BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ công tác năm 2024

17/01/2024 15:22
Thuỷ Uyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ngày 17/1, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế năm 2024.

Đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ dự và chỉ đạo Hội nghị.

Dự Hội nghị tại điểm cầu Trung ương có: Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan; Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh; Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội Nguyễn Văn Cường; các Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam; đại diện một số Bộ, ngành; lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Công an Nhân dân.

Tại các điểm cầu địa phương có: đại diện lãnh đạo Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố; lãnh đạo Bảo hiểm xã hội các tỉnh, huyện trên toàn quốc…

Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Hoàn thành toàn diện, vượt mức các chỉ tiêu

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh nhấn mạnh, năm 2023 đi qua với biết bao khó khăn, thách thức, nhưng cũng là năm để lại nhiều dấu ấn quan trọng đối với ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Dưới sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp, toàn Ngành đã đặt quyết tâm cao, nỗ lực vượt khó, triển khai đồng bộ, linh hoạt các giải pháp như: Tích cực, chủ động phối hợp với các Bộ, ngành trong việc xây dựng, sửa đổi các dự luật quan trọng liên quan đến việc thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; huy động sự vào cuộc mạnh mẽ của cấp ủy, chính quyền địa phương; quyết liệt trong chỉ đạo điều hành và triển khai thực hiện ở tất cả các mặt công tác… hoàn thành và hoàn thành vượt các chỉ tiêu trọng yếu trên lĩnh vực an sinh xã hội.

Bí thư Ban cán sự Đảng, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh phát biểu tại Hội nghị.

Bí thư Ban cán sự Đảng, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh phát biểu tại Hội nghị.

Một số kết quả nổi bật của ngành Bảo hiểm xã hội có thể kể đến như sau:

Diện bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tiếp tục tăng, đặc biệt tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế phát triển bền vững

Cả nước có khoảng 18,26 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, đạt 39,25% lực lượng lao động trong độ tuổi, trong đó khoảng 1,83 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đạt 3,92% lực lượng lao động trong độ tuổi (vượt 1,42% mục tiêu đến năm 2025 tại Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương); 14,7 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt gần 31,6% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Đặc biệt, có trên 93,3 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, đạt tỷ lệ 93,35% dân số (vượt 0,15% so với Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ) và là chỉ tiêu kinh tế - xã hội vượt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 68/2022/QH15 của Quốc hội, tiệm cận mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân.

Công tác quản lý tài chính, quản lý quỹ được thực hiện đúng quy định, công khai, minh bạch, đảm bảo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả; giải quyết, chi trả chế độ, chính sách luôn đảm bảo đầy đủ, kịp thời tới từng người tham gia, thụ hưởng với chất lượng phục vụ ngày càng cao

Năm 2023, toàn ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã giải quyết: gần 95,7 nghìn người hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng; hơn 8,8 triệu lượt người hưởng các chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe; hơn 174,8 triệu lượt khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (tăng trên 23,4 triệu lượt khám chữa bệnh so với năm 2022); phối hợp với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội giải quyết hơn 1 triệu người hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp.

Tổng số chi các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp lên đến trên 439,27 nghìn tỷ đồng.

Nhằm đảm bảo quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, Bộ Tài chính triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm sử dụng nguồn kinh phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế hiệu quả; giải quyết vướng mắc về cơ chế thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế giai đoạn năm 2019 đến 2022; bổ sung thêm nhiều nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ tham gia bảo hiểm y tế.

Đến nay, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã kịp thời thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế vượt tổng mức thanh toán theo Nghị định 75/2023/NĐ-CP cho các cơ sở y tế phục vụ công tác khám chữa bệnh.

Công tác truyền thông, tư vấn, giải đáp chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế được coi trọng, đổi mới theo hướng hiện đại, đa dạng, linh hoạt, phù hợp

Ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã triển khai đồng bộ “từ sớm, từ xa”; kết hợp truyền thông trực tiếp và truyền thông qua mạng xã hội, truyền thông nhóm nhỏ, qua các ứng dụng số… nhằm mang lại hiệu quả cao để “dân biết, dân hiểu, dân tin và tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế”, góp phần tạo sự đồng thuận, nâng cao hiệu quả trong việc thực thi chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Trong năm, toàn Ngành đã thực hiện khoảng 28.800 hội nghị truyền thông, tập huấn, tư vấn, đối thoại; khoảng 139.000 cuộc truyền thông nhóm nhỏ; hỗ trợ, tư vấn, giải đáp trên 1,7 triệu lượt người…

Qua đó, góp phần xây dựng hình ảnh ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam phục vụ người dân tận tâm, chuyên nghiệp và hiệu quả.

