BHXH Việt Nam: Tăng tốc về đích, tiếp tục tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số

17/11/2022 09:19
Tuệ Lâm
GDVN-10 tháng đầu năm 2022, ngành BHXH Việt Nam đã nỗ lực, hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu về công tác thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN.

Nhiều kết quả khả quan

Chiều 16/11, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh đã chủ trì cuộc họp bàn giải pháp thực hiện chỉ tiêu phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp năm 2022.

Tại buổi họp, ông Dương Văn Hào - Trưởng ban Quản lý Thu-Sổ thẻ đã có báo cáo đánh giá tổng thể về kết quả công tác phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp năm 2022 của toàn ngành 10 tháng năm 2022. Trong đó, tập trung thông tin về một số chỉ tiêu chủ yếu toàn ngành đã đạt được, so sánh với năm 2021 và con số cần phấn đấu trong 2 tháng cuối năm 2022.

Tính đến ngày hết tháng 10/2022, số người tham gia tại các tỉnh, thành phố đang có được đà phát triển tương đối tốt.

Cả nước có khoảng 17,17 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, tăng trên 90.230 người so với tháng trước; dự kiến trong 2 tháng cuối năm 2022 sẽ tăng thêm khoảng 287.000 người.

Về bảo hiểm y tế, cả nước có trên 87 triệu người tham gia, tăng 2,72 triệu người so với cùng kỳ năm trước.

Trong thời gian còn lại của năm 2022, nếu tích cực đôn đốc với nhóm học sinh sinh viên, hộ nông - lâm - ngư - diêm nghiệp có mức sống trung bình, hộ gia đình… sẽ đạt khoảng 92% dân số tham gia bảo hiểm y tế.

Bên cạnh đó, toàn ngành đạt khoảng 81,5% kế hoạch thu được Chính phủ giao; dự kiến sẽ đạt chỉ tiêu thu năm 2022 và tỉ lệ nợ đang cố gắng giảm ở mức thấp nhất.

Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh chủ trì buổi họp về giải pháp thực hiện các chỉ tiêu phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong 2 tháng cuối năm.

Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh chủ trì buổi họp về giải pháp thực hiện các chỉ tiêu phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong 2 tháng cuối năm.​

Trong tháng 10, công tác thu, phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp toàn ngành tiếp tục khởi sắc, các chỉ số đều tăng.

Tuy nhiên, để hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch đề ra trong năm 2022, vẫn còn khoảng cách không nhỏ.

Trong đó, Bảo hiểm xã hội cần phải phát triển hơn 2 triệu người (bảo hiểm xã hội bắt buộc hơn 1 triệu người, bảo hiểm xã hội tự nguyện hơn 900.000 người).

Bảo hiểm thất nghiệp cũng cần tiếp tục phát triển hơn 1,1 triệu người và bảo hiểm y tế là hơn 3 triệu người.

Đây là áp lực không nhỏ, vì vậy, ông Hào đề nghị, 2 tháng cuối năm, trong phát triển bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội các địa phương cần bám sát các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn rất cụ thể của Bảo hiểm xã hội Việt Nam; rà soát các chỉ tiêu được giao, đánh giá tồn tại, hạn chế để có giải pháp cho phù hợp.

Cùng với đó, tập trung triển khai một số nhiệm vụ gồm: Tập trung tham mưu chính quyền địa phương xây dựng, hoàn thiện các Nghị quyết về giao chỉ tiêu phát triển người tham gia; tham mưu Ban chỉ đạo phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của tỉnh để chỉ đạo, giao chỉ tiêu cho Ban chỉ đạo các cấp, đặc biệt là chỉ tiêu về bảo hiểm y tế;

Đồng thời, tham mưu, huy động sự vào cuộc của các cấp, doanh nghiệp, xã hội có thêm các chính sách, cơ chế hỗ trợ cho người khó khăn được tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; tăng cường phối hợp với các tổ chức dịch vụ thu trên địa bàn để khai thác người tăng mới và tái tục; linh hoạt các phương thức đóng để tạo thuận lợi cho người tham gia; huy động, tăng cường cán bộ ở các bộ phận khác cho công tác thu, phát triển người tham gia, bám sát cơ sở, tăng cường đào tạo cho đội ngũ nhân viên thu…

Nỗ lực, hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu

Cho ý kiến về tình hình công tác phát triển người tham gia, Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu nhận định, theo tiến độ hiện nay, dự báo toàn ngành cơ bản sẽ đạt các nhóm chỉ tiêu quan trọng.

