Về bản án sơ thẩm thiếu khách quan của Tòa án nhân dân quận Hoàn Kiếm

01/10/2020 06:50
Ban Biên tập
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Phán quyết sơ thẩm này thiếu khách quan, không đúng quy định của pháp luật và có dấu hiệu bỏ lọt nhiều chứng cứ quan trọng, chúng tôi sẽ tiếp tục kháng cáo.

Ngày 28/9/2020, Tòa án nhân dân quận Hoàn Kiếm đưa ra xét xử vụ kiện dân sự sơ thẩm giữa Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) kiện 5 bài báo của Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, nay là Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thể hiện sản phẩm của họ cung cấp cho Chương trình Sữa học đường tại Hà Nội không đúng quy định của Thủ tướng, Bộ Y tế và hồ sơ mời thầu.

Tại phiên tòa, đại diện Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam khẳng định rõ, Tòa soạn hoàn toàn ủng hộ Chương trình Sữa học đường mà Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định 1340/QĐ-TTg ngày 8/7/2016 và thường xuyên góp ý, phân tích, phản biện cách làm của các địa phương để triển khai Chương trình Sữa học đường đúng quy định của pháp luật, thiết thực, hiệu quả.

Toàn cảnh phiên xét xử ngày 28/9/2020 tại Tòa án nhân dân quận Hoàn Kiếm, ảnh: Vũ Phương.

Toàn cảnh phiên xét xử ngày 28/9/2020 tại Tòa án nhân dân quận Hoàn Kiếm, ảnh: Vũ Phương.

Sau phản ánh của Tòa soạn, trẻ em trong độ tuổi thụ hưởng Chương trình Sữa học đường ở nhiều địa phương đã được uống sữa tươi thay vì sữa bột pha lại hoặc các sản phẩm khác không phải sữa tươi như quy định của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế, như Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa, Hà Nam...

Tại Hà Nội, qua tìm hiểu việc triển khai Chương trình Sữa học đường, Tòa soạn phát hiện sản phẩm cung cấp cho chương trình rất nhân văn, ý nghĩa và được Thủ đô quan tâm đặc biệt dành hơn 1.200 tỷ đồng ngân sách dự kiến để triển khai, không phải là SỮA TƯƠI theo QCVN 5-1:2010/BYT mà là THỰC PHẨM BỔ SUNG - một phân nhóm của THỰC PHẨM CHỨC NĂNG sau khi được pha thêm 17 vi chất dinh dưỡng không đúng quy định của pháp luật, khác với yêu cầu kỹ thuật của Hồ sơ mời thầu.

Tòa soạn đã có loạt bài phản ánh vấn đề này, đồng thời liên tục kiến nghị với Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội điều chỉnh sản phẩm cho đúng quy định của pháp luật, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế.

Bổ sung vi chất dinh dưỡng vào SỮA TƯƠI thành THỰC PHẨM CHỨC NĂNG phục vụ Chương trình Sữa học đường không đúng quy định

Cụ thể, Quyết định 1340/QĐ-TTg ngày 08/07/2016 của Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các đơn vị ban hành các quy định về sản phẩm SỮA TƯƠI phục vụ chương trình. Ngày 28/9/2016 Bộ Y tế ban hành Quyết định 5450/QĐ-BYT quy định các sản phẩm SỮA TƯƠI thuộc phạm vi điều chỉnh và đáp ứng các quy định của Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng QCVN 5-1:2010/BYT được sử dụng trong Chương trình Sữa học đường.

Có tất cả 4 loại SỮA TƯƠI (sữa tươi nguyên chất thanh trùng, sữa tươi thanh trùng, sữa tươi nguyên chất tiệt trùng, sữa tươi tiệt trùng) theo QCVN 5-1:2010/BYT và QCVN 5-1:2010/BYT không áp dụng đối với THỰC PHẨM CHỨC NĂNG.

Đề án thực hiện Chương trình Sữa học đường mà Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phê duyệt và ban hành kèm theo quyết định 4091/QĐ-UBND ngày 06/08/2018 đã quyết định chọn SỮA TƯƠI TIỆT TRÙNG theo QCVN 5-1:2010/BYT cho Chương trình Sữa học đường tại Thủ đô giai đoạn 2018-2020.

Ông Chử Xuân Dũng - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội trong một cuộc họp triển khai Chương trình Sữa học đường, ảnh chỉ có tính chất minh họa, nguồn: Báo Kinh tế và Đô thị.

Ông Chử Xuân Dũng - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội trong một cuộc họp triển khai Chương trình Sữa học đường, ảnh chỉ có tính chất minh họa, nguồn: Báo Kinh tế và Đô thị.

