Đa số trường trung học phổ thông trên cả nước đã khảo sát nhu cầu học sinh đăng ký môn thi lựa chọn tốt nghiệp và triển khai dạy học, ôn tập theo định hướng đăng ký của học sinh. Theo đó, học sinh có xu hướng chọn tổ hợp các môn khoa học xã hội nhiều hơn.
Học sinh chọn tổ hợp Khoa học xã hội chiếm ưu thế
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Hà Văn Hải - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Mỹ Tho (Ý Yên, Nam Định) chia sẻ, học sinh đã lựa chọn môn học từ năm lớp 10. Do đó, việc học sinh chọn 2 môn tự chọn để thi tốt nghiệp thời điểm này, thực chất lựa chọn lại lần nữa trong số các môn học sinh đã chọn học từ lớp 10.
Hầu hết, học sinh có xu hướng chọn môn xã hội như Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Lịch sử bởi sau khi công bố đề thi tham khảo, khác với dạng câu hỏi trắc nghiệm của các đề thi hiện nay, đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 sẽ xuất hiện thêm một số dạng thức câu hỏi mới nhằm tăng cường tính phân hóa. Nhiều học sinh cảm thấy khá khó và có xu hướng chuyển sang các môn thuộc khối xã hội.
Đơn cử như học sinh chọn tổ hợp xét tuyển thiên về xã hội, ngoài 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn thì các em sẽ chọn cặp môn Địa lý - Giáo dục kinh tế và pháp luật; hoặc Lịch sử - Địa lý; Lịch sử - Giáo dục kinh tế và pháp luật hoặc chọn môn tiếng Anh để xét tổ hợp truyền thống là D01 (Toán, Văn, Anh).
Với học sinh chọn tổ hợp xét tuyển thiên về nhóm môn tự nhiên sẽ tập trung lựa chọn cặp môn Vật lý - Hóa học, Hóa học - Sinh học, Vật lý - Tiếng Anh.
Khi chỉ có 4 môn thi tốt nghiệp gồm 2 môn bắt buộc, 2 môn tự chọn, các em sẽ chọn môn thi thuộc tổ hợp môn phổ biến nhất, được nhiều trường đại học xét tuyển nhất. Đồng thời các em cũng lựa chọn môn thi có thể ghép được 2 tổ hợp môn, gia tăng cơ hội xét tuyển đại học.
Cũng theo thầy Hải, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 lần đầu tiên môn Tin học và Công nghệ sẽ là một trong số các môn thi tự chọn. Tuy nhiên, nhà trường không có học sinh đăng kí 2 môn này vì đây là 2 môn lần đầu tiên trở thành môn thi, cả học sinh và giáo viên đều bỡ ngỡ vì chưa có tiền lệ để học hỏi, đúc rút kinh nghiệm từ những kỳ thi trước. Điều quan trọng nhất là ít trường đại học nào có sử dụng tổ hợp xét tuyển có 2 môn này. Vì vậy, học sinh có xu hướng chọn theo các khối thi truyền thống
Theo thầy Hải, vì đây là năm đầu tiên áp dụng phương án thi mới nên các trường luôn trong tâm thế không để bị động. Một lợi thế nữa ngay từ lớp 10 học sinh đã được phân tổ hợp, nên đã có định hướng rõ rệt, không gặp nhiều khó khăn khi lựa chọn môn thi.
Từ đây, nhà trường cũng bắt đầu xếp lớp và chủ động trong việc xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao chất lượng học sinh chuẩn bị cho kỳ thi. Trong quá trình này, học sinh có thể thay đổi môn tự chọn nhưng hầu hết các em đều lựa chọn theo định hướng từ trước bởi “bẻ lái” sẽ không kịp.
Bên cạnh đó, việc học sinh có xu hướng chọn môn xã hội hơn các môn tự nhiên cũng là một thách thức với công tác quản lý bởi có thể sẽ gây ra tình trạng thiếu giáo viên về các môn học xã hội, nhưng lại thừa giáo viên dạy các môn khoa học tự nhiên.
Cùng bàn về vấn đề này, thầy Trần Đình Mạnh, Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Tương Dương 2 (Nghệ An) cho biết, tại nhà trường, ngoài 2 môn bắt buộc Toán và Ngữ văn, số học sinh chọn môn xã hội như Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế pháp luật chiếm ưu thế hơn hẳn so với số học sinh chọn môn tự nhiên.
“Học sinh khối 12 của nhà trường chỉ có khoảng 6 em chọn tổ hợp có các môn tự nhiên, còn lại khoảng 170 em đều chọn tổ hợp có môn xã hội.
Nhiều học sinh của trường chỉ có mục tiêu đỗ tốt nghiệp, sau đó sẽ đi học các trường cao đẳng nghề, đi làm. Vì vậy, các em sẽ có xu thế chọn môn xã hội để tăng tỉ lệ đỗ tốt nghiệp hơn các môn Vật lý, Hoá học, vốn là những môn đòi hỏi phải có tư duy, kiến thức nền tảng từ trung học cơ sở mới dễ dàng tiếp cận
Riêng môn Công nghệ và Tin học do mới lần đầu xuất hiện trong kỳ thi mang tính quyết định nên số lượng học sinh đăng ký thi vẫn còn rất ít.