Đẩy mạnh công tác chuyển đổi số và triển khai quyết liệt, có hiệu quả Đề án 06 tạo đột phá trong quản lý; thường xuyên rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi tối đa phục vụ người dân, doanh nghiệp, được người dân, xã hội đánh giá cao

Người dân, doanh nghiệp có thể tương tác, giao dịch trực tuyến với cơ quan bảo hiểm xã hội 24/7 với 100% thủ tục được cung cấp trực tuyến ở cấp độ 4: Bộ thủ tục hành chính được cắt giảm từ 114 thủ tục (năm 2015) chỉ còn 25 thủ tục.

Đặc biệt, đến nay 100% cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (12.851 cơ sở) trên toàn quốc triển khai khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng Căn cước công dân, vừa rút ngắn thời gian, thủ tục khám chữa bệnh, nâng cao chất lượng phục vụ, vừa giúp quản lý, sử dụng hiệu quả quỹ bảo hiểm y tế.

Ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chủ động, tích cực phối hợp với với các Bộ, Ngành liên quan xây dựng, làm giàu cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm: đã xác thực hơn 95 triệu thông tin nhân khẩu trong cơ sở dữ liệu do Bảo hiểm xã hội Việt Nam quản lý với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trong đó có khoảng 86,6 triệu người đang tham gia, thụ hưởng chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Đây là cơ sở, nền tảng quan trọng để liên thông, chia sẻ, phục vụ quản lý của Ngành và cải cách thủ tục hành chính.

Triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp, nhờ đó số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp giảm sâu nhất từ trước đến nay.

Trong đó, Ngành đã chủ trì và phối hợp thực hiện thanh tra, kiểm tra tại hơn 22 nghìn đơn vị với tổng số tiền chậm đóng các đơn vị đã khắc phục là trên 2.023 tỷ đồng.

Năm 2023, số tiền chậm đóng chỉ chiếm 2,69% số phải thu - đây là tỷ lệ số tiền chậm đóng trên số phải thu thấp nhất từ năm 2016 trở lại đây (năm 2016 là 6%).

Những chuyển biến tích cực trong công tác thu hồi số tiền chậm đóng đã góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng pháp luật của người sử dụng lao động trong thực hiện chính sách.

Cùng với đó, tiếp nối truyền thống "Thương người như thể thương thân", những năm qua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã phát động “Chương trình tặng sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế cho người có hoàn cảnh khó khăn” trên toàn quốc.

Năm 2023 đã có 24.300 sổ bảo hiểm xã hội và 250.000 thẻ bảo hiểm y tế được trao tặng cho người có hoàn cảnh khó khăn.

Các lĩnh vực khác như: công tác tổ chức cán bộ; hợp tác quốc tế… đều đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận.

Khẳng định hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao chính là hoàn thành trách nhiệm bảo đảm an sinh xã hội cho người dân được Đảng và Nhà nước giao phó, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Nguyễn Thế Mạnh nhấn mạnh “Kết quả đạt được trong năm 2023 và những năm vừa qua là cơ sở, tiền đề để ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam triển khai công tác năm 2024 - năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện kế hoạch 5 năm 2021-2025”.

Bên cạnh những kết quả đạt được, tại Hội nghị, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bảo hiểm xã hội các địa phương đã trình bày một số tham luận, chia sẻ về những kết quả, giải pháp hiệu quả đã thực hiện cũng như một số khó khăn, vướng mắc trong tổ chức, thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, nhất là do tình hình sản xuất, kinh doanh khó khăn dẫn đến nhiều doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế với số tiền lớn, thời gian kéo dài…

Toàn cảnh Hội nghị.

Toàn cảnh Hội nghị.

Năm 2024, triển khai 8 giải pháp trọng tâm

Thay mặt lãnh đạo Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái biểu dương tập thể công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã đoàn kết, cố gắng, nỗ lực, quyết tâm vượt qua những khó khăn, thách thức để đạt được những thành tích đáng ghi nhận nêu trên, góp phần ổn định, phát triển kinh tế - xã hội đất nước, đảm bảo an sinh xã hội cho Nhân dân.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã đóng góp nhiều kết quả quan trọng trong việc triển khai chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước.