Dù vậy, tình hình phát triển số người tham gia Bảo hiểm xã hội có thể sẽ gặp khó khăn nhiều hơn tại phía Nam, nhất là các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Đông Nam Bộ. Theo lĩnh vực, nhóm người lao động ngành dịch vụ, khách sạn, du lịch cũng chưa tăng được nhiều.

Đây là những khó khăn cần nhận diện, để theo sát tình hình và chỉ đạo Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố triển khai các giải pháp phù hợp, kịp thời.

Về phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình, Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu yêu cầu các địa phương chú trọng triển khai hiệu quả Quy chế hoạt động của tổ chức dịch vụ thu theo Quyết định số 1155/QĐ-BHXH.

Bên cạnh đó, Trung tâm Công nghệ thông tin cần nghiên cứu để tăng cường hơn nữa ứng dụng Công nghệ thông tin trong quá trình phối hợp, kết nối dữ liệu, thực hiện các thủ tục giữa cơ quan Bảo hiểm xã hội và tổ chức dịch vụ thu.

Trung tâm Công nghệ thông tin cần nghiên cứu để tăng cường hơn nữa ứng dụng Công nghệ thông tin trong quá trình phối hợp, kết nối dữ liệu, thực hiện các thủ tục.

Trung tâm Công nghệ thông tin cần nghiên cứu để tăng cường hơn nữa ứng dụng Công nghệ thông tin trong quá trình phối hợp, kết nối dữ liệu, thực hiện các thủ tục.

Tại buổi họp, lãnh đạo Vụ Thanh tra - kiểm tra; Trung tâm Công nghệ thông tin cũng thông tin, cũng đưa ra một số giải pháp, các nghiệp vụ phục vụ cho công tác thu, phát triển người tham gia trong những tháng cuối năm như: Đẩy mạnh thanh tra chuyên ngành đột xuất theo hình thức rút gọn; kiên quyết xử lý vi phạm hành chính khi phát hiện các hành vi vi phạm; công khai danh tính các đơn vị sử dụng lao động nợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế Luật Bảo hiểm xã hội; phối hợp với công an triển khai đôn đốc thu hồi nợ theo Quy chế phối hợp số 01 giữa Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Bộ Công an; hướng dẫn chi kinh phí tuyên truyền trong phát triển người tham gia, chi thù lao đại lý; hướng dẫn sử dụng, điều chỉnh các phần mềm phục vụ công tác thu, quyết toán…

Kết luận buổi họp, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh đề nghị toàn Ngành cần tiếp tục quyết liệt triển khai các giải pháp đôn đốc phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Trong đó, Ban Quản lý Thu-Sổ thẻ tham mưu để lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam chỉ đạo ngay các giải pháp cụ thể hơn, yêu cầu triển khai thực hiện sâu tới Bảo hiểm xã hội cấp huyện.

Đồng thời, cần tiếp tục đẩy mạnh truyền thông theo hướng cụ thể hơn, chú trọng đến phương thức thực hiện thông tin với nhóm đối tượng đến thời điểm gia hạn đóng bảo hiểm y tế hộ gia đình, bảo hiểm xã hội tự nguyện. Kế hoạch phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong thời gian còn lại của năm 2022 cũng phải được xây dựng cụ thể, chi tiết hơn; đặt ra yêu cầu cụ thể với từng nhóm đối tượng, nhất là với bảo hiểm y tế hộ gia đình, bảo hiểm y tế học sinh sinh viên, bảo hiểm xã hội tự nguyện; tác động trực tiếp tới từng người dân thuộc diện tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình, bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Bên cạnh đó, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh cũng chỉ đạo các đơn vị, địa phương phát động phong trào, kêu gọi mạnh thường quân ủng hộ tặng thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội tự nguyện cho người dân.

“Các đơn vị phối hợp xây dựng kế hoạch, nguồn kinh phí để đảm bảo triển khai ngay trong tuần sau tại Trung ương; đồng thời truyền thông rộng rãi, lan tỏa phong trào đến 63 tỉnh, thành phố” - Tổng Giám đốc cho biết.

Về công tác thanh tra kiểm tra, Tổng Giám đốc yêu cầu cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa thanh tra, kiểm tra, xử phạt đối với những đơn vị sử dụng lao động chậm đóng, nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; phát huy hiệu quả phối hợp với các sở, ngành; rà soát dữ liệu do cơ quan Thuế cung cấp và tăng cường thanh tra đột xuất để đôn đốc, thu hồi tiền chậm đóng.

Tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số, Đề án 06 của Chính phủ; ưu tiên hoàn thiện các phần mềm nghiệp vụ đáp ứng tốt yêu cầu công việc của địa phương.

Tuệ Lâm