Việc bổ sung, tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm được pháp luật quy định rất cụ thể, chặt chẽ trong Luật An toàn thực phẩm (số 02/VBHN-VPQH ngày 29/6/2018) và các văn bản hướng dẫn, để đảm bảo:

"Đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật tương ứng" theo khoản 1 điều 10, và "nguyên liệu ban đầu tạo nên thực phẩm phải bảo đảm an toàn và giữ nguyên các thuộc tính vốn có của nó; các nguyên liệu tạo thành thực phẩm không được tương tác với nhau để tạo ra các sản phẩm gây hại đến sức khỏe, tính mạng con người", theo khoản 2 điều 13.

Bộ Y tế đã ban hành quy chuẩn kĩ thuật quốc gia về thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng QCVN 9-2: 2011/BYT theo Thông tư số 18/2011/TT-BYT ngày 30/05/2011, quy định các yêu cầu kĩ thuật và quản lý đối với việc bổ sung vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm. Tuy nhiên, QCVN 9-2: 2011/BYT không có quy định nào cho phép bổ sung vi chất dinh dưỡng vào SỮA TƯƠI, đảm bảo yêu cầu của khoản 2 điều 13 Luật An toàn thực phẩm. [1]

Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 09/2016/NĐ-CP quy định về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm, Nghị định 09/2016/NĐ-CP không có quy định nào cho phép tăng cường vi chất dinh dưỡng vào SỮA TƯƠI. [2]

Theo các văn bản quy phạm pháp luật này, cho đến nay Nhà nước mới chỉ cho phép bổ sung sắt vào nước mắm; sắt, kẽm, vitamin A, vitamin B12 và acid folic vào bột mỳ; vitamin A vào dầu ăn; vitamin A vào đường.

Đồng thời, Nhà nước bắt buộc tăng cường i-ốt vào muối ăn; bột mỳ dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm; dầu thực vật có chứa một trong các thành phần dầu đậu nành, dầu cọ, dầu hạt cải và dầu lạc phải tăng cường vitamin A, trừ dầu thực vật dùng trong chế biến thực phẩm theo phương pháp công nghiệp.

Nói cách khác, việc bổ sung vi chất dinh dưỡng vào SỮA TƯƠI chưa có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng, không đảm bảo yêu cầu an toàn thực phẩm quy định tại khoản 1 điều 10, khoản 2 điều 13, khoản 1 điều 26 Luật An toàn thực phẩm.

Theo công bố của nguyên đơn, sản phẩm cung cấp cho Chương trình Sữa học đường tại Hà Nội giai đoạn 2018-2020 là THỰC PHẨM BỔ SUNG, một phân nhóm của THỰC PHẨM CHỨC NĂNG theo Thông tư 43/2014/TT-BYT, ảnh minh họa.

Theo công bố của nguyên đơn, sản phẩm cung cấp cho Chương trình Sữa học đường tại Hà Nội giai đoạn 2018-2020 là THỰC PHẨM BỔ SUNG, một phân nhóm của THỰC PHẨM CHỨC NĂNG theo Thông tư 43/2014/TT-BYT, ảnh minh họa.

Sản phẩm cung cấp cho Chương trình Sữa học đường tại Hà Nội giai đoạn 2018-2020 không đúng quy định trong Hồ sơ mời thầu

Ngày 05/09/2018 Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội phát hành Hồ sơ mời thầu gói thầu số 01 mua sữa thuộc đề án thực hiện Chương trình Sữa học đường tại Hà Nội giai đoạn 2018-2020.

Ngày 21/09/2018, Sở Giáo dục và Đào tạo ban hành văn bản 3976/SGDĐT-KHTC sửa đổi Hồ sơ mời thầu, sửa đổi yêu cầu kỹ thuật chỉ tiêu chất lượng chủ yếu trong 100 ml sữa tươi tiệt trùng, yêu cầu bổ sung 3 vi chất (vitamin D, sắt và canxi) thay thế cho yêu cầu bổ sung 5 vi chất bắt buộc, khuyến nghị bổ sung 15 vi chất khác như ban đầu.

Tuy nhiên sản phẩm trúng thầu cung cấp cho Chương trình Sữa học đường tại Hà Nội giai đoạn 2018-2019 được bổ sung 17 vi chất dinh dưỡng, không đúng yêu cầu của hồ sơ mời thầu tại văn bản 3976/SGDĐT-KHTC ngày 21/09/2018.

Như vậy, Hồ sơ mời thầu gói thầu 01 của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội là "MUA SỮA", sản phẩm trúng thầu gói thầu này là "THỰC PHẨM BỔ SUNG" - một phân nhóm của THỰC PHẨM CHỨC NĂNG, là không đảm bảo quy định tại khoản 1 điều 35 Luật Đấu thầu:

"Tên gói thầu thể hiện tính chất, nội dung và phạm vi công việc của gói thầu, phù hợp với nội dung nêu trong dự án, dự toán mua sắm. Trường hợp gói thầu gồm nhiều phần riêng biệt, trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu cần nêu tên thể hiện nội dung cơ bản của từng phần."

