Thời gian gần đây, các vụ bạo lực học đường xảy ra ngày càng nhiều, vụ này chưa xong, lại tiếp tục có vụ khác, nhiều phụ huynh tỏ ra hoang mang, lo lắng.
Chuyện không chỉ dừng lại ở cái tát, nắm đấm nữa, mà các em học sinh đánh nhau theo nhóm, người thì đánh, người thì dùng điện thoại để quay Video, rồi tung lên mạng xã hội.
Qua nghiên cứu về bạo lực và bắt nạt học đường nói chung thì phần lớn các em có hành vi này đều sống trong gia đình ít nhiều có bạo lực.Ảnh: vov.vn. |
Trao đổi vấn đề này với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Hằng -Trưởng bộ môn Tâm lý học lâm sàng- khoa Tâm lý học (Trường Đại học Khoa học và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội), chia sẻ: “Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc bạo lực học đường, nhưng thứ nhất là về gia đình, qua nghiên cứu về bạo lực và bắt nạt học đường nói chung thì một phần lớn các em có hành vi bắt nạt đều sống trong gia đình ít nhiều có bạo lực.
Bạo lực có thể hiểu là hành hạ thể xác, làm tổn thương đến tinh thần bằng lời nói, ví dụ: Trong cuộc sống hàng ngày bố mẹ có mâu thuẫn đánh cãi nhau, rồi thì bố mẹ hay đánh con, quát mắng, độc quyền, không quan tâm đến cảm xúc lắng nghe ý kiến của con của con mà chỉ là áp đặt, mệnh lệnh rằng con phải thế này...
Thứ hai: Thông thường bố hoặc mẹ cũng là nạn nhân của bạo lực trước kia, cái ức chế của bố mẹ cứ dồn nén dần dần, vậy nên khi dạy con cũng sẽ dạy theo kiểu trước kia mình cũng từng bị.
Bố mẹ không tìm hiểu kiến thức xem phải dạy con như thế nào, nuôi một đứa trẻ, một con người mà lại không hề tìm hiểu cặn kẽ thì chắc chắn sẽ phạm sai lầm”.
Bố mẹ thường cho mình có quyền áp đặt, nhưng quyền đó sẽ làm méo mó tâm lý của con trẻ. Bố mẹ nào mà chả yêu thương con, nhưng thực tế yêu thương chưa đủ, yêu thương phải đi kèm với hiểu biết.
“Hàng ngày, con em mình cứ đều đều ngoan ngoãn, học giỏi, điểm tốt thì không có một lời khen nào, nhưng chỉ một lần thôi, con được điểm kém thì bố mẹ cứ chì chiết mãi, việc đó sẽ càng làm cho đứa trẻ bị bất mãn. Trong khi là phải tập chung, nâng cái tích cực đó lên với mục đích giúp cho hành vi tích cực của trẻ được củng cố.
Bố mẹ hay ra lệnh trừng phạt trẻ, nhưng trừng phạt phải phù hợp với từng độ tuổi, bố mẹ nên trao đổi về mức phạt và phải được đứa trẻ thống nhất, có nghĩa là đứa trẻ sẽ thoải mái chấp nhận hình phạt, thì lúc đó hình phạt mới có hiệu quả”, Phó giáo sư Hằng chia sẻ.
Bố mẹ bị sang chấn tổn thương thời thơ ấu, sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến việc gắn bó với con cái, không tạo cho đứa trẻ cái gần gũi. Trong khi để một đứa trẻ sống thoải mái với cái bên trong của nó, thì nó phải học được cái gắn bó an toàn từ chính gia đình mình.
Với nhu cầu thích khẳng định bản thân, vì không thể khẳng định bằng những mặt tích cực như học tập, thể thao…thì các em sẽ thể hiện bằng cách tiêu cực, hay bắt nạt những bạn yếu hơn.Ảnh: vov.vn. |
Phó giáo sư Nguyễn Thị Minh Hằng chia sẻ thêm: “Thứ ba, đứa trẻ sẵn sàng chia sẻ với bố mẹ mọi chuyện mà nó không sợ bị mắng, bị đánh, bị diễu cợt…Trẻ phải thấy được sự an toàn, khi chia sẻ bất kỳ điều gì với bố mẹ, kể cả việc trẻ phạm lỗi.
Đứa trẻ làm đổ vỡ, làm hỏng…Ngay lập tức bố mẹ đã mắng té tát, như vậy đứa trẻ sẽ co cụm lại, không chia sẻ. Bố mẹ nên nhẹ nhàng hỏi xem hôm nay con có chuyện gì ở lớp…Con có tâm sự gì không, như vậy trẻ sẽ chia sẻ chuyện mà nó đang bức bí trong lòng, trẻ nhận thấy nó được thấu hiểu”.
Khi đứa trẻ được thấu hiểu, thì nó có sức mạnh làm được tất cả mọi thứ, đứa trẻ lúc đó không cần phải thể hiện quyền lực với những những người khác ở bên ngoài.
“Thứ tư, theo chúng tôi nghiên cứu, những trẻ có hành vi bạo lực, bắt nạt bạn, thì đều là những đứa trẻ đã trải qua tổn thương, sang chấn tâm lý như: Gia đình li tán, bố mẹ li hôn, một quãng thời gian dài chứng kiến nhiều cãi vã, xung đột của bố mẹ.
Sau đó, bố mẹ có gia đình mới, nhưng cả bố và mẹ đều không ai nói gì với trẻ, cảm giác nó như là người thừa trong gia đình, không được thông báo, cũng chẳng được bàn luận gì đến vấn đề đó”, bà Hằng nói.
