BHXH Việt Nam: 29 năm nỗ lực vì Nhân dân phục vụ và đảm bảo an sinh xã hội

16/02/2024 13:44
Thu Giang
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Từ năm 1995 đến nay, ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức và đạt được nhiều thành quả quan trọng.

Trải qua 29 năm xây dựng và trưởng thành (16/02/1995-16/02/2024), Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã không ngừng phát triển và đạt được các thành tích quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước, góp phần tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội để phát triển đất nước.

29 nam thanh lap.jpg

Phát triển theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả

Ngày 16/02/1995, Chính phủ ban hành Nghị định số 19-CP thành lập Bảo hiểm xã hội Việt Nam trên cơ sở thống nhất các tổ chức Bảo hiểm xã hội ở Trung ương và địa phương thuộc hệ thống Lao động - Thương binh và Xã hội và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam ra đời tạo dấu mốc cải cách quan trọng nhằm thu gọn đầu mối tổ chức, thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội theo hướng tập trung, thống nhất trong phạm vi toàn quốc.

Hệ thống tổ chức của Bảo hiểm xã hội Việt Nam gồm 3 cấp: Trung ương, cấp tỉnh và cấp huyện.

Qua từng thời kỳ, tổ chức bộ máy đã từng bước được kiện toàn theo hướng linh hoạt, hiệu quả, chuyên nghiệp, hiện đại, giảm đầu mối; giảm chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ; phù hợp với tinh thần Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Qua đó, tạo điều kiện để ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện hiệu quả, hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

Trong quá trình hình thành và phát triển, ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam luôn nhận được sự quan tâm sâu sát của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng.

Sự quan tâm này thể hiện cụ thể thông qua các Chỉ thị, Nghị quyết, trong đó đặc biệt như: Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012 - 2020; Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội…

Đây là những định hướng quan trọng, làm nền tảng cho sự phát triển bền vững của hệ thống bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế nói chung và Bảo hiểm xã hội Việt Nam nói riêng.

Can bo BHXH toi tung thon, ban tuyen truyen BHXH, BHYT tai Thanh Hoa.jpg
Cán bộ bảo hiểm xã hội tới từng thôn, bản tuyên truyền về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tại Thanh Hoá.

Lưới an sinh xã hội không ngừng mở rộng

Thực hiện mục tiêu xuyên suốt phát triển bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo hướng bao phủ toàn dân, những năm qua, số người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp tiếp tục tăng qua các năm và đã tập trung vào nhóm yếu thế.

Đặc biệt, tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế phát triển bền vững, vượt mục tiêu được Đảng và Chính phủ giao.

Số người tham gia bảo hiểm xã hội: Hiện khoảng 18,26 triệu người tham gia, đạt 39,25% lực lượng lao động trong độ tuổi, trong đó, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện: khoảng 1,83 triệu người, đạt 3,92% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng 305 lần so với năm 2008 – năm đầu tiên thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện (tăng từ 6 nghìn người lên 1,83 triệu người); số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp: khoảng 14,7 triệu người, đạt gần 31,6% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng gần 2,5 lần so với năm 2009 – năm đầu tiên thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp (tăng từ 6 triệu người lên 14,7 triệu người).

Số người tham gia bảo hiểm y tế: Hiện khoảng hơn 93,3 triệu người tham gia, đạt 93,35% dân số, tăng 13,1 lần so với năm 2015 (tăng từ 7,1 triệu người lên 93,3 triệu người), tiệm cận mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân.

Diện bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp tăng, góp phần mở rộng hiệu quả lưới an sinh xã hội tới mọi người dân, người lao động, củng cố vững chắc nền an sinh xã hội của đất nước.

Tich cuc tuyen truyen, vạn dong nguoi dan tham gia BHXH tu nguyen. Nguon BHXH tinh Lai Chau.jpg
Tích cực tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Quyền lợi của người tham gia, thụ hưởng chính sách ngày càng tăng

Công tác giải quyết, chi trả chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp được thực hiện kịp thời, đúng quy định; đặc biệt chuyển đổi hiệu quả phương thức quản lý từ thủ công sang hiện đại, đảm bảo nguyên tắc đóng - hưởng.

Phương thức hoạt động của hệ thống ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam được đổi mới theo hướng phục vụ, đẩy mạnh giao dịch điện tử, tăng cường sử dụng các dịch vụ công ích, rút ngắn thời gian giải quyết, tạo thuận lợi và đảm bảo quyền lợi cho người lao động và Nhân dân.

Từ năm 1995 đến hết năm 2023, toàn Ngành đã giải quyết khoảng hơn 144,8 triệu lượt người hưởng các chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe; từ năm 2010 đến hết năm 2022 phối hợp giải quyết gần 9,7 triệu người hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp; hiện, tổng số người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng hơn 3,3 triệu người.

