xếp phân môn của ai người đó dạy.

Chính vì thế, dù chỉ là 1 môn học ở nhà trường nhưng học sinh phải học với 2-3 thầy cô, học sinh phải có 2-3 cuốn vở để ghi bài cho 1 môn học tích hợp.

Ngay cả chỉ đạo của Bộ trong hành Công văn số 2613/BGDĐT-GDTrH cũng chỉ hướng dẫn một cách miễn cưỡng rằng: “Căn cứ tình hình đội ngũ giáo viên của nhà trường, hiệu trưởng phân công giáo viên dạy học các nội dung của chương trình phù hợp với năng lực chuyên môn của giáo viên”.

Để chuẩn bị cho năm học 2022-2023 tới đây đối với lớp 7, Bộ đã ban hành Công văn 1496/BGDĐT-GDTrH và hướng dẫn: “Căn cứ tình hình đội ngũ giáo viên của nhà trường, hiệu trưởng phân công giáo viên dạy học các chủ đề phù hợp với năng lực chuyên môn của giáo viên. Nhà trường cần chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để giáo viên đáp ứng yêu cầu về chuyên môn đảm nhận việc dạy học các chủ đề hoặc toàn bộ chương trình môn học”.

Thế nhưng giáo viên chỉ được đào tạo “đơn môn” nên làm thế nào để họ có thể dạy “đa môn”? Vì thế, cho dù nhà trường có phân công thì họ cũng chỉ dạy trong khả năng của mình mà thôi.

Bởi thực tế, Quyết định 2454/QĐ-BGDĐT về Chương trình bồi dưỡng giáo viên trung học cơ sở dạy môn Khoa học tự nhiên và Quyết định 2455/QĐ-BGDĐT về Chương trình bồi dưỡng giáo viên trung học cơ sở dạy môn Lịch sử và Địa lý ở cấp Trung học cơ sở dù Bộ đã ban hành từ tháng 7/2021 nhưng đến nay, giáo viên các môn học này ở nhiều trường vẫn chưa được đưa đi bồi dưỡng vì nhiều lý do khác nhau.

Đối với môn Âm nhạc và Mĩ thuật ở cấp trung học phổ thông vẫn là nỗi lo canh cánh của các nhà trường vì gần như các địa phương đang thiếu giáo viên nghệ thuật. Việc thiếu giáo viên 2 môn học này tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến việc triển khai chương trình mới ở lớp 10 trong năm học tới đây.

Bởi vì môn Âm nhạc, Mĩ thuật không chỉ nằm ở nhóm môn học lựa và chuyên đề học tập mà 2 môn học này còn là phân môn bắt buộc trong Nội dung giáo dục địa phương.

Chính vì thế, khi chưa có giáo viên Âm nhạc, Mĩ thuật cũng đồng nghĩa các trường không thể triển khai 2 môn học lựa chọn này và dĩ nhiên Nội dung giáo dục địa phương (có 6 phân môn: Âm nhạc, Mĩ thuật, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân) cũng phải bỏ ngỏ 2 phân môn này.

Có lẽ hiểu được những khó khăn ở các nhà trường nên trong Công văn 1496/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn nhiệm vụ năm học 2022-2023 đối với môn Nghệ thuật thì Bộ đã chỉ đạo như sau: “Đối với các môn học có nội dung lựa chọn (Công nghệ, Giáo dục thể chất, Âm nhạc, Mĩ thuật) nhà trường xây dựng các phương án phù hợp với điều kiện tổ chức dạy học để học sinh lựa chọn.

Trường hợp đặc biệt, học sinh có nguyện vọng chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập, hiệu trưởng xem xét quyết định và báo cáo Sở Giáo dục và Đào tạo”.

Thế nhưng, dù trường có báo cáo với Sở Giáo dục và Đào tạo thì Sở cũng khó có cách giải quyết đối với các môn học nghệ thuật. Bởi, giáo viên các môn học này đang thiếu đối với tất cả các địa phương chứ đâu phải riêng tỉnh, thành nào. Nguồn tuyển không có làm sao có phương án khả thi trong bối cảnh năm học mới chỉ còn hơn 1 tháng nữa.