Đặc điểm lứa tuổi
Theo Phó giáo sư Nguyễn Thị Minh Hằng: “Nhiều nghiên cứu chỉ ra, lứa tuổi có hành vi bạo lực nhiều nhất là Trung học cơ sở và trung học phổ thông, ở lứa tuổi đó thì nhu cầu kết bạn của các em rất là lớn, thậm chí là coi bạn hơn bố mẹ.
Với nhu cầu thích khẳng định bản thân, vì không thể khẳng định bằng những mặt tích cực như học tập, thể thao…thì các em sẽ thể hiện bằng cách tiêu cực, hay bắt nạt những bạn yếu hơn.
Các em có sự thay đổi tính tình thất thường, do trưởng thành và hệ thần kinh hoạt động rất mạnh mẽ, trong khi năng lực tâm lý lại không theo kịp, dẫn đến nhiều khi hành vi đi kèm với cảm xúc tiêu cực mà nó nảy sinh ngay tại thời điểm đó.
Đặc điểm lứa tuổi này thì lòng tự trọng rất cao, nên sẵn sàng phản ứng lại một cái cớ gì đó rất nhỏ, rất nhạy cảm với những phản ứng của người xung quanh”.
Những em hay bắt nạt bạn, thường có chỗ dựa về bạn bè, thường có thể hình vượt trội với bạn bị bắt nạt, các em thường chọn nạn nhân yếu thế, ít bạn, nhút nhát…
“Một điểm nữa cũng làm gia tăng hành vi bắt nạt, đó là ứng xử của một số giáo viên chưa phù hợp, khi phát hiện ra học sinh có hành vi bạo lực đối với bạn, giáo viên chưa tìm hiểu kĩ nguyên nhân vì đâu?
Nếu giáo viên tiếp cận, chia sẻ, tìm hiểu học sinh đó có bức xúc, tâm tư gì mà dẫn đến sự việc bạo lực…Như vậy cũng sẽ giảm bớt rất nhiều hành vi bạo lực của các em, thay vì khiển trách, hoặc gọi thẳng cho gia đình.
Có trường hợp, một số giáo viên muốn đẩy trách nhiệm xử lý vấn đề này cho một bên khác, việc đó làm cho các em bị kỷ luật… Đó cũng là một phần nguyên nhân đẩy các em vào hành vi bạo lực học đường, trong khi lứa tuổi này rất cần sự dẫn dắt để đi đúng hướng”, Phó giáo sư Hằng nhấn mạnh.
Một quãng thời gian dài chứng kiến nhiều cãi vã, xung đột của bố mẹ dẫn đến việc trẻ bị tổn thương, sang chấn tâm lý. Ảnh: vov.vn. |
Không ngăn đánh nhau, mà lại cổ vũ?
“Trong nhiều trường hợp, nếu các em không có kỹ năng, chưa được hướng dẫn tiếp cận phù hợp, để can ngăn những vụ bạo lực như vậy, thì rất có thể, chính các em sẽ bị lôi kéo vào, hoặc có thể phải chịu hậu quả của bạo lực. Mấu chốt ở chỗ, kĩ năng này nhà trường không dạy, mà trong gia đình lại càng không.
Nhóm khác lại tỏ ra thích thú, có thể những em đó thấy đây là sự việc rất lạ, ở lứa tuổi này, cái không bình thường lại rất kích thích, thu hút các em”, Phó giáo sư Nguyễn Thị Minh Hằng nói.
Xã hội hiện nay, mọi người lúc nào cũng áp lực, công việc, giao thông căng thẳng…Họ bị dồn nén, đem những căng thẳng đó về nhà và vô tình truyền sang người khác, trong đó có những đứa con.
Phó giáo sư Nguyễn Thị Minh Hằng nêu quan điểm: “Nhìn những đứa trẻ ngồi sau xe máy của bố mẹ, vừa đói vừa mệt, thậm chí ngủ gật, tay cầm bánh mỳ, ăn vội để đến lớp học thêm, thì tôi nghĩ những đứa trẻ sống như vậy, thì liệu nó có bình tĩnh được không?
Khi đứa trẻ đó gặp xung đột, liệu nó có thời gian để nghĩ hay không? Và nó cũng không có thói quen nghĩ, bởi cuộc sống xung quanh nó quá là náo nhiệt, theo tôi nghĩ đó cũng là vấn nạn”.
Giải pháp
Theo Phó giáo sư Nguyễn Thị Minh Hằng: “Bố mẹ nên học một lớp tiền hôn nhân, biết cách ứng xử với nhau để xây dựng gia đình hạnh phúc, học về nuôi dạy con cái, đây là những kiến thức cơ bản cho cuộc sống sau này.
Cha mẹ luôn luôn thấu hiểu cảm xúc của con, bởi vì những hành vi bạo lực, hay bất cứ hành vi chống đối luật pháp nào khác, nó đều ảnh hưởng đến hành vi cảm xúc ở bên trong của trẻ.
Nếu gia đình có xảy ra biến cố, nên nói cho con biết, thậm chí hỏi ý kiến con, con có quyền được hỏi và đưa ra ý kiến. Bố mẹ phải hướng dẫn con thiết lập mối quan hệ, biết ứng xử với các chuyện xung đột trong mối quan hệ.
Nhưng cách dạy con tốt nhất vẫn là tấm gương ứng xử của bố mẹ, dạy con thế nào thì bố mẹ phải ứng xử như vậy, trẻ có thể học bằng ý thức, nhưng có thể nó học bằng vô thức là cái bắt chước bố mẹ”.