Hơn nữa, Hồ sơ mời thầu của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội yêu cầu bổ sung 3 vi chất dinh dưỡng, sản phẩm trúng thầu bổ sung 17 vi chất dinh dưỡng là không đảm bảo yêu cầu theo quy định tại khoản 3, điều 65, Luật Đấu thầu:

"Hợp đồng được ký kết giữa các bên phải phù hợp với nội dung trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất, kết quả thương thảo hợp đồng, quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu."

Nhận định và phán quyết sơ thẩm thiếu khách quan của Tòa án nhân dân quận Hoàn Kiếm

Ngày 30/9/2020, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân quận Hoàn Kiếm tuyên án sơ thẩm. Tuy nhiên bản án có nhiều dấu hiệu cho thấy sự thiếu khách quan, minh bạch và không đúng quy định của pháp luật.

Thứ nhất, vấn đề THỰC PHẨM CHỨC NĂNG: Nguyên đơn thừa nhận sản phẩm cung cấp cho Chương trình Sữa học đường tại Hà Nội giai đoạn 2018-2020 là THỰC PHẨM BỔ SUNG (một phân nhóm của THỰC PHẨM CHỨC NĂNG theo Thông tư 43/2014/TT-BYT) và được ghi rõ trên nhãn sản phẩm.

Văn bản 3838/ATTP-KN ngày 26/11/2019 của Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế phúc đáp công văn số 779/CV-TA ngày 20/9/2019 của Tòa án nhân dân quận Hoàn Kiếm, cũng khẳng định rõ:

Căn cứ Khoản 23 Điều 2 Luật An toàn thực phẩm và hồ sơ tự công bố sản phẩm của công ty, các sản phẩm trên thuộc nhóm THỰC PHẨM BỔ SUNG (một phân nhóm của THỰC PHẨM CHỨC NĂNG).

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam phản ánh sản phẩm cung cấp cho Chương trình Sữa học đường tại Hà Nội giai đoạn 2018-2020 là THỰC PHẨM BỔ SUNG, một phân nhóm của THỰC PHẨM CHỨC NĂNG, bị nguyên đơn quy kết là "thông tin sai sự thật" và Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân quận Hoàn Kiếm lại đồng tình với quy kết này, là nhận định và phán quyết thiếu khách quan, không có cơ sở.

Thứ hai, vấn đề bổ sung 17 vi chất dinh dưỡng vào sữa tươi, ngoài các quy định của pháp luật như đã phân tích ở trên, văn bản 3838/ATTP-KN của Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế cũng đã trả lời Tòa án nhân dân quận Hoàn Kiếm rất rõ, rằng:

Quyết định số 5450/QĐ-BYT của Bộ Y tế chưa quy định cụ thể danh mục và hàm lượng vi chất dinh dưỡng bổ sung vào sản phẩm dùng cho chương trình Sữa học đường. Các sản phẩm cung cấp cho Chương trình Sữa học đường do địa phương lựa chọn thông qua đấu thầu căn cứ vào Quyết định 5450/QĐ-BYT và QCVN 5-1:2010/BYT và các quy định pháp luật có liên quan.

Tuy nhiên, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân quận Hoàn Kiếm nhận định Quyết định số 5450/QĐ-BYT đã cho phép bổ sung vi chất dinh dưỡng vào sản phẩm và bằng chứng là Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 31/2019/TT-BYT ngày 05/12/2019, là một nhận định và phán quyết thiếu khách quan, không có cơ sở pháp lý.

Hơn nữa, Thông tư 31/2019/TT-BYT ban hành ngày 05/12/2019 (có hiệu lực từ ngày 20/01/2020), sau khi Tòa án nhân dân quận Hoàn Kiếm thụ lý vụ kiện này gần 7 tháng và nội dung Thông tư 31/2019/TT-BYT không có bất kỳ điều khoản nào quy định việc "bổ sung" hay "tăng cường" vi chất dinh dưỡng vào SỮA TƯƠI, theo quy định của Luật An toàn thực phẩm và các văn bản hướng dẫn thi hành luật.

Do đó, việc Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân quận Hoàn Kiếm viện dẫn Thông tư 31/2019/TT-BYT, một văn bản chưa có hiệu lực pháp luật tại thời điểm thụ lý vụ kiện để đồng tình với nhận định của nguyên đơn là không đúng quy định của pháp luật.

Thứ ba, vấn đề sản phẩm cung cấp cho Chương trình Sữa học đường tại Hà Nội giai đoạn 2018-2020 không đúng quy định của Hồ sơ mời thầu.

