Băn khoăn về tính pháp lý của chứng nhận do TTKĐCL chưa được gia hạn giấy phép

15/12/2023 09:40
Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Việc không có giấy phép hoạt động mà trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục vẫn hoạt động bình thường là không phù hợp.

Ngày 14/12, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có đăng tải bài viết "Nhiều trung tâm kiểm định đang công khai giấy phép hoạt động đã hết hiệu lực" trong đó chỉ rõ một số trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục chưa được gia hạn giấy phép hoạt động kiểm định nhưng vẫn được Bộ Giáo dục và Đào tạo đồng ý để tiếp tục triển khai các hoạt động chuyên môn.

Ảnh minh hoạ: Vov

Ảnh minh hoạ: Vov

Trong khi, đối chiếu quy định tại Nghị định số 46/2017/NĐ-CP ngày 21/4/2017 quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và Nghị định 135/2018/NĐ-CP ngày 4/10/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 46/2017/NĐ-CP nêu:

Tại Khoản 4, Điều 100, Nghị định số 46/2017/NĐ-CP quy định:

"Chậm nhất 30 ngày trước khi giấy phép hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục hết thời hạn sử dụng, tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục có tờ trình đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo gia hạn giấy phép hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục. Tờ trình nêu rõ quá trình hoạt động kèm theo các tài liệu minh chứng về việc tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục đáp ứng các điều kiện quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 99 của Nghị định này;

Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận tờ trình hợp lệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức thẩm định tờ trình và các tài liệu minh chứng, trong trường hợp cần thiết Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức kiểm tra thực tế. Nếu đủ điều kiện, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo gia hạn giấy phép hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục. Thời gian gia hạn giấy phép hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục mỗi lần không quá 05 năm. Nếu không đủ điều kiện thì có văn bản thông báo và nêu rõ lý do, hướng giải quyết".

Khoản 1, Điều 102 Nghị định này quy định tổ chức kiểm định chất lượng bị giải thể khi xảy ra một trong số các trường hợp sau:

"a) Vi phạm nghiêm trọng các quy định về quản lý, tổ chức và hoạt động của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục theo kết luận của cơ quan có thẩm quyền;

b) Sau 06 tháng kể từ ngày có quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập, tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục không đăng ký hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục hoặc không đủ điều kiện để được cấp giấy phép hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục;

c) Hết thời hạn đình chỉ hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục mà không khắc phục được các nguyên nhân dẫn đến việc đình chỉ;

d) Hết thời hạn giấy phép hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục nhưng không đề nghị gia hạn hoặc không được gia hạn;

đ) Người ký quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục không đúng thẩm quyền;

e) Theo đề nghị của tổ chức, cá nhân thành lập tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục".

Từ những quy định trên cho thấy, để được gia hạn giấy phép hoạt động kiểm định thì trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục cần phải làm các thủ tục và hồ sơ theo quy định của pháp luật đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo gia hạn giấy phép hoạt động.

Như vậy, việc chưa được gia hạn giấy phép hoạt động mà trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục vẫn hoạt động bình thường là không phù hợp.

Một tổ chức kiểm định giáo dục trước hết phải là đơn vị chấp hành triệt để quy định của luật pháp vì chính tổ chức này mang các quy định của luật pháp để đánh giá mức độ tuân thủ của cơ sở giáo dục đại học rồi đưa ra kết luận.

Nếu đơn vị kiểm định lại chưa thực hiện đúng các quy định thì đó là điều khó chấp nhận, nhất là việc chưa được gia hạn giấy phép hoạt động.

Điều quan trọng là các cơ quan kiểm định phải hoàn thành trách nhiệm pháp lý của mình để đảm bảo sự tin cậy và tính liêm chính của quá trình kiểm định.

Rõ ràng, một trường đại học/chương trình đào tạo khi được công nhận bởi một tổ chức kiểm định chưa được gia hạn giấy phép hoạt động khiến nhiều người đặt ra băn khoăn về tính pháp lý của chứng nhận kiểm định đó?

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh