LTS: C1X6 là tên gọi các khóa học đặc biệt của Đại học Kỹ thuật Quân sự (nay là Học viện Kỹ thuật Quân sự) từ những năm đầu thập niên 70 thế kỷ 20, với nguồn tuyển chọn là những sĩ quan quân sự nòng cốt cùng các học sinh phổ thông.
Học viên khóa học này được đào tạo để gửi đi Liên Xô học đại học, nhằm đào tạo nguồn nhân lực cao về khoa học kỹ thuật cho đất nước.
Thiếu tướng Đặng Quốc Bảo, Hiệu trưởng trường Đại học Kỹ thuật quân sự khi đó, đã dành cho tác giả Lê Phương Mai một cuộc trò chuyện về cuộc thử nghiệm giáo dục này nhân dịp kỷ niệm 72 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Tác giả gửi tới Báo điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết này. Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả.
Mô hình hoàn toàn mới
PV: Thưa ông, ông có thể cho biết đôi điều về bối cảnh ra đời chương trình C1X6?
Thiếu tướng Đặng Quốc Bảo: Ý tưởng về việc lấy nguồn từ các học sinh phổ thông giỏi đi đào tạo trực tiếp trong quân đội hình thành từ những năm 60.
Khi đó tôi là thư ký cho Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Khoảng năm 1967, khi Đại tướng từ miền Nam ra Bắc, tôi đã đề cập ý tưởng này và Đại tướng rất ủng hộ.
Sau khi Đại tướng mất, tôi chuyển về làm Hiệu trưởng trường Đại học Kỹ thuật quân sự mới thành lập (năm 1968 – PV).
Khi Hiệp định Paris được ký kết năm 1973, dưới sự ủng hộ của GS.Tạ Quang Bửu - Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp thì tôi bắt tay ngay vào xây dựng và thực hiện đề án.
Ông Đặng Quốc Bảo (bên trái) chụp với Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 1975 (Ảnh: Nhân vật cung cấp) |
Lúc này, cuộc kháng chiến của dân tộc đã vào giai đoạn kết thúc, chúng ta bước vào giai đoạn chuẩn bị cho tương lai. Chúng tôi nhận được sự ủng hộ của cả GS.Tạ Quang Bửu, Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Những sinh viên được đào tạo đó sẽ là một lớp người ưu tú, là lực lượng làm khoa học kỹ thuật cho đất nước, có phẩm chất chính trị tốt.
Cần phải nói là đề án đó rất phù hợp thời điểm ấy, phù hợp với tinh thần vươn lên của một dân tộc sau chiến tranh. Giới trẻ Việt Nam cần được tạo điều kiện để phát triển vì tố chất con người Việt Nam không thua kém gì thế giới.
Việc đào tạo của đề án có gì khác biệt so với mô hình giáo dục thông thường thời đó, thưa ông?
Thiếu tướng Đặng Quốc Bảo: Khác biệt đầu tiên là các bạn trẻ được chọn lựa trong các khóa học đó đều có sức học vượt trên mặt bằng chung, có thể coi là nguồn trí thức cao cấp, có thể bắt kịp với thế giới (ngoài lực lượng sĩ quan nòng cốt còn có học sinh các trường chuyên, điểm thi Đại học từ 23 trở lên, trong đó Toán phải được ít nhất 8 điểm - PV).
Hai là sử dụng môi trường quân đội để đào tạo. Các bạn được học tập theo đúng kỷ luật nhà binh, rất chặt chẽ, có định hướng.
Khi đã vào cuộc là tinh thần chiến đấu cao. Các bạn đó đều đã là những người có tố chất tốt, khi ở cùng nhau thì thi đua nhau rất lớn.
Bởi đây không chỉ là đào tạo các cá nhân, mà là đào tạo một đội ngũ. Trong đó cũng có cả sự đào thải. Một sự vươn lên nào cũng có đào thải, càng vươn lên càng phải có đào thải. Những người sau đó được chọn đi nước ngoài học tiếp đều được các giáo viên Liên Xô khen ngợi.
Vậy chương trình học có gì khác biệt, thưa ông?
Thiếu tướng Đặng Quốc Bảo: Các bạn đó được học với các giáo viên giỏi. Ngoài giảng viên của Đại học Kỹ thuật Quân sự, chúng tôi mời các giáo viên giỏi nhất của Đại học Bách khoa, Đại học Tổng hợp về giảng dạy.
Về khoa học cơ bản trong nước khi đó không đâu bằng được hai trường đó. Giáo trình học chúng tôi tham khảo từ Liên Xô, Trung Quốc, rồi bổ sung thêm từ thế giới.
"Kiên quyết không chấp nhận tư tưởng phi chính trị hóa lực lượng vũ trang"(GDVN) - Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu này tại lễ đón nhận Huân chương Quân công hạng Nhất và kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống Học viện Chính trị (Bộ Quốc Phòng). |
Thư viện của trường khi đó có tới 4 triệu đầu sách, nhiều sách quý chúng tôi đi tìm từ nước ngoài về.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng hết sức quan tâm tới các sinh viên. Đại tướng cũng đã đến thăm trong thời gian đó, đặc biệt quan tâm tới thư viện.
Các bạn học kỹ thuật, cũng được rút kinh nghiệm dần để tăng cường các giờ thực hành.
Ngoài ra, cơ sở vật chất, chế độ ăn uống cho sinh viên cũng được ưu tiên hết mức. Phải ăn no mới khỏe mạnh để học giỏi được.
