Ngày 30 tháng 7 năm 2014, tàu kiểm ngư KN 782 Type KN2000 được bàn giao cho Cục kiểm ngư Việt Nam |
Trước việc Cục kiểm ngư Việt Nam liên tiếp biên chế các tàu kiểm ngư mới Type KN2000, tăng cường khả năng thực thi pháp luật trên biển, bảo vệ chủ quyền, các phương tiện truyền thông Trung Quốc trong 2 ngày qua đã có một loạt bài viết về vấn đề này.
Theo thông tin các phương tiện truyền thông chính thống của Trung Quốc, vào ngày 30 tháng 7, tại tỉnh Quảng Ninh, tàu kiểm ngư Type KN2000 thứ hai do Công ty đóng tàu Hạ Long, Việt Nam chế tạo, đã bàn giao cho Cục kiểm ngư sử dụng. Đây là tàu kiểm ngư thứ hai bàn giao cho Cục kiểm ngư trong vòng 1 tháng của công ty này, nhằm nâng cao khả năng và hiệu suất chấp pháp trên biển.
Dẫn báo chí Việt Nam, báo Trung Quốc viết, Công ty đóng tàu Hạ Long ngày 30 tháng 6 đã bàn giao tàu kiểm ngư Type KN2000 đầu tiên mang số hiệu KN781 cho Cục kiểm ngư.
Chiếc tàu kiểm ngư bàn giao lần này có số hiệu là KN782, được Công ty đóng tàu Hạ Long bắt đầu chế tạo theo thiết kế và công nghệ của Tập đoàn đóng tàu Damen Hà Lan từ ngày 20 tháng 10 năm 2012. Hai tàu kiểm ngư KN781 và KN782 là tàu kiểm ngư tiên tiến nhất của Việt Nam và ASEAN hiện nay.
Nguồn tin trên báo Trung Quốc cho biết, tàu kiểm ngư KN782 dài 90,5 m, rộng 14 m, chiều cao mạn 7 m, độ cao mớn nước thiết kế 3,75 m, độ cao mớn nước lớn nhất 4 m, lượng giãn nước trên 2.400 tấn, tải trọng 500 tấn, tàu này có khả năng chạy trong điều kiện sóng gió cấp 3, 4 máy chính chạy đầy đủ sẽ có tốc độ cao nhất là 21 hải lý/giờ, trong điều kiện bình thường có thể hoạt động liên tục 5.000 hải lý.
Lễ bàn giao tàu kiểm ngư KN 782 cho Cục kiểm ngư Việt Nam ngày 30 tháng 7 năm 2014 |
Ngoài ra, đuôi tàu có sàn cất hạ cánh máy bay trực thăng và nhà chứa máy bay; tàu được trang bị các thiết bị như tìm kiếm cứu nạn và vòi rồng cao áp tầm phun 150 m; tàu còn có thiết bị y tế hoàn thiện; đầu tàu thiết kế sừng nhọn nhỏ, đã tăng cường độ dày vỏ thép, có khả năng chống đỡ tốt hơn.
Được biết, tàu kiểm ngư KN782 có nhiều tính năng ưu việt, tiên tiến, có lợi cho các nhiệm vụ như chấp pháp và tìm kiếm cứu nạn trên biển của Việt Nam, có thể thực hiện nhiệm vụ chấp pháp trong tình hình biển xấu.
Trước đó, trong thời điểm Trung Quốc hạ đặt phi pháp giàn khoan 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, bị Việt Nam kiên quyết đấu tranh, báo chí Trung Quốc cũng để ý tới lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam, cố tỏ ra lo ngại Việt Nam trong những năm gần đây đã đầu tư vốn lớn, xây dựng được một đội tàu chấp pháp cảnh sát biển có quy mô, đặc biệt là những tàu này phổ biến trang bị các vũ khí như pháo hoặc súng máy cỡ nòng lớn.
