Tờ Tầm nhìn của Nga ngày 13/7 đưa tin, cuộc đụng độ giữa các thành viên Right Sector và cảnh sát địa phương ở thị trấn Transcarpathian khu vực Mukachevo hai ngày trước đó có thể bắt nguồn từ việc tranh giành thị phần buôn lậu thuốc lá giữa các nhóm.
Xe cảnh sát bị phá hủy sau cuộc đụng độ với các tay súng Right Sector. |
Sau cuộc đụng độ, Thủ tướng Ukraine Arseny Yatsenyuk đã lên tiếng đòi sa thải toàn bộ các nhân viên và lãnh đạo hải quan vùng Transcarpathian. Bộ trưởng Nội vụ Ukraine đã ra lệnh mở điều tra các hoạt động buôn lậu và lạm dụng quyền lực tại Transcarpathian.
Các nhân chứng người địa phương cũng cho biết, vấn đề buôn lậu thuốc lá cũng đã được thảo luận giữa khoảng 20 tay súng Right Sector với đại diện của nghị sĩ Mikhail Lanyo, một chủ doanh nghiệp địa phương trong một quán cà phê trước thời điểm xảy ra vụ đấu súng hạng nặng với cảnh sát.
Theo tờ báo Nga, buôn lậu thuốc lá tại Ukraine đem lại lợi nhuận rất lớn, lớn hơn cả buôn bán ma túy. Do đó, nó là mục tiêu buôn lậu đến Đức, Ba Lan và Ý của rất nhiều băng nhóm.
Một xe chở thuốc lá từ Transcarpathian sang Ý có thể đem lại lợi nhuận lên tới 470.000 euro sau khi đã trừ các chi phí hải quan, hối lộ, vận chuyển.
Theo một tuyên bố trên Facebook cá nhân của Nghị sĩ Mutafa Nye thuộc Khối Poroshenko, mỗi tuần có khoảng 3-5 chiếc xe tải chở thuốc lá như vậy đi qua cửa khẩu Transcarpathian. Điều này đồng nghĩa với việc những kẻ buôn lậu có thu nhập ròng lên tới 2,5 triệu euro/tuần và 10 triệu euro/tháng, một nguồn thu khổng lồ đối với những người dân sống ở biên giới trong một quốc gia đang có nội chiến.
Buôn lậu thuốc lá đem lại lợi nhuận cao hơn cả ma túy cho các băng nhóm buôn lậu tại Mukachevo. |
Chính phủ Ukraine đã nhận thức rõ về nạn buôn lậu tại Transcarpathian, nhưng do nạn tham nhũng tràn lan kéo dài nhiều năm nên chưa thể thay đổi được tình hình. Hơn nữa, các vụ tranh giành quyền lực giữa các nhóm buôn lậu cũng không phải là chưa từng có, Alexander Okhrimenko, người đứng đầu Trung tâm Phân tích Ukraine cho biết.
Theo Interpol năm 2013, 700 tỷ điếu thuốc lá được buôn lậu trên toàn thế giới mỗi năm và đem lại lợi nhuận khoảng 50 tỉ USD. Buôn lậu thuốc lá đang trở thành loại hình kinh doanh có nhiều lợi nhuận hơn cả buôn lậu ma túy,
Tại châu Âu, thuốc lá là mặt hàng tiêu thụ đặc biệt và bị đánh thuế rất cao, nhưng sức tiêu thụ vẫn rất lớn, đặc biệt là ở khu vực Đông Âu.
Tuy nhiên, Trung Quốc mới là quốc gia cung cấp chủ yếu thuốc lá lậu trên toàn cầu. Theo Intepol, Bắc Kinh hàng năm cung cấp khoảng 600 tỉ điếu thuốc lá lậu trên toàn cầu, một nửa số này được đưa vào thị trường Nga. Ukraine đứng thứ ba sau Trung Quốc và Paraguay trong bảng xếp hạng các nước buôn lậu thuốc lá hàng đầu thế giới năm 2008.
Buôn lậu thuốc lá đem lại lợi nhuận khổng lồ ở Ukraine, có thể lên tới 10 triệu USD/tháng. |
Không có dữ liệu chính xác và chính thức về tình hình buôn lậu thuốc lá tại Ukraine. Tuy nhiên có thể hình dung về nó thông qua các thống kê sản xuất, nhập khẩu và tiêu thụ thuốc lá tại quốc gia này.
Theo số liệu năm 2008 do Konstantin Krasovsky - người đứng đầu cơ quan kiểm soát thuốc lá thuộc viện Nghiên cứu Chiến lược tại Viện Y tế Ukraine - cung cấp, Ukraine sản xuất 130 tỷ điếu thuốc lá mỗi năm, nhập khẩu khoảng 4 tỷ điếu và xuất khẩu chính thức 10 tỷ điếu. Trong khi đó, thị trường Ukraine tiêu thụ khoang 85 tỷ điếu mỗi năm. Số còn lại được buôn lậu ra nước ngoài khi còn chưa được dán tem thuế.
Một lý do khiến thuốc lá tại Ukraine trở thành mục tiêu buôn lậu lớn là do mức thuế tiêu thụ đặc biệt của nó ở quốc gia này thấp hơn so với các nước EU.
Tuy nhiên, trong năm 2014, chính phủ Ukraine đã quyết định tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá trung bình lên tới 40%. Động thái này đã làm giảm nhu cầu trong nước, nhưng lại làm tăng cường hoạt động buôn lậu, trốn thuế.
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, cuộc cạnh tranh của các đầu lậu thuốc lá cũng trở nên gay gắt hơn và tinh vi hơn. Trong tháng 3 năm nay, cảnh sát Lviv đã bắt giữ những kẻ buôn lậu vận chuyển 8.000 gói thuốc lá không dán tem tiêu thụ đặc biệt đến Ba Lan bằng tàu lượn trong đêm./.