Những giải pháp mang tính tạm thời

Trong một vài năm học tới đây, giải bài toán giáo viên ở các môn học mới không có giải pháp nào là tối ưu, là căn cơ cả mà các giải pháp cũng chỉ mang tính cách tạm thời mà thôi nhưng trong bối cảnh như hiện nay thì ngành giáo dục phải tính đến kế hoạch ngắn hạn trước.

Đối với 2 môn học tích hợp trước mắt vẫn phải phân công phân môn của giáo viên nào thì giáo viên đó dạy chứ một giáo viên chưa thể dạy được 2-3 môn như kế hoạch chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Tuy nhiên, có một lợi thế là các trường đã có nguồn lực có sẵn, vì thế, các địa phương cần nhanh chóng tham mưu để tìm nguồn kinh phí đưa giáo viên đi bồi dưỡng chuyên môn theo hướng dẫn của Quyết định 2454/QĐ-BGDĐT về Chương trình bồi dưỡng giáo viên trung học cơ sở dạy môn Khoa học tự nhiên và Quyết định 2455/QĐ-BGDĐT về Chương trình bồi dưỡng giáo viên trung học cơ sở dạy môn Lịch sử và Địa lý càng sớm càng tốt.

Nếu càng chậm trễ, càng gây thiệt thòi cho học sinh và khó khăn cho các nhà trường trong việc phân công giáo viên giảng dạy, sắp xếp thời khóa biểu hàng tuần và việc tổ chức kiểm tra định kỳ, vào điểm, nhận xét phẩm chất, năng lực của học trò đối với các môn tích hợp.

Bên cạnh đó, các tổ chuyên môn đang đứng riêng cũng cần có chủ trương sáp nhập lại với nhau để các môn học Lý, Hóa, Sinh hiện nay sẽ cùng là một tổ chuyên môn, các môn học Lịch sử và Địa lý cũng vậy. Việc cùng một tổ chuyên môn sẽ giúp cho các giáo viên dạy các phân môn có điều kiện thảo luận, tháo gỡ khó khăn trong những buổi sinh hoạt chuyên môn hàng tháng.

Đối với các môn Âm nhạc và Mĩ thuật ở cấp trung học phổ thông phải khẳng định là một vài năm tới đây sẽ rất khó tuyển đủ giáo viên vì nó liên quan đến việc phân bổ biên chế cho các nhà trường.

Bên cạnh đó, rất ít người được đào tạo chuyên về sư phạm ở các môn học này nên chưa thể đáp ứng được nguồn nhân lực.

Chính vì thế, giải pháp tình huống là điều động giáo viên Mĩ thuật, Âm nhạc ở cấp tiểu học và trung học cơ sở lên dạy liên trường lân cận theo định mức giảng dạy. Việc điều động giáo viên Mĩ thuật, Âm nhạc ở cấp tiểu học, trung học cơ sở lên dạy trung học phổ thông không khó, nằm trong khả năng của các sở giáo dục.

Hơn nữa, theo Điều 72 của Luật Giáo dục năm 2019 thì chuẩn trình độ giáo viên của cả 3 cấp học này là đại học sư phạm hoặc cử nhân có chuyên ngành tương đương nên không lo chuẩn trình độ.

Trong điều kiện khó khăn như hiện nay, nếu các địa phương linh hoạt, chủ động trong tham mưu, đề xuất thì bài toán nhân lực đối với những môn học tích hợp ở cấp trung học cơ sở và giáo viên nghệ thuật ở cấp trung học phổ thông sẽ được giải quyết ổn thỏa trong những năm đầu tiên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Tài liệu tham khảo:

https://luatvietnam.vn/giao-duc/cong-van-1496-bgddt-gdtrh-bo-giao-duc-va-dao-tao-220269-d6.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

KIM OANH