Kiến nghị thành lập quỹ kiểm định quốc gia nhằm giảm tốn kém cho trường ĐH

05/10/2023 06:42
Tường San
GDVN-Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ kiến nghị nhà nước cần thành lập một quỹ kiểm định quốc gia, các trường đều phải có nghĩa vụ đóng góp quỹ chung.

Hiện nay, có một số ý kiến cho rằng, công tác kiểm định đang tạo áp lực không nhỏ đối với trường đại học khi phải bỏ ra rất nhiều chi phí.

Trước thực trạng trên, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh – nguyên Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) bày tỏ, thực trạng hiện nay, nguồn lực tài chính chi cho công tác kiểm định đang gây nên áp lực không nhỏ đối với các cơ sở giáo dục đại học.

Bà Phương Anh chia sẻ, mỗi lần thực hiện công tác kiểm định, các trường, khoa, phòng/ban lại phải mở nhiều cuộc họp, làm nhiều loại giấy tờ, biên bản,… nên tốn rất nhiều chi phí cho việc in ấn.

Trong khi đó, tại một số nước phát triển về giáo dục trên thế giới vốn đã không còn sử dụng những minh chứng bằng giấy tờ như vậy từ lâu. Thay vào đó, họ sử dụng các minh chứng điện tử qua hệ thống cơ sở dữ liệu mà các trường cần kiểm định đang sử dụng. Nhờ vậy nên tiết kiệm được cả về tài chính và sức lực cho nhà trường.

Ảnh minh họa: Ngọc Mai.

Ảnh minh họa: Ngọc Mai.

Không những vậy, khi thực hiện công tác kiểm định, nhiều trường đại học ở nước ta hiện nay phải chi trả những khoản phí khá lớn cho việc ăn ở, đi lại của đoàn kiểm định.

Có thể thấy rằng, mặc dù phải tiêu tốn nhiều khoản chi như vậy nhưng thực chất, việc gia tăng thêm chất lượng cho nhà trường lại không được nhiều, thậm chí, còn gây ra hệ lụy là tăng thêm gánh nặng cho người học.

Bởi, học phí của các cơ sở đại học hiện nay bên cạnh việc phải thực hiện đúng quy định hiện hành về mức trần còn phải phù hợp với việc cân đối thu - chi của nhà trường.

Tất nhiên, nếu các nguồn chi tăng sẽ dẫn đến phải tăng nguồn thu, trong đó có cả học phí, đặc biệt là khi học phí là nguồn thu lớn nhất của các cơ sở giáo dục đại học ở nước ta.

Ngoài ra, có một thực trạng trong công tác kiểm định của nước ta hiện nay là có trung tâm kiểm định thực hiện việc tư vấn qua hình thức giới thiệu những người tư vấn cho các trường (nhằm tránh vi phạm quy định) để xem trường thiếu cái gì họ sẽ điều chỉnh, khắc phục cái đó cho trường.

Việc làm này không khác gì là giúp các trường “bao đậu”, hơn nữa theo nguyên tắc, các trung tâm kiểm định vốn không được thực hiện tư vấn cho các trường đại học nên rất bất cập.

Mặt khác, theo Tiến sĩ Phương Anh, việc chi tài chính cho công tác kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học đã tốn kém nhưng chi cho kiểm định chương trình đào tạo còn tốn kém hơn.

Bà Phương Anh bày tỏ, tại nhiều nước trên thế giới phát triển về giáo dục như ở Mỹ, họ chỉ yêu cầu các trường phải thực hiện kiểm định những chương trình quan trọng, cần thiết với quốc gia, thị trường lao động, sức khỏe và sự an toàn của con người.

Thường những ngành bắt buộc phải kiểm định của Mỹ bao gồm: sức khỏe, tâm lý và khoa học hành vi; sư phạm; kiến trúc, kỹ thuật, kỹ sư công trình, và một số ngành chuyên môn sâu khác. Ngược lại, những ngành học có tính hàn lâm, thiên về học thuật mà không trực tiếp liên quan đến thị trường lao động thì không bắt buộc phải kiểm định.

Thời gian kiểm định cũng không nhất thiết chỉ được 5 năm mà có thể là 6 năm, thậm chí có chương trình chu kỳ kiểm định lên đến 10 năm - đó là những chương trình hoạt động ổn định và đã qua vòng kiểm định đầu tiên.

Ngoài ra, trước ý kiến đề xuất rằng nên để các trường đại học tự kiểm định các chương trình đào tạo, bà Phương Anh bày tỏ, với thực trạng hiện nay của nước ta, nếu để các trường tự kiểm định là rất khó thực hiện.

Muốn làm được việc này, công tác kiểm soát của Bộ Giáo dục và Đào tạo phải rất mạnh trong việc quản lý được cơ sở dữ liệu của tất cả các trường đại học trong cả nước.

Được biết, theo Thông tư số 12/2017/TT-BGDĐT ngày 19/5/2017: “Các hợp đồng giữa tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục và cơ sở giáo dục được thực hiện theo quy định của pháp luật về hợp đồng kinh tế”.

Tức là, hiện nay kiểm định chất lượng giáo dục đại học theo cơ chế: đơn vị kiểm định A ký hợp đồng như một hợp đồng kinh tế với đơn vị được kiểm định B, sau đó đơn vị B có nghĩa vụ gửi tiền cho đơn vị A, còn đơn vị A phải trả kết quả kiểm định cho đơn vị B.

Trước thực tế này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam bày tỏ, điều này khiến chúng ta khó tin cậy vào kết quả kiểm định.

Chính vì vậy, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ kiến nghị nhà nước cần thành lập một quỹ kiểm định quốc gia, các trường đều phải có nghĩa vụ đóng góp quỹ chung. Khi đến lượt trường nào kiểm định sẽ lấy tiền từ quỹ đó thay vì để các trường đại học trực tiếp "ký hợp đồng" với các trung tâm kiểm định như hiện nay.

Tường San