Mức phụ cấp cho nhân viên y tế học đường còn thấp nên chưa thu hút được nhân lực

07/04/2024 06:48
Thi Thi
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Công tác y tế trường học đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm sức khỏe cho thế hệ trẻ, góp phần tạo ra môi trường học tập an toàn, lành mạnh. 

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ La Thị Thúy - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Bến Tre cho biết: "Nhằm nâng cao tầm vóc, thể lực và sức khỏe tâm thần của học sinh, thời gian qua một số chương trình, dự án chăm sóc và bảo vệ sức khỏe trẻ em đã được đưa vào trường học trên địa bàn tỉnh. Một số chương trình, dự án được triển khai toàn diện trên địa bàn tỉnh; một vài chương trình, dự án được chỉ triển khai ở một số huyện, trường.

Tùy vào mục tiêu, tính chất của các chương trình, dự án mà có thể triển khai đại trà cho toàn thể học sinh; hoặc sẽ thí điểm trước khi triển khai đại trà; hoặc chỉ triển khai cho một số vùng, số đối tượng cụ thể (như vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn; học sinh yếu thế..). Tuy nhiên cần triển khai mở rộng đối với những chương trình, dự án thiết thực, hiệu quả.

Tại Bến Tre, khi Chính phủ ban hành Quyết định số 1660/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình sức khỏe học đường giai đoạn 2021- 2025, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 1607/KH-UBND về triển khai thực hiện chương trình sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025 nhằm đẩy mạnh hoạt động giáo dục, chăm sóc, bảo vệ và quản lý sức khỏe học sinh trong các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông, trường chuyên biệt từ đó bảo đảm sự phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần cho học sinh".

110420230346-img20201126105519-16425799889001622625666.jpg
Chăm sóc sức khỏe học sinh là công tác được các trường học chú trọng. Ảnh minh họa: Quochoi.vn

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Bến Tre cũng chia sẻ, tại địa phương 100% trường học có nhà vệ sinh cho học sinh; 100% trường phổ thông có đủ giáo viên giáo dục thể chất và được tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; 75% trường học cung cấp đủ nước uống và nước sạch cho sinh hoạt, hoạt động trong trường; 85% trường học thực hiện kiểm tra sức khỏe học sinh đầu năm học.

Bên cạnh đó, học sinh được tuyên truyền, giáo dục về sức khỏe và nâng cao kiến thức phòng, chống bệnh, tật học đường, bệnh không lây nhiễm và sức khỏe tâm thần; được giáo dục về dinh dưỡng hợp lý, thực phẩm lành mạnh, an toàn. Cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên y tế học đường được tập huấn về chăm sóc, bảo vệ và quản lý sức khỏe học sinh trong trường học.

Hiện nay đa số cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên y tế học đường ứng dụng công nghệ thông tin vào chăm sóc, bảo vệ, quản lý sức khỏe học sinh và thống kê, báo cáo trong trường học.

Ngoài ra, Sở Giáo dục và Đào tạo Bến Tre cũng phối hợp chặt chẽ với các Sở, ban, ngành liên quan, định kì hàng năm đều xây dựng kế hoạch chỉ đạo, tổ chức các đợt tập huấn nghiệp vụ, tổ chức kiểm tra việc thực hiện, triển khai các hoạt động chăm sóc sức khỏe học sinh.

Cô Thúy nhấn mạnh: "Chương trình sức khỏe học đường được xem là một giải pháp quan trọng và kịp thời nhằm đảm bảo sự phát triển toàn diện của học sinh".

Cùng trao đổi với phóng viên, Thạc sĩ Phạm Văn Ngát - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Thanh Trì (Hà Nội) nhấn mạnh: "Những năm qua, nhằm nâng cao tầm vóc, thể lực và sức khỏe tâm thần của học sinh, một số chương trình, dự án chăm sóc và bảo vệ sức khỏe trẻ em đã được đưa vào trường học nhưng với phạm vi riêng lẻ, không đồng bộ, chỉ triển khai trên một số địa phương.

Vì vậy, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1660/QĐ-TTg phê duyệt chương trình sức khỏe học đường giai đoạn 2021- 2025, thể hiện sự quyết tâm và khát vọng của quốc gia vào việc chăm sóc cho thế hệ tương lai".

Thạc sĩ Phạm Văn Ngát cho rằng, việc tăng cường điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học, đảm bảo dinh dưỡng hợp lý kết hợp các hoạt động thể lực, chăm sóc sức khỏe tinh thần cho học sinh là cấp thiết. Vì vậy việc đưa một số chương trình, dự án chăm sóc và bảo vệ sức khỏe trẻ em được đưa vào trường học là rất cần thiết và phải mang tính đồng bộ cao.

Công tác y tế học đường vẫn còn nhiều khó khăn

Mặc dù đóng vai trò quan trọng, góp phần chăm sóc sức khỏe học đường, song công tác y tế học đường vẫn còn nhiều khó khăn.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Bến Tre chia sẻ: "Bến Tre là một tỉnh thuộc vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, với diện tích khoảng 2.360 km² và dân số khoảng 1,3 triệu người. Toàn tỉnh hiện có 211639 trẻ em từ độ tuổi nhà trẻ đến trung học cơ sở. Tổng số nhân viên y tế trong trường học/số trường của tỉnh là: 467/538 người".

Thạc sĩ Lã Thị Thúy nhìn nhận, công tác y tế trường học đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo đảm sức khỏe cho thế hệ trẻ, góp phần tạo ra môi trường học tập an toàn, lành mạnh và nâng cao chất lượng giáo dục của tỉnh.

Do đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Bến Tre đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường công tác y tế trường học, trong đó tập trung củng cố, kiện toàn và nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân viên y tế trường học tại các cơ sở giáo dục. Tăng cường phòng chống dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, chăm sóc sức khỏe tâm thần học sinh và triển khai mô hình đảm bảo dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường hoạt động vận động thể lực. Hướng dẫn công tác tổ chức bữa ăn học đường kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh trong các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông.

Triển khai, sử dụng hiệu quả các tài liệu truyền thông nâng cao năng lực về phòng, chống dịch bệnh và công tác y tế học đường. Tăng cường trách nhiệm của các cơ sở giáo dục trong việc chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ với cơ quan y tế địa phương tổ chức thực hiện, giám sát, kiểm tra, theo dõi, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các trường hợp mắc bệnh và có nguy cơ về sức khỏe trong trường học.

Cô Thúy cho biết thêm, Sở Giáo dục và Đào tạo Bến Tre cũng đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng môn giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong các cơ sở giáo dục. Tuy nhiên, công tác này ở các trường trên địa bàn Bến Tre có một số khó khăn.

Thứ nhất, về kinh phí hoạt động, quỹ bảo hiểm y tế chăm sóc sức khỏe ban đầu còn tồn đọng nhưng không thể sử dụng do giới hạn nội dung chi.

Thứ hai, về nhân sự, còn một số trường không có nhân viên y tế, hoặc nhân viên y tế không đủ chuẩn theo yêu cầu Thông tư liên tịch số 13/2016/TTLT-BYT - BGDĐT ngày 12/5/2016 của Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT quy định về công tác y tế trường học.

Khoản 2, Điều 8 Thông tư liên tịch số 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐT của Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về công tác y tế trường học nêu rõ:

Nhân viên y tế trường học phải có trình độ chuyên môn từ y sĩ trung cấp trở lên. Căn cứ điều kiện thực tiễn tại địa phương, các trường học bố trí nhân viên y tế trường học đáp ứng quy định tại Điểm này hoặc ký hợp đồng với Trạm Y tế xã, phường, thị trấn hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ hình thức phòng khám đa khoa trở lên để chăm sóc sức khỏe học sinh;

Nhân viên y tế trường học phải được thường xuyên cập nhật kiến thức chuyên môn y tế thông qua các hình thức hội thảo, tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn do ngành Y tế, ngành Giáo dục tổ chức để triển khai được các nhiệm vụ quy định;

Nhân viên y tế trường học có nhiệm vụ tham mưu, tổ chức thực hiện theo quy định tại Điều 9, Điều 10 và các nhiệm vụ khác do Lãnh đạo trường học phân công.

Còn Thạc sĩ Phạm Văn Ngát cũng nêu trăn trở: "Nhân viên y tế trường học chưa đủ 100% là khó khăn lớn nhất của huyện Thanh Trì. Bên cạnh đó, mức phụ cấp cho nhân viên y tế còn thấp chưa thu hút được nhân lực vào các trường học".

Cần giải pháp đồng bộ để triển khai hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe học sinh

Ngoài ra, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Thanh Trì cũng bày tỏ thêm, để triển khai có hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe trẻ em, học sinh, trường học cần được bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất đáp ứng công tác chăm sóc sức khỏe học sinh theo quy chuẩn và đúng quy định; đảm bảo đủ nhân lực, vật lực cho y tế trường học; cung cấp đủ nước uống và nước sạch cho sinh hoạt, hoạt động trong trường học đảm bảo chất lượng.

Chú trọng đến công tác tuyên truyền, giáo dục sức khỏe học đường trong trường học gồm các chỉ tiêu: 100% học sinh được tuyên truyền, giáo dục về sức khỏe và nâng cao kiến thức phòng, chống bệnh tật học đường, bệnh không lây nhiễm và sức khỏe tâm thần; được giáo dục về dinh dưỡng hợp lý, thực phẩm lành mạnh, an toàn; học sinh phổ thông được phổ biến, tư vấn về sức khỏe tâm thần, tâm sinh lý lứa tuổi…

Thạc sĩ Phạm Văn Ngát bày tỏ mong muốn thời gian tới 100% cơ sở giáo dục có nhân viên chuyên trách phụ trách công tác y tế trường học.