Theo báo chí Trung Quốc, tàu cảnh sát biển lớn nhất của Việt Nam hiện nay là tàu CSB 8001, lượng giãn nước đạt 2.100 tấn, thuộc tàu tuần tra đa năng Type DN2000 do Công ty Hà Lan thiết kế, được thiết kế tàng hình, trang bị 2 pháo 30 mm, 2 súng máy 14,5 mm và 4 vòi rồng. Việt Nam còn đặt mua tàu CSB 8002 cùng loại khác.
Ngoài ra, Cảnh sát biển Việt Nam còn mua nhiều tàu thực thi pháp luật lớp nghìn tấn của các nước như Hà Lan, hiện đã cơ bản đến hạn và đều phổ biến trang bị vòi rồng.
Sàn tàu đỗ trực thăng của tàu kiểm ngư KN 782 Việt Nam |
Cùng với việc mua tàu mới, Cảnh sát biển Việt Nam còn nhận gần 40 tàu tuần tra lớp 100-400 tấn từ Hải quân Việt Nam. Những tàu tuần tra này phần lớn được cải tạo từ tàu pháo quân dụng Nga, trang bị súng máy 12,7 mm hoặc 14,5 mm. Ngoài ra, Việt Nam còn có 3 máy bay tuần tra C-212 mua từ Tây Ban Nha.
Ba Lan cũng cung cấp giúp đỡ to lớn cho xây dựng Cảnh sát biển Việt Nam. Cảnh sát biển Việt Nam sẽ nhận được 10 máy bay tuần tra M28 do Ba Lan sản xuất
Nhật Bản cung cấp 6 tàu tuần tra cho Việt Nam
Tờ “Tin tức Trung Quốc” ngày 31 tháng 7 dẫn hãng Kyodo Nhật Bản cho biết, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida tiến hành chuyến thăm Việt Nam 3 ngày, bắt đầu từ ngày 31 tháng 7 năm 2014.
Ông Kishida sẽ xác nhận tăng cường hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực an ninh biển, đồng thời hy vọng được Việt Nam ủng hộ trong điều chỉnh chính sách bảo đảm an ninh như dỡ bỏ lệnh cấm quyền tự vệ tập thể.
Theo bài báo, chuyến thăm này còn tranh thủ tiếp tục tăng cường quan hệ song phương Nhật-Việt trên các lĩnh vực rộng rãi như kinh tế, năng lượng hạt nhân và môi trường.
Ngày 1 tháng 8 năm 2014, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida |
Bài báo cho rằng, quan chức cấp hai nước thăm nhau thường xuyên, ngoài chuyến thăm Việt Nam vào tháng 1 năm 2013 của Thủ tướng Nhật Bản, Shinzo Abe, tháng 3 năm 2014 Nhật Bản cũng mời Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang tiến hành thăm cấp nhà nước tới Nhật Bản. Trong chuyến thăm lần này, ông Fumio Kishida sẽ hội đàm với Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh.
Theo Tân Hoa xã, ngày 1 tháng 8, Nhật Bản và Việt Nam đã đạt được thỏa thuận, Nhật Bản sẽ cung cấp 6 tàu tuần tra cũ và trang bị bảo đảm an ninh trên biển cho Việt Nam, tổng trị giá khoảng 500 triệu yên (khoảng 4,86 triệu USD).
Còn tờ “Tin tức Trung Quốc” dẫn nguồn tin từ Chính phủ Nhật Bản cho biết, trong đó 2 tàu là tàu giám sát nghề cá của ngành thủy sản, 4 chiếc còn lại là tàu cá dân sự, đều là tàu đã qua sử dụng, lượng giãn nước từ 600-800 tấn.
Theo bài viết, sáng ngày 1 tháng 8, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đã hội đàm với Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida, sau cuộc hội đàm hai bên cùng chủ trì hội nghị ủy ban hợp tác Việt-Nhật lần thứ sáu và ký kết một loạt thỏa thuận.
