Bầu Kiên từ người hùng thành tội phạm và chuyện 'ông bầu' Việt

06/10/2012 09:36
Trúc An (Khám Phá)
Người ta nói, làm bóng đá ở Việt Nam thì phải có “thời” và có “thế” mới trụ vững được.
Các “ông bầu” từng có thời “làm mưa làm gió” trong môi trường bóng đá nội nhưng giờ đây việc nhiều người muốn quay lưng với sân cỏ khiến nhiều CLB như con thuyền chuẩn bị đón “bão tố” giữa biển khơi. Nhìn lại hành trình đi lên chuyên nghiệp của các đội bóng, người ta sẽ hiểu thêm nhiều chuyện về “mối tình” giữa “ông bầu” và bóng đá Việt.

* Từ ngày bầu Kiên đi “khai phá”

Nói đến doanh nhân làm bóng đá tại Việt Nam, có lẽ người ta phải nhắc đến “ông bầu” Nguyễn Đức Kiên, người đặt nền móng cho sự bén duyên giữa doanh nghiệp và các đội bóng ở giải quốc nội. Tuy nhiên, với cách làm không giống ai, nên sau gần chục năm, ông Kiên vẫn chưa một lần được nâng cao chiếc Cúp vô địch ở giải bóng đá số một Việt Nam.

Về chuyện bầu Kiên, người ta có thể nói đến những dấu mốc “lịch sử” mà ông đã tạo ra trong bóng đá Việt Nam. Hơn chục năm về trước, khi bóng đá bao cấp đang thoái trào, các đội bóng trực thuộc các Sở Thể dục thể thao lao đao vì bài toán kinh tế, bầu Kiên đã đi tiên phong trong phong trào doanh nghiệp bắt tay vào làm bóng đá. Bầu Kiên từng “chơi trội” khi mời một HLV có tầm cỡ thế giới về Việt Nam cầm quân. Đó là cựu danh thủ Lajos Detari, một trong những cầu thủ xuất sắc của bóng đá Hungary, về làm HLV đội bóng ACB.HN (tiền thân của CLB Bóng đá Hà Nội ngày nay). Tuy nhiên với những tính toán trong thời gian khá dài, các đội bóng của ông Kiên đã không gặt hái được nhiều thành công như một số “ông bầu” khác và người ta nhớ đến các đội bóng này nhờ nhiều lần… xuống hạng và “thay tên đổi họ”.

Bầu Kiên từng gây sốc với làng bóng đá Việt
Bầu Kiên từng gây sốc với làng bóng đá Việt

Bầu Kiên là người “nổ phát súng” đầu tiên công khai “tuyên chiến” với VFF trong buổi lễ tổng kết mùa giải 2011 và thời điểm ẩy ông được xem là một “ngôi sao” trong làng bóng Việt cũng như trong mắt người hâm mộ.

Đặc biệt, bầu Kiên là người đã vạch ra ý tưởng thành lập Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF), thuyết phục các ông bầu khác như bầu Thắng (ĐTLA), bầu Đức (HAGL)…cùng nỗ lực cho ra đời công ty này ngay trước thềm mùa giải 2012, thay VFF nắm quyền điều hành các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Cũng chính nhờ sự ra đời của VPF mà bản quyền truyền hình các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam có được bước nhảy vọt trong việc kinh doanh hình ảnh.

Thế nhưng thật đáng tiếc, từ chỗ người hùng và được ví như “Idol” của bóng đá Việt Nam, bầu Kiên đã bị bắt vì kinh doanh trái phép. Dính vòng lao lý, nhiều khả năng giấc mơ đưa bóng đá Việt Nam vươn tới một tầm cao mới của ông bầu tóc bạc này đành dang dở.  

