Trong hệ thống an sinh xã hội, hệ thống bảo hiểm xã hội giữ vai trò trụ cột, bền vững nhất. Phát triển bảo hiểm xã hội sẽ là tiền đề và điều kiện để thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Cũng giống như các đối tượng lao động ngành nghề khác, giáo viên khi tham gia bảo hiểm xã hội trong quá trình công tác và đủ năm theo quy định, khi về hưu giáo viên sẽ được hưởng các chế độ chính sách như lương hưu, bảo hiểm y tế.
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Trần Thị Kim Chi (nguyên Hiệu trưởng trường Tiểu học Senita, Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, khi được nghỉ hưu tại trường công lập ở tuổi 55, cô về làm công tác quản lý tại trường Tiểu học Senita được ba năm, sau đó khi nhà trường đào tạo mô hình liên cấp với trung học cơ sở, từ đó cô không còn tham gia công tác quản lý.
Nhớ lại quãng thời gian công tác hơn 40 năm trong môi trường giáo dục, cô Chi cho hay, bản thân cô tốt nghiệp cao đẳng nên có quãng thời gian công tác lâu hơn. Bởi vậy, số năm cô tham gia bảo hiểm xã hội cũng nhiều hơn. Khi về hưu, cô được nhận số tiền tham bảo hiểm xã hội đóng thừa năm.
"Tôi được trả hơn 30 triệu đồng tiền đóng bảo hiểm xã hội thừa năm. Bên cạnh đó, tôi được hưởng 75% tiền lương", cô Chi cho hay.
Đối với mức lương hiện tại cô Chi được hưởng là khoảng hơn 7 triệu đồng, sống ở vùng thành thị, cô Chi nhận định, mức tiền trên đủ để cô trang trải chi phí sinh hoạt cuộc sống.
Cô Chi chia sẻ, khi còn công tác trong ngành giáo dục, bản thân cô ít khi phải đến bệnh viện để khám chữa bệnh nhưng khi nghỉ hưu, đến độ tuổi ngoài 60, sức khỏe đi xuống và phải đến bệnh viện nhiều hơn, khi đó cô mới nhận thấy tầm quan trọng của tấm thẻ bảo hiểm y tế.
"Đợt vừa rồi, tôi có dùng thẻ bảo hiểm y tế để khám răng tại nơi đăng ký bảo hiểm y tế là Bệnh viện E, tôi được bảo hiểm chi trả 95%.
Bạn bè tôi ở độ tuổi này, với mức lương hưu như tôi nhưng mắc những bệnh mãn tính, họ phải dùng đến thẻ bảo hiểm y tế thường xuyên để khám chữa bệnh. Lúc này, chúng tôi đều cảm nhận được sự cần thiết của tấm thẻ bảo hiểm y tế", cô Chi nói.
Hình ảnh minh họa. |
Thầy Phùng Văn Tần (nguyên Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Lý Tử Tấn, Thường Tín, Hà Nội) cho hay, sau gần 40 năm công tác trong ngành giáo dục, vào tháng 7 vừa qua thầy được nghỉ chế độ về hưu.
Quá trình làm việc của thầy Tần đã dư 8 năm công tác tính theo số năm công tác và thầy Tần được Bảo hiểm xã hội Việt Nam chi trả tính 2 năm dôi dư là được 1 tháng lương, tương đương hơn 60 triệu đồng
Trong suốt quá trình công tác, thầy Tần đều được đóng bảo hiểm xã hội. Mức lương hưu của thầy hiện tại được nhận là 75% so với mức lương khi còn công tác (khoảng 11 triệu đồng). Với mức lương hưu trên, đủ giúp cho thầy chi tiêu sinh hoạt khá thoải mái ở vùng quê ngoại thành Hà Nội.
Chia sẻ về việc khám chữa bệnh khi còn công tác, thầy Tần cho biết, trước đây sức khỏe của thầy luôn ổn định nên rất ít khi thầy phải đến viện để khám chữa nhưng vai trò của bảo hiểm y tế với mỗi người dân rất cần thiết. Đặc biệt là với học sinh, sinh viên.
Trường Trung học phổ thông Lý Tử Tấn (Ảnh: FB) |
Trong quá trình công tác tại trường Trung học phổ thông Lý Tử Tấn, công tác vận động học sinh tham gia bảo hiểm y tế của nhà trường luôn đạt 100% trong những năm gần đây. Chia sẻ về việc đạt được tỷ lệ trên, thầy Tần cho hay, vào đầu năm học, nhà trường sẽ tổ chức họp giáo viên chủ để tuyên truyền về kế hoạch vận động học sinh tham gia bảo hiểm y tế.
Bên cạnh việc đời sống của người dân địa phương cũng khá giả và họ cũng hiểu về quyền lợi, khi cho con em tham gia bảo hiểm y tế nên nhà trường cũng "nhàn" trong việc vận động, tuyên truyền.
Thầy Phan Quốc Khánh (80 tuổi, nguyên Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Văn Bình, Thường Tín, Hà Nội) cho hay, thầy về hưu từ năm 2003 và nhận mức lương hưu khoảng 8 triệu đồng/tháng từ Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Mức lương trên ổn so với mức chi tiêu sinh hoạt ở vùng ngoại thành.
Ngoài chế độ lương hưu hằng tháng, thầy còn được khám chữa bệnh miễn phí 100% từ bảo hiểm y tế được đăng ký tại bệnh viện đa khoa Nông nghiệp. Vào tháng 4 và tháng 9 vừa qua, thầy phải hai lần nhập viện để phẫu thuật cắt polyp đại tràng, cùng điều trị gẫy tay, bảo hiểm y tế đã gánh đỡ gánh nặng về kinh tế cho gia đình thầy rất nhiều.
Hay như cô Nguyễn Thị Thành (74 tuổi, trú tại Thường Tín, Hà Nội) cũng về hưu vào năm 2003 và hiện cô đang nhận mức lương hưu khoảng 6 triệu đồng/tháng, cô Thành cho hay, sức khỏe của cô không tốt, mắc nhiều chứng bệnh nên phải đi khám sức khỏe và bảo hiểm y tế đã giúp cô giảm chi phí khám chữa bệnh rất nhiều.
"Vào tháng 6 vừa qua, tôi nằm điều trị bệnh rỗng phế quản, và viêm phổi tại Bệnh viện Phổi Trung ương trong khoảng nửa tháng. May mắn, cô không phải mổ. Trong quãng thời gian đó, tấm thẻ bảo hiểm y tế đã hỗ trợ cho cô và gia đình rất nhiều. Tiền giường nằm, thuốc men...đều được bảo hiểm chi trả", cô Thành chia sẻ.