Trước đây, các môn này chưa được đưa vào kỳ thi tốt nghiệp, hơn nữa, việc ít trường đại học sử dụng tổ hợp xét tuyển có liên quan đến môn Công nghệ và Tin học cũng là một trong những lý do kém thu hút học sinh. Vì vậy, học sinh và phụ huynh e ngại, chưa dám đăng ký học và thi nhiều", thầy Mạnh cho hay.
Bên cạnh đó, tùy theo đặc điểm phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng miền, học sinh sẽ có xu hướng chọn ngành nghề riêng. Trường trung học phổ thông Tương Dương 2 là một trường ở miền núi nên hầu hết các em sẽ chọn tổ hợp môn xã hội để phù hợp với các ngành nghề như sư phạm, luật, công tác xã hội….
Ngay từ đầu năm học, nhà trường đã cho khảo sát để học sinh lựa chọn môn thi sao cho phù hợp, đến hết học kỳ 1 này, nhà trường sẽ khảo sát một lần nữa, học sinh vẫn còn cơ hội để tiếp tục cân nhắc, lựa chọn lại môn thi dựa trên năng lực và kết quả học tập qua các đợt kiểm tra, thi thử.
Học sinh vẫn có thể thay đổi môn tự chọn, thầy cô sẽ đồng hành, đưa ra những lời khuyên phù hợp nhất giúp học sinh chọn môn phù hợp với tổ hợp xét tuyển. Bởi đó sẽ là môn thế mạnh giúp học sinh có thể đậu vào ngành của trường đại học mong muốn.
Cũng có số lượng học sinh chọn tổ hợp khoa học xã hội nhiều hơn, tại Trường Trung học phổ thông Ngân Sơn (tỉnh Bắc Kạn), thầy Long Văn Phú - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, ngoài 2 môn bắt buộc, hầu hết học sinh của trường đều chọn tổ hợp khối C truyền thống nên các em sẽ thiên chọn về môn Lịch sử, Địa lý. Ngoài ra môn Giáo dục kinh tế pháp luật cũng được nhiều em lựa chọn.
Hiệu trưởng nhà trường cũng chia sẻ, việc chọn môn thi còn phải phù hợp với mục tiêu tốt nghiệp và lựa chọn nghề nghiệp tương lai của các em. Bên cạnh đó, lựa chọn môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông của thí sinh phụ thuộc lớn vào các tổ hợp môn xét tuyển đại học.
Lựa chọn tổ hợp môn học ngay từ lớp 10 rất quan trọng
Theo quy định, học sinh thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 sẽ thi 4 môn, trong đó hai môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn. Hai môn còn lại học sinh tự chọn trong số các môn Ngoại ngữ, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hoá học, Sinh học, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Công nghệ và Tin học.
Tuy nhiên trên thực tế, học sinh chỉ có thể tự chọn hai môn trong 4 môn mà học sinh đã đăng ký học từ năm lớp 10.
Vì vậy, việc lựa chọn môn học ngay từ đầu năm lớp 10 có ý nghĩa rất quan trọng, bởi liên quan trực tiếp đến bước đường tương lai của học sinh.
Theo thầy Hải, việc lựa chọn tổ hợp môn từ lớp 10 rất quan trọng, Vì vậy, trường tập trung vào tư vấn việc chọn tổ hợp môn, vừa phù hợp với năng lực của các em vừa phát huy hết sở trường, sự yêu thích môn học để các em có định hướng nghề nghiệp phù hợp nhất, có nhiều cơ hội cạnh tranh trong môi trường nghề nghiệp tương lai.
Để chuẩn bị tốt nhất cho Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025, nhà trường đã bố trí, phân công giáo viên giảng dạy, ôn tập phù hợp để học sinh được tạo điều kiện bảo đảm kiến thức, tự tin với môn học mình lựa chọn.
Đồng thời, chú trọng công tác định hướng ôn tập thi tốt nghiệp và bảo đảm yêu cầu của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 với cấu trúc đề thi mới. Đội ngũ giáo viên làm công tác ôn thi tốt nghiệp, ngoài năng lực chuyên môn vững vàng, phương pháp làm việc khoa học, tinh thần trách nhiệm cao, sự tâm huyết, lòng say mê với nghề nghiệp, còn cần phải biết truyền ngọn lửa đam mê học tập cho học sinh.
Còn tại Trường trung học phổ thông Tương Dương 2 (Nghệ An), thầy Mạnh cho biết, xác định thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 là nhiệm vụ trọng tâm trong mỗi năm học, do đó nhà trường đã triển khai kế hoạch và lộ trình học tập, kết hợp ôn luyện nhằm củng cố và nâng cao kiến thức cho học sinh, đảm bảo các em được chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi. Đồng thời, giáo viên chủ nhiệm cùng giáo viên bộ môn sẽ luôn theo sát từng học sinh để kịp thời hỗ trợ, tư vấn phương pháp học tập hiệu quả.