* Đến thời “trăm bầu đua nở”

Tiếp nối ông Kiên, nhiều “ông bầu” khác đã lần lượt “se duyên” với bóng đá nội. Nhiều người thành công lớn, nhiều người nhận “trái đắng” và có cả những ông bầu tạo ra scandal với chuyện nợ lương thưởng của cầu thủ, bị trọng tài đuổi ra khỏi sân…

Từ bầu Kiên đến bầu Thắng, bầu Đức, bầu Hùng (CLB Becamex.Bình Dương), rồi bầu Tuấn, bầu Long (Hòa Phát.HN cũ), bầu Hiển, bầu Thành (Hải Phòng), đến bầu Trường, bầu Thụy, bầu Đệ, bầu Thọ, “bà bầu” Thái Thị Hương…, người hâm mộ đã nhiều phen “hoa mắt” với sự xuất hiện ồ ạt của nhiều chủ doanh nghiệp đổ bộ vào sân chơi V-League. Với nhiều người, để có được kênh quảng bá giá rẻ mà hiệu quả thông qua đầu tư vào bóng đá, rồi tạo quan hệ để tìm cơ hội làm ăn ở các địa phương, việc trở thành các “ông bầu” từng được xem như “mốt” của nhiều “đại gia”.

Bầu Thắng và bầu Đức
Bầu Thắng và bầu Đức

Nhắc đến các ông bầu với bóng đá Việt, dư luận không thể quên bầu Đức, bầu Thắng, hai ông bầu được xem là “có máu mặt” và tạo được uy tín trong làng bóng đá nội trong hơn chục năm qua. Trong thời kỳ còn hưng thịnh, người ta hay so sánh bầu Thắng của ĐTLA với ông Đoàn Nguyên Đức của HAGL. Người hâm mộ biết đến họ không phải ở sự giàu có, mà ở cách chơi, cách làm bóng đá rất riêng của 2 ông bầu này. Nếu ông Đức là chuyên gia trong việc đi tắt đón đầu, với những phi vụ chuyển nhượng “bom tấn” như mua Kiatisak, biến bóng đá thành công cụ kiếm tiền hay sự đầu tư bài bản cho tương lai bằng Học viện bóng đá HAGL thì bầu Thắng lại có cách làm bóng đá rất khác.

ĐTLA của bầu Thắng không có những bản hợp đồng “bom tấn”, thay vào đó “Gạch” tìm những nguồn hàng đáp ứng tiêu chuẩn “ngon, bổ, rẻ”. Đặc biệt, bầu Thắng rất giỏi trong việc tận dụng chất xám của thầy ngoại. Một trong số đó là HLV Calisto với 2 chức vô địch V-League và vô số giải thưởng khác. Tuy nhiên, sau triều đại của ông Tô, ĐTLA chỉ còn là “hổ giấy”, tiếp đó ông Thắng còn lập một kỷ lục khi “trảm” đến 7 thầy ngoại chỉ trong vài mùa bóng. Giờ ĐTLA không còn được đầu tư như trước và với lực lượng chỉ ở mức trung bình họ đã phải quay về với giải hạng Nhất ở mùa bóng năm ngoái.

Sau sự sa sút của hai đội bóng thuộc bầu Thắng, bầu Đức, người ta đã chứng kiến một cuộc “lột xác” trong giới “ông bầu”. Hàng loạt những cái tên, như bầu Hiển (HN.T&T-SHB.ĐN), bầu Trường (V.Ninh Bình) hay bầu Thụy (Sài Gòn.Xuân Thành) lao vào cuộc đua. Các ông bầu này đều thuộc top bạo chi, vung tiền mua cầu thủ và chi thưởng. Thế nhưng, người gặt hái được thành công nhiều nhất chỉ có ông Đỗ Quang Hiển. Chỉ trong 4 năm trở lại đây, bầu Hiển đã có trong tay 3 chiếc Cup vô địch V.League (SHB.Đà Nẵng hai lần vô địch-Hà Nội.T&T một lần đăng quang). Tất nhiên sau ánh hào quang của ông Hiền, người ta cũng không khỏi nhắc đến việc “1 ông chủ 2 đội bóng” như một “bảo bối” cho sự thành công ở V-League. Gần đây, ông Hiển đã phải thoái vốn ở cả Hà Nội.T&T lẫn SHB.Đà Nẵng để đỡ phải mang tiếng “thao túng” ở V-League.