1.y tế học đường.jpeg
Công tác y tế học đường vẫn còn nhiều khó khăn. Ảnh minh họa: Quochoi.vn

"Mong nhân viên y tế trường học trong các cơ sở giáo dục được bảo đảm điều kiện làm việc tối thiểu như phòng làm việc, giường, trang thiết bị, dụng cụ sơ cấp cứu thông thường, thuốc thiết yếu và nguồn kinh phí trích lại từ bảo hiểm y tế dành cho chăm sóc sức khỏe ban đầu đối với học sinh. Sớm đạt mục tiêu 100% cơ sở giáo dục công lập được bố trí nguồn kinh phí hoạt động y tế trường học từ ngân sách dành cho sự nghiệp giáo dục, y tế hằng năm theo phân cấp ngân sách hiện hành", Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Thanh Trì nêu tâm tư.

Còn Thạc sĩ La Thị Thúy cũng nhấn mạnh, y tế học đường có nhiệm vụ rất quan trọng, đòi hỏi trách nhiệm cao trong công việc vì liên quan đến sức khỏe của trẻ em, học sinh trong các cơ sở giáo dục.

Thạc sĩ La Thị Thúy kiến nghị, đối với nhân viên chuyên trách công tác y tế phục vụ trong các cơ sở giáo dục thì cần được hưởng đầy đủ các chế độ chính sách như của chuyên ngành y tế. Đối với nhân viên kiêm nhiệm công tác y tế trường học, chăm sóc sức khỏe trẻ em, học sinh tại các cơ sở giáo dục cần có quy định cụ thể giảm giờ làm việc đối với nhân viên kiêm nhiệm.

Cũng theo cô Thúy, để triển khai có hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe trẻ em, học sinh, thời gian tới cần tập trung vào một số giải pháp như sau:

Thứ nhất, hoàn thiện cơ sở vật chất, bố trí trang thiết bị, dụng cụ để bảo đảm điều kiện dạy và học. Xây mới, sửa chữa, nâng cấp công trình cung cấp nước sạch, nhà vệ sinh và bảo đảm các điều kiện khác về vệ sinh môi trường trong trường học đáp ứng yêu cầu chất lượng và vệ sinh theo quy định. Bố trí cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ phục vụ công tác giáo dục thể chất và các hoạt động thể thao trường học. Cải tạo, nâng cấp sân chơi, bãi tập, đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường chuẩn quốc gia.

Thứ hai, tăng cường và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Bố trí giáo viên, nhân viên chuyên trách hoặc kiêm nhiệm công tác y tế học đường để triển khai công tác sức khỏe học đường phù hợp với điều kiện cụ thể từng địa phương, từng trường học. Tiếp tục thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách cho đội ngũ giáo viên, nhân viên y tế học đường làm nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe học đường.

Thứ ba, đổi mới công tác giáo dục thể chất, hoạt động thể thao trường học. Cải tiến nội dung và hình thức tổ chức các hoạt động thể dục thể thao ngoại khóa. Tổ chức tốt các hoạt động tập thể dục sáng, thể dục giữa giờ với hình thức và nội dung phong phú, sinh động. Khuyến khích tổ chức các hoạt động thể thao gắn liền với nội dung môn học giáo dục thể chất nhằm đa dạng hóa các hoạt động vận động; khuyến khích phát triển môn bơi, môn bóng, các môn thể thao dân tộc phù hợp với đặc điểm và điều kiện cụ thể từng trường học. Triển khai hiệu quả hoạt động thể thao trường học phù hợp với năng khiếu, sở thích, lứa tuổi học sinh với hình thức đa dạng.

Thứ tư, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, giám sát, thống kê, báo cáo. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hồ sơ sức khỏe học sinh. Từng bước số hóa trong quản lý, sử dụng cơ sở vật chất phục vụ công tác sức khỏe học đường. Xây dựng, ứng dụng phần mềm, cơ sở dữ liệu để theo dõi, quản lý sức khỏe học sinh, hoạt động giáo dục thể chất và thể thao trường học, tình trạng dinh dưỡng học đường để áp dụng liên thông, kết nối cho từng tuyến (trường học, cơ quan quản lý sức khỏe học đường tuyến huyện, tuyến tỉnh).

Ngày Sức khỏe Thế giới được tổ chức vào ngày 7/4 hằng năm, dưới sự bảo trợ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Ngày này ra đời để kỷ niệm việc thành lập WHO và được tổ chức này xem như một cơ hội để thu hút cộng đồng quan tâm đến sức khỏe toàn cầu. Chủ đề của Ngày Sức khỏe Thế giới năm 2024 là “Sức khỏe của tôi, quyền của tôi”, với ý nghĩa bảo vệ quyền của mọi người, ở mọi nơi được tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục và thông tin, nước uống an toàn, không khí trong sạch, dinh dưỡng tốt, nhà ở chất lượng, điều kiện môi trường và làm việc tốt, tự do thoát khỏi phân biệt đối xử.

Thi Thi