Đây là một trong những điểm sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội năm 2023, góp phần đổi mới cách tiếp cận chính sách xã hội như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu kết luận tại Hội nghị Trung ương 8, khoá XIII: phát triển xã hội “từ bảo đảm và ổn định sang ổn định và phát triển; gắn với quản lý phát triển xã hội bền vững, nâng cao phúc lợi xã hội toàn dân, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh con người, an ninh xã hội”; khẳng định tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Dự báo trong năm 2024, nền kinh tế - xã hội sẽ còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Để tiếp tục hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2024, với phương châm hành động của toàn Ngành "Đoàn kết, kỷ cương, linh hoạt, sáng tạo, chuyên nghiệp, hiệu quả, đổi mới, phát triển, lập thành tích xuất sắc hướng tới kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Bảo hiểm xã hội Việt Nam", Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam cần tập trung triển khai 8 nhóm giải pháp trọng tâm sau:

Một là, bám sát chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các mục tiêu, kế hoạch trong Chiến lược phát triển ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đến năm 2030 theo Quyết định số 38/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ, kịp thời cụ thể hóa thành các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để triển khai trong toàn Ngành.

Hai là, nắm bắt, đánh giá các vướng mắc trong thực tiễn triển khai, từ đó, phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật cho phù hợp.

Ba là, đổi mới hơn nữa nội dung, hình thức, phương pháp truyền thông để người dân có thể tiếp cận tốt nhất mọi thông tin về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Bốn là, triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển người tham gia; đôn đốc thu, giảm tiền chậm đóng; giải quyết, chi trả kịp thời, đầy đủ các quyền lợi về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất; kịp thời xử lý các hành vi vi phạm.

Năm là, khai thác, phát huy tối đa hiệu quả công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu của Ngành để kiểm tra, phòng ngừa gian lận, trục lợi quỹ; thực hiện đồng bộ các biện pháp để quản lý quỹ an toàn, tăng trưởng bền vững, hiệu quả.

Sáu là, tiếp tục rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính; mở rộng các hình thức cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.

Đẩy nhanh chuyển đổi số; hoàn thiện và kết nối hệ thống dữ liệu chuyên ngành về Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; cơ sở dữ liệu Quốc gia về bảo hiểm; ...

Bảy là, quản lý cơ chế tài chính các quỹ đảm bảo đúng quy định an toàn, bền vững và hiệu quả.

Tám là, tiếp tục kiện toàn, tinh gọn tổ chức bộ máy; nâng cao chất lượng đội ngũ; phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu.

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng chỉ đạo, trong quá trình triển khai thực hiện, các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố cần tổng hợp, nghiên cứu, phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam để giải quyết theo đúng thẩm quyền nhằm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được giao, cụ thể:

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế nghiên cứu, sớm báo cáo, trình Chính phủ để trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung đồng bộ Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Việc làm và các luật liên quan phù hợp với tinh thần các Nghị quyết của Trung ương về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Các Bộ, ngành có liên quan sớm hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, về khám bệnh, chữa bệnh, lao động... liên thông, chia sẻ với cơ quan Bảo hiểm xã hội, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc thực hiện giao dịch điện tử; tăng cường tính chính xác, công khai, minh bạch, hạn chế tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành, chính quyền các cấp phối hợp chặt chẽ với ngành Bảo hiểm xã hội trong việc triển khai thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn; đồng thời, đưa chỉ tiêu, kế hoạch thực hiện lộ trình phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp vào nghị quyết, chương trình hành động, xác định đây là một trong những chỉ tiêu quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, huy động sự chung tay của toàn xã hội để mở rộng độ bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Tại Hội nghị, thừa uỷ quyền của Chủ tịch nước, Thủ Tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã trao tặng:

1) Huân chương Lao động hạng Ba cho 2 cá nhân thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, gồm: Ông Đỗ Ngọc Thọ, Trưởng Ban Thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội và bà Nguyễn Thu Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh tra - Kiểm tra, đã có thành tích xuất sắc trong công tác từ năm 2017 đến năm 2021, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

2) Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc” cho ông Nguyễn Thế Mạnh, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đã có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước.

Thuỷ Uyên