Ngày 1 tháng 8 năm 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida |
Hãng Kyodo dẫn lời quan chức Nhật Bản cho biết, tàu tuần tra Nhật Bản tặng sẽ bàn giao cho Việt Nam trước cuối năm 2014. Bộ trưởng Phạm Bình Minh cảm ơn Chính phủ Nhật Bản ủng hộ Việt Nam bảo đảm an ninh hàng hải, cho biết: “Hai bên đã đồng ý tiếp tục tăng cường thăm cấp cao, đồng thời đạt được ý kiến nhất trí về tổ chức Đối thoại chiến lược cấp Thứ trưởng vào mùa thu năm 2014”.
Ông Fumio Kishida cho rằng, hai nước Nhật-Việt cần tăng cường hợp tác trên các phương diện như nông nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực và Hiệp định quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương.
Theo tờ “Tin tức Trung Quốc” ngày 1 tháng 8, Ngoại trưởng Fumio Kishida đã tiến hành giải thích về việc xem xét lại chính sách bảo đảm an ninh của chính quyền Shinzo Abe, trong đó có dỡ bỏ lệnh cấm quyền tự vệ tập thể. Bộ trưởng Phạm Bình Minh đã bày tỏ hoan nghênh đối với vấn đề này.
Theo Tân Hoa xã, trong chuyến thăm, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida còn hội kiến với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.
Ngày 1 tháng 8 năm 2014, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Fumio Kishida |
Báo Trung Quốc cho rằng, Chính phủ Shinzo Abe muốn thông qua chuyến thăm của Ngoại trưởng Fumio Kishida để đẩy nhanh hợp tác giữa hai nước.
Dẫn báo Nhật Bản, báo Trung Quốc cho rằng, chuyến thăm Việt Nam lần này của Ngoại trưởng Nhật Bản diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc vừa hạ đặt phi pháp giàn khoan 981 tại vùng biển chủ quyền của Việt Nam, nên “sự đối lập giữa hai nước (Việt-Trung) trầm trọng thêm”.
Nhật Bản ủng hộ Việt Nam thông qua đối thoại giải quyết vấn đề, đồng thời cũng hy vọng Việt Nam xác nhận tầm quan trọng của duy trì trật tự hàng hải theo luật pháp.
Đối với chuyến thăm này, truyền thông Trung Quốc, Hồng Kông đều tập trung để ý đến hợp tác Việt-Nhật về bảo đảm an ninh trên biển, phản ánh mối lo ngại của Trung Quốc trước hành động hợp tác thực chất của các nước láng giềng có thể ngăn cản tham vọng bành trướng lãnh thổ của họ. Báo chí Trung Quốc coi trọng điểm chuyến thăm chính là Nhật Bản cung cấp tàu tuần tra cho Việt Nam.
Ngoài việc việc tập trung nhòm ngó vào việc Việt-Nhật tăng cường hợp tác an ninh hàng hải, Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam “tăng cường khả năng phòng thủ trên biển”, mạng “Quan sát” Trung Quốc ngày 1 tháng 8 còn dẫn các nguồn tin xác nhận quan hệ Việt-Nhật đã có rất nhiều thành quả, chuyến thăm này sẽ “tiếp tục tăng cường quan hệ đối tác chiến lược chặt chẽ và sâu rộng của hai nước”.
Giàn khoan 981 Trung Quốc |
Theo bài báo, trong quan hệ song phương Việt-Nhật, điểm sáng lớn nhất là hợp tác kinh tế. Năm 2013, trong 54 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, Nhật Bản đứng đầu trong danh sách với mức tăng gần 5,8 tỷ USD; trong bảng xếp hạng kim ngạch thương mại song phương, Nhật Bản đứng thứ tư với trên 24 tỷ USD.
Từ năm 1992 đến năm 2013, Nhật Bản đã cung cấp 21 tỷ USD viện trợ ODA cho Việt Nam, là quốc gia viện trợ ODA nhiều nhất cho Việt Nam.