Khi đó Bộ Quốc phòng đã quyết định cho sinh viên ăn theo chế độ tương đương chế độ cán bộ quân đội cao cấp. Nghèo thì nghèo nhưng vẫn phải tạo điều kiện cho lớp trẻ là vậy.
Bây giờ nói ra thì thấy bình thường nhưng khi đó, Đảng, Nhà nước, quân đội đã tạo điều kiện tốt nhất, ưu đãi nhất để các sinh viên trẻ hết lòng học tập.
Hãy học với tinh thần người lính
Theo ông, việc có các chính sách đặc biệt để đào tạo nhân lực chất lượng cao thời đó, có bài học như thế nào đến hiện nay?
Thiếu tướng Đặng Quốc Bảo: Thành tựu lớn nhất của đề án đó là khơi dậy trách nhiệm dân tộc, khơi dậy trí tuệ dân tộc. Và lớp người đó cũng tạo tiền đề cho cả các thế hệ bây giờ.
Tôi biết nhiều lớp con cháu của những người trưởng thành từ đề án đó bây giờ lại tiếp tục theo các bậc cha anh, đạt được nhiều thành công.
Nó cũng chứng minh rằng chúng ta hoàn toàn có khả năng đưa lớp trẻ phát triển nếu có đường lối tốt, bởi lớp trẻ không thua bất cứ đâu trên thế giới, chỉ là chưa khai thác ra thôi.
Chúng ta bây giờ không nhất thiết phải mở rộng môi trường quân đội như đề án, vì quân đội có tính đặc trưng riêng. Nhưng tinh thần người lính thì cần. Và cần những chương trình đào tạo như vậy.
Vì nguồn dự trữ con người rất lớn. Khả năng của người Việt vẫn còn chưa đượ đánh thức đúng. Nhiều năm qua các trường đại học trong hệ thống giáo dục chính quy đầu tư nhiều nhưng hiệu quả vẫn thấp. Điều đó nghĩa là cần chính sách để tăng cường đào tạo, đánh thức tiềm năng.
Thiếu tướng Đặng Quốc Bảo (SN 1927), nguyên Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban khoa giáo TƯ Đảng, nguyên Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, nguyên Hiệu trưởng kiêm Chính ủy trưởng Đại học Kỹ thuật Quân sự. |
Chúng ta cũng cần có sự công bằng. Người ưu tú phải được ưu đãi, được tạo điều kiện, chứ không phải trình độ kém mà con ông cháu cha thì lại được cất nhắc.
Mục tiêu của đề án khi đó là để chuẩn bị kỹ năng đưa sinh viên ra nước ngoài học tập. Bây giờ việc đi học nước ngoài đã dễ dàng hơn. Nhưng thưa ông, hiện nay, sinh viên ra nước ngoài thường không thích về Việt Nam, hiện tượng “chảy máu chất xám” có là chuyện đáng lo?
Thiếu tướng Đặng Quốc Bảo: Giới trẻ bây giờ cần phải đi khắp thế giới, mở rộng giao tiếp, không thể cứ bắt họ chỉ tập trung ngồi một chỗ trong nước.
Tôi gặp nhiều bạn trẻ, người ta cũng sẵn sàng về thôi. Người Việt Nam gắn bó với Tổ quốc chứ. Họ tự hào là người Việt Nam, gọi là về đấy.
Nhưng chính sách chúng ta phải mở đường. Thế giới giờ hẹp lắm, chính sách chưa tạo môi trường cho lớp trẻ thì các bạn ấy đi thôi. Cứ cho các bạn đi, tìm kiếm được môi trường tốt thì đi sẽ tốt.
Hơn nữa tôi nghĩ rằng đối với những người có khả năng thì thế giới chỉ là một. Ngày hôm nay trong nước, ngày mai ra nước ngoài, ngày kia họ trở về.
Địa bàn là cả thế giới, là đi khắp chứ không phải chỉ một chỗ. Một chuyến đi là một sàng khôn. Như đề án đào tạo, chúng tôi cũng hướng tới tạo điều kiện để sinh viên được đi đây đó, giao lưu mở rộng.
Ngày xưa còn hạn chế là không được ra thế giới. nhưng lúc đó các bạn ấy đã được đưa ra Liên Xô học. Mà vấn đề giao lưu với thế giới nó quyết định nhiều thứ.
Xin trân trọng cảm ơn Thiếu tướng.
Năm 1972, khóa học đầu tiên đào tạo dự bị đại học tại Trường Đại học Kỹ thuật quân sự (nay là Học viện Kỹ thuật quân sự) được tổ chức với 40 học viên quân sự. Năm 1973, có 150 quân nhân và nhiều học sinh được tuyển chọn và thành lập đại đội C186 (1974-1975). Có 10 khóa được đào tạo từ chương trình này. Nhiều gương mặt từ C1X6 đã có thành công. Ít nhất 4 học viên trở thành cấp Thứ trưởng hoặc tương đương của các bộ, ngành ngoài quân đội. Trong quân đội có khoảng 20 người cấp tướng, cùng nhiều người thành công ở các lĩnh vực ngoài quân đội như GS Lê Tuấn Hoa, Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam, Phạm Ngọc Minh - Tổng giám đốc Vietnam Airlines, Cao Duy Hải - Tổng giám đốc Vinaphone, Tống Viết Trung - Phó Tổng giám đốc Viettel, Trương Gia Bình - Chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn FPT… |