Báo Nga: Ukraine đang trở thành một Zimbabwe của châu Âu

04/03/2015 13:10
Nguyễn Hường
(GDVN) - Quá trình sụp đổ của nền kinh tế Ukraine đang tăng tốc như một trận tuyết lở trên núi và đang trượt vào một cuộc siêu lạm phát như từng xảy ra ở Zimbabwe.

Tờ báo Nga Sputnik hôm 3/3 đưa tin cho rằng quá trình sụp đổ của nền kinh tế Ukraine đang tăng tốc như một trận tuyết lở trên núi và đang trượt vào một cuộc siêu lạm phát như từng xảy ra ở Zimbabwe.

Sputnik dẫn một nghiên cứu gần đây của Viện Cato đăng trên Washington Post cho biết, nếu sử dụng công thức tính toán lạm phát như ở Zimbabwe thì tỷ lệ lạm phát ở Ukraine hiện ở mức 272% chứ không phải 28,5% như được công bố chính thức.

Một cửa hàng ở Ukraine không còn đủ hàng hóa cung cấp cho người tiêu dùng.
Một cửa hàng ở Ukraine không còn đủ hàng hóa cung cấp cho người tiêu dùng.

Sputnik cũng so sánh các động lực kinh tế ở Ukraine với quá trình đã diễn ra trước đó ở Zimbabwe, nơi năm 2008 siêu lạm phát ở mức 231 %.

Theo Sputnik, một trong những lý do khiến nền kinh tế Ukraine trượt dốc nhanh hơn là những hành động của chính phủ trong thực tế không nhằm vào cải cách và phân phối lại tài sản trong nước một cách công bằng.

Hôm 3/3, Ngân hàng Quốc gia Ukraine tuyên bố quyết định tăng lãi suất ngân hàng lên mức 30%. Động thái này diễn ra sau sự sụp đổ của ngân hàng lớn thứ tư của Ukraine, Delta Bank, và cũng là ngân hàng thứ 40 trong số 200 ngân hàng của Ukraine bị phá sản trong vòng một năm qua.

Động thái này kết hợp với quyết định được công bố hôm 2/3 rằng chủ sở hữu phải chịu trách nhiệm về sự phá sản của các ngân hàng sẽ cho phép chính phủ tái cơ cấu lại các ngân hàng và tịch thu tài sản của chủ sở hữu ngân hàng để trả nợ.
 
Tuy nhiên, quá trình phân phối lại tài sản ở Ukraine được cho là không công bằng. "Sự khác biệt duy nhất giữa Ukraine và Zimbabwe là Zimbabwe cố gắng để phân phối lại đất đai từ ​​người nghèo cho người giàu, thì Ukraine cố gắng phân phối tài sản trong những người giàu", Sputnik kết luận.

Ngay khi Delta Bank tuyên bố phá sản thì Privatbank thuộc sở hữu của nhà tài phiệt Ihor Kolomoysky và là ngân hàng lớn nhất tại Ukraine nhận được khoản vay trị giá 700 tỷ hryvnia, tương đương với 28,9 tỷ USD, trong hai năm.

Hàng hóa trở nên khan hiếm và đắt đỏ khi đồng hryvnia sụp đổ, hàng nhập khẩu giá cao còn hàng trong nước giá rẻ lại khan hiếm vì dành cho xuất khẩu.
Hàng hóa trở nên khan hiếm và đắt đỏ khi đồng hryvnia sụp đổ, hàng nhập khẩu giá cao còn hàng trong nước giá rẻ lại khan hiếm vì dành cho xuất khẩu.

Đây là khoản vay giải cứu thứ hai trong vòng 2 ngày mà Privatbank nhận được. Đây cũng là ngân hàng nhận được viện trợ chính phủ nhiều nhất tại Ukraine trong năm 2014.

Một động thái nữa có thể đẩy nền kinh tế Ukraine tới siêu lạm phát là Ngân hàng Quốc gia Ukraine thông báo kế hoạch ổn định cung tiền bằng cách hấp thụ dư thừa thanh khoản của các ngân hàng, tăng các khoản vay cho các quỹ bảo hiểm tiền gửi.

Điều này có nghĩa là các ngân hàng quốc gia sẽ in thêm tiền mỗi khi có một ngân hàng sụp đổ để lấy tiền trả cho những người gửi tiền và cho các ngân hàng còn lại có tiền để trả lãi suất 30% cho khách hàng của họ. Tuy nhiên, biện pháp này sẽ đi kèm với rủi ro là sẽ khiến nhiều ngân hàng sụp đổ hơn.

Ngoài ra, các biện pháp cắt giảm lương, thắt chặt chi tiêu công đã dẫn tới hệ quả là chi tiêu tiêu dùng giảm đáng kể.

Bên cạnh đó, chính phủ Ukraine trước đó đã khuyến khích sản xuất nông nghiệp và xuất khẩu để cải thiện cán cân thương mại trong nước, nhưng cũng không thể ngăn được tình trạng giá lương thực tăng 90% trong năm 2014 và thực phẩm trở nên khan hiếm.

Kết hợp với sự sụp đổ của đồng hryvnia trong tháng Hai khiến giá thực phẩm nhập khẩu tăng cao, khách hàng đổ xô tới các cửa hàng để mua thực phẩm trong nước sản xuất giá rẻ, mà vẫn bị thiếu hụt do khối lượng dành cho xuất khẩu cao. Kết quả là, theo các báo cáo truyền hình Ukraine, giá tại các cửa hàng tăng gấp đôi chỉ trong một đêm./.

Nguyễn Hường