Khi sao chụp hồ sơ tài liệu vụ án tại Tòa án nhân dân quận Hoàn Kiếm, Tòa soạn phát hiện hồ sơ vụ án không có hồ sơ mời thầu gói thầu 01 mua sữa do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội phát hành, trong khi đó Tòa án nhân dân quận Hoàn Kiếm lại có văn bản hỏi Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội về việc sản phẩm Vinamilk cung cấp cho chương trình Sữa học đường tại Hà Nội có đúng yêu cầu kỹ thuật quy định trong Hồ sơ mời thầu hay không.

Chúng tôi cho rằng việc sản phẩm cung cấp cho Chương trình Sữa học đường tại Hà Nội giai đoạn 2018-2020 có đúng yêu cầu kỹ thuật của Hồ sơ mời thầu hay không, chỉ cần đưa Hồ sơ mời thầu ra đối chiếu công khai tại Tòa án là rõ ràng, minh bạch.

Việc Tòa án nhân dân quận Hoàn Kiếm không yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cung cấp hồ sơ mời thầu để trực tiếp đối chiếu mà chỉ hỏi như trên, là không đảm bảo tính khách quan và minh bạch, nhất là với gói thầu được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt khoản ngân sách dự kiến hơn 1200 tỷ đồng, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội là một bên có trách nhiệm, nghĩa vụ liên quan.

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có yêu cầu bằng văn bản, đề nghị Tòa án nhân dân quận Hoàn Kiếm thu thập chứng cứ Hồ sơ mời thầu, văn bản 3976/SGDĐT-KHTC từ Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội để trực tiếp đối chiếu công khai tại Tòa, nhưng Tòa án nhân dân Hoàn Kiếm đã bỏ qua yêu cầu này mà không giải thích lý do.

Trong phiên tranh tụng tại Tòa ngày 28/9/2020, nguyên đơn và luật sư bào chữa cho nguyên đơn đều khẳng định, không phải đến khi trúng thầu nguyên đơn mới bổ sung 17 vi chất dinh dưỡng vào sữa tươi cung cấp cho chương trình sữa học đường tại Hà Nội, mà 17 vi chất này đã được đưa vào chính hồ sơ kĩ thuật của nguyên đơn tham gia đấu thầu cung cấp cho Chương trình Sữa học đường tại Hà Nội.

Vậy vấn đề đặt ra là, tại sao bài thầu yêu cầu bổ sung 3 vi chất, hồ sơ kỹ thuật của nguyên đơn bổ sung 17 vi chất khác hẳn yêu cầu của hồ sơ mời thầu mà vẫn trúng thầu? Chúng tôi đề nghị Tòa án nhân dân quận Hoàn Kiếm hoãn phiên tòa, thu thập các chứng cứ quan trọng là hồ sơ mời thầu, hồ sơ dự thầu, hồ sơ trúng thầu, hợp đồng cung cấp sản phẩm sau đấu thầu...để đối chiếu.

Tuy nhiên yêu cầu chính đáng này không được chấp nhận với lý do Hội đồng xét xử căn cứ theo câu trả lời của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, rằng sản phẩm nguyên đơn cung cấp cho Chương trình Sữa học đường Hà Nội giai đoạn 2018-2020 đúng quy định của hồ sơ mời thầu.

Đây là một nhận định rất thiếu khách quan, không có cơ sở pháp lý.

Tại phiên xét xử ngày 28/9/2020, Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân quận Hoàn Kiếm cũng đề nghị tạm dừng phiên tòa do nguyên đơn đã có đơn thư gửi các cơ quan chức năng khác (Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông và nhiều cơ quan ban ngành) về vụ việc và các cơ quan này chưa có kết luận, nên cần tạm dừng phiên tòa để chờ kết luận của các cơ quan nói trên. Tuy nhiên Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân quận Hoàn Kiếm không chấp nhận yêu cầu chính đáng này.

Từ diễn biến phiên tòa, nhận định và phán quyết sơ thẩm của Tòa án nhân dân quận Hoàn Kiếm, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam nhận thấy phán quyết sơ thẩm này thiếu khách quan, không đúng quy định của pháp luật và có dấu hiệu bỏ lọt nhiều chứng cứ quan trọng, chúng tôi sẽ tiếp tục kháng cáo lên tòa án cấp trên theo quy định của pháp luật để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình cũng như của Nhà nước và trẻ em Hà Nội thụ hưởng Chương trình Sữa học đường nhân văn này.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://www.fsi.org.vn/pic/files/qcvn-9-22011-ve-bo-sung-vi-chat-dinh-duong.pdf

[2]http://vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-van-ban-goc.aspx?ItemID=96717

Ban Biên tập