Trong khi đó, hai ông bầu gốc Ninh Bình là ông Hoàng Mạnh Trường, Nguyễn Đức Thụy, chỉ mới để lại được dấu ấn của mình, bằng những bản hợp đồng “bom tấn”, chứ không phải những người có chiến lược phát triển bóng đá bền vững và lâu dài.

Ở TPHCM, gần đây dư luận có nhắc đến “ông bầu” Nguyễn Vĩnh Thọ của Navibank.SG. Hai năm trước ông Thọ bước vào thế giới bóng đã rất hùng dũng, nhưng với những khó khăn về kinh tế (nợ lương, thưởng của cầu thủ, nọ tiền thuê sân thi đấu, sân tập…), hiện tại ông bầu này đã phải “cự tuyệt” với trái bóng theo kiểu cúi đầu chào thua và đã chính thức làm đơn xin trả CLB cho TPHCM.

V-League không chỉ có “ông bầu” mà còn có bà bầu. Bà Thái Thị Hương-Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Bắc Á, không phải là người “say” bóng đá nhưng lại quyết định đầu tư vào SLNA và trở thành người phụ nữ duy nhất bắt tay làm bóng đá ở V-League. Chuyện “bà bầu” Hương muốn thông qua bóng đá để làm “cầu nối” cho các dự án kinh doanh cũng đã được mổ xẻ nhiều. Trong 3 năm qua, Ngân hàng Bắc Á mỗi năm phải đầu tư cho SLNA hàng chục tỷ đồng, một con số không nhỏ trong thời buổi kinh tế khó khăn. Để rồi khi những khó khăn về kinh tế bủa vây, thông tin bà Hương trả đội bóng cho tỉnh Nghệ An đã khiến các cầu thủ xứ Nghệ “đứng ngồi không yên” bởi “bầu sữa” từ doanh nghiệp không còn thì việc SLNA “méo mặt” là điều có thể dự đoán trước.

Người ta nói, làm bóng đá ở Việt Nam thì phải có “thời” và có “thế” mới trụ vững được. Nếu xét từ thực tế này, rõ là phần lớn các ông bầu đang mất thế và giờ đây đã qua rồi cái thời các ông chủ doanh nghiệp sẵn sàng ôm các đội bóng, chi “tiền tấn” cho dân “quần đùi áo số” để đổi lấy những món lợi khác. Để rồi trong vòng quay của thời cuộc, có “đại gia” làng bóng đá từ người hùng đã dính vào vòng lao lý, người khác thì phải “chạy trốn cầu thủ”, hay có người muốn rút lui khỏi sân cỏ cho nhẹ nợ. Những sắc màu bi hài, đủ mùi hỷ, nộ, ái, ố của các ông bầu bóng đá Việt Nam hẳn sẽ còn được người hâm mộ nhắc đến nhiều khi các câu chuyện gắn với tên tuổi của họ đang là vấn đề thời sự của bóng đá nội.
BẤM XEM ẢNH ĐẸP THỂ THAO
BẤM XEM CLIP HOT THỂ THAO
Điểm nóng
Olympic London 2012 Sao bóng đá đi nghỉ hè
Tây Ban Nha vô địch EURO 2012
Thế giới WAGs Việt
Chuyển nhượng hè 2012
Những hoạt náo viên quyến rũ
Thế giới các nàng WAGs
Cầu thủ xuất sắc nhất Việt Nam Bóng đá Việt Nam thập niên 1990
Biếm họa sao bóng đá Video clip hot - Thể thao
Có thể bạn yêu thích, hâm mộ
Tin tức FC Barcelona
Tin tức Manchester City
Tin tức Manchester United Tin tức Real Madrid
Tin tức Arsenal FC
Tin tức Chelsea FC
Chuyển nhượng châu Âu 2012
Tin tức Liverpool FC
Công Vinh - Thủy Tiên
Sir Alex Ferguson
Phạm Văn Mách & Cặp đôi hoàn hảo
Tin tức Sông Lam Nghệ An
'Siêu kinh điển' Real Madrid - Barcelona Thị trường chuyển nhượng hè 2012
Trúc An (Khám Phá)