Bên cạnh đó, từ năm 2003 đến 2023, toàn Ngành đã phối hợp với các cơ sở y tế bảo đảm quyền lợi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho trên 2.542,8 triệu lượt người; cùng tháo gỡ khó khăn, giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, kịp thời thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở khám chữa bệnh phục vụ người bệnh bảo hiểm y tế.

Đáng chú ý, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến đời sống, việc làm của người dân, người lao động, từ năm 2020 đến năm 2022, ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chủ động, quyết liệt tham gia cùng các Bộ, ngành tham mưu Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động gặp khó khăn do đại dịch.

Đồng thời, tập trung huy động mọi nguồn lực, trên nền nguồn dữ liệu sẵn có để triển khai kịp thời các gói hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp nhanh gọn, chính xác tới người hưởng, góp phần hỗ trợ hàng chục triệu người lao động, người sử dụng lao động vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Những kết quả đạt được cho thấy, quyết tâm chính trị của toàn ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam trong mọi giai đoạn là luôn ưu tiên đặt công tác đảm bảo quyền lợi của người tham gia, thụ hưởng chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế làm trung tâm.

Nhờ đó, quyền lợi an sinh của người tham gia, thụ hưởng luôn đảm bảo kịp thời, đúng quy định, góp phần củng cố, tạo thêm niềm tin vững chắc của mọi tầng lớp Nhân dân vào các chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước.

Nâng cao chất lượng phục vụ vì sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp

Những năm qua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tập trung mọi nguồn lực, triển khai quyết liệt nhiều giải pháp mạnh mẽ, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, tạo thuận lợi tối đa cho các tổ chức, cá nhân tham gia, thụ hưởng chính sách và được Chính phủ cùng cộng đồng doanh nghiệp, người dân ghi nhận, đánh giá cao.

Thủ tục hành chính về tham gia và giải quyết chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế ngày càng được cải tiến, rút gọn (từ 263 thủ tục hành chính năm 2009 xuống còn 25 thủ tục hành chính), trong đó 100% thủ tục được cung cấp trực tuyến ở mức độ 4, thực hiện giao dịch điện tử với các tổ chức, cá nhân ở tất cả các lĩnh vực nghiệp vụ…

Theo đó, gần như tất cả các hoạt động của Ngành, cũng như các giao dịch của người tham gia, đơn vị sử dụng lao động với cơ quan Bảo hiểm xã hội đã được thực hiện trên môi trường số; người dân, đơn vị có thể giao dịch với cơ quan Bảo hiểm xã hội mọi lúc, mọi nơi.

Ngành cũng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Đặc biệt, triển khai Đề án số 06 của Chính phủ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam được ghi nhận, đánh giá là một trong những đơn vị đi đầu và vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Một số kết quả tích cực như: Trong năm 2023, Ngành đã xác thực hơn 95 triệu thông tin nhân khẩu trong cơ sở dữ liệu do Bảo hiểm xã hội Việt Nam quản lý với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trong đó có khoảng 86,6 triệu người đang tham gia, thụ hưởng chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế đã kết nối, liên thông giữa cơ quan Bảo hiểm xã hội với gần 13.000 cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trên phạm vi toàn quốc…

Ngoài ra, Ngành đã đưa vào triển khai ứng dụng “VssID - Bảo hiểm xã hội số” trên nền tảng thiết bị di động.

Đến nay, có khoảng 35 triệu người sử dụng ứng dụng để quản lý, kiểm soát quá trình tham gia, thụ hưởng chính sách; thực hiện các dịch vụ công về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; phối hợp với Bộ, ngành và đơn vị liên quan triển khai khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân tại 100% cơ sở khám chữa bệnh…

Song song đó, nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã triển khai đồng bộ các giải pháp và đạt được những kết quả tích cực ở các mặt công tác khác như: tăng thu, giảm số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, phối hợp với các đơn vị liên quan ngăn chặn và kịp thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; quản lý và sử dụng hiệu quả quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế an toàn, theo đúng quy định của pháp luật; kiện toàn tổ chức bộ máy bảo hiểm xã hội các cấp; nâng cao năng lực đội ngũ công chức, viên chức trong toàn Ngành; mở rộng hợp tác quốc tế, từng bước hiện đại hoá hệ thống quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế…

Có thể nói, từ năm 1995 đến nay, với sự cố gắng, nỗ lực của các thế hệ công chức, viên chức, ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức và đạt được nhiều thành quả quan trọng.

Qua đó, vị thế của Ngành được nâng cao không chỉ trong hệ thống chính trị mà cả trong nhận thức của người dân, trong đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp.

Thời gian tới, để thực hiện thành công các mục tiêu về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, đặc biệt là bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế toàn dân, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục triển khai các giải pháp với tinh thần chủ động, đồng bộ và toàn diện, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định đời sống Nhân dân, trong đó ghi dấu mốc ấn tượng cho giai đoạn 30 năm xây dựng và phát triển vào năm 2025 tới đây.

Thu Giang