Quận Bình Tân cấp giấy phép dạy thêm tràn lan, ai chịu trách nhiệm?

19/05/2017 08:13
Phương Linh
(GDVN) - Cho tới nay, công tác cấp giấy phép dạy thêm ở quận Bình Tân có quá nhiều bất cập, khi giấy phép được cấp thì nhiều, nhưng không nơi nào chịu hậu kiểm.

Trong thời gian qua, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được nhiều thông tin từ người dân cung cấp cho biết, việc cấp giấy phép tổ chức dạy thêm học thêm trên địa bàn quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh đã thể hiện nhiều bất cập.

Một người dân cho biết, số cơ sở bồi dưỡng văn hóa, giáo viên được cấp phép thì nhiều, nhưng không nơi nào chịu hậu kiểm, nên xảy ra tình trạng dù có giấy phép, nhưng vẫn vi phạm quy định về dạy thêm học thêm vẫn xảy ra.

Trong số đó, mới đây, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được nguồn thông tin cung cấp cho biết, cơ sở bồi dưỡng văn hóa Hồng Hà (639/30 Hương Lộ 2, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân) có dạy thêm cho cả học sinh tiểu học, mà lại còn tổ chức giữ học sinh ở lại bán trú vào buổi trưa.

Chiều ngày 18/5, trong vai một phụ huynh cần tìm chỗ học hè cho con từ lớp 4 lên lớp 5, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam được một người phụ nữ xưng tên Nhung (quản lý cơ sở) giới thiệu, nếu học sinh học văn hóa (5 buổi/tuần) thì học phí 500.000 đồng/tháng, còn ở bán trú, chiều ôn tập thì phí là 1,1 triệu đồng/tháng.

Bên ngoài, cơ sở Hồng Hà này còn trưng ra một tấm bảng, thông báo rất rõ ràng là 1/6/2017 khai giảng các khóa hè, có tổ chức các lớp bán trú hè cho học sinh cấp 1, 2 (tặng bộ sách giáo khoa cho học sinh bán trú), rèn chữ và dạy vỡ lòng (học sinh sắp vào lớp 1), văn hóa hè (học sinh cấp 1, 2).

Bảng quảng cáo khóa học thêm hè đặt trước cơ sở bồi dưỡng văn hóa Hồng Hà (ảnh: P.L)
Bảng quảng cáo khóa học thêm hè đặt trước cơ sở bồi dưỡng văn hóa Hồng Hà (ảnh: P.L)

Với sự giới thiệu, đồng ý của một cán bộ Ủy ban nhân dân phường Bình Trị Đông, phóng viên đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Thành Trung – chủ cơ sở Hồng Hà.

Ông Trung cho biết, trụ sở chính của Hồng Hà và chi nhánh đều có giấy phép tổ chức dạy thêm do Ủy ban nhân dân quận Bình Tân cấp (quyết định số 71 và 2453).

Ngoài ra, Hồng Hà còn được Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp 2 thành viên trở lên, và chi nhánh từ hồi tháng 2 và tháng 4 vừa qua.

Còn việc tổ chức giữ học sinh bán trú (ăn trưa tại cơ sở, cơ sở tự nấu tại chỗ) là một nhu cầu cấp thiết, có thật của phụ huynh ở tại địa phương.

Thế nhưng, cho tới nay, Hồng Hà hoàn toàn không có giấy phép tổ chức bán trú vệ tinh này, do địa phương chưa có cơ chế cấp phép cho loại hình này.

Đối với việc có dạy thêm cho tiểu học, ông Trung xin phép không trả lời câu hỏi này của phóng viên.

Về số lượng học sinh của cơ sở này, ông Trung nói rằng có khoảng hơn 10 học sinh tiểu học, khoảng 25 em học sinh cấp trung học cơ sở và có khoảng 12 em bán trú, 10 em đang rèn chữ chuẩn bị vào lớp 1.

Trước đó, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam cũng đã từng phản ánh, một giáo viên cấp trung học cơ sở dạy thêm trên đường Trương Phước Phan, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, dù có phép do quận cấp, nhưng thầy giáo này cũng có dạy thêm cho học sinh chính khóa trong trường.

Ngoài 2 trường hợp này, người dân vẫn đang tiếp tục phản ánh về Báo điện tử Giáo dục Việt Nam nhiều trường hợp vi phạm quy định về dạy thêm học thêm khác tại quận Bình Tân, dù rằng họ đều có giấy phép do quận cấp.

Nhằm thực hiện đúng các quy định của pháp luật về dạy thêm học thêm, đề nghị Ủy ban nhân dân quận Bình Tân cần siết chặt hơn nữa công tác cấp giấy phép, nâng cao và duy trì nhiều hơn nữa công tác hậu kiểm tra sau cấp phép, đảm bảo tất cả các giáo viên, cơ sở đều thực hiện đúng theo những gì giấy phép quy định.

Phương Linh