Bí quyết ôn thi tiếng Anh vào lớp 10, hãy làm lại từ các câu mắc sai lầm

05/05/2020 06:30
Đỗ Thơm
0:00 / 0:00
0:00
(GDVN) - "Khi làm đề thử, các em hãy ghi ra câu sai, sau đó xem nguyên nhân tại sao mình lại sai câu đó", cô Trần Thị Thúy Nga nêu kinh nghiệm ôn thi môn Tiếng Anh

Năm nay, kì thi tuyển sinh vào lớp 10 của Hà Nội đã giảm xuống còn 3 môn, phần nào giảm bớt được áp lực cho học sinh khối 9 trên địa bàn.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là các em có thể chủ quan, thay vào đó, học sinh cần dành thời gian để ôn thật kĩ 3 môn thi là Toán, Văn, Anh.

Trong 3 môn trên, phần lớn các em sợ nhất là Tiếng Anh.

Cô Trần Thị Thúy Nga. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Cô Trần Thị Thúy Nga. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Cô Trần Thị Thúy Nga – giáo viên Tiếng Anh – Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Ban Mai (Hà Đông – Hà Nội) đã chia sẻ về trọng tâm ôn tập của kì thi, kĩ năng các em cần có cũng như một số vướng mắc mà các em thường gặp để quá trình chuẩn bị và làm bài thi đạt kết quả tốt nhất.

Điểm đầu tiên, đó là trọng tâm của kì thi. Khác với môn Toán, Văn, kiến thức của môn Tiếng Anh sẽ bao hàm gần như toàn bộ kiến thức từ trước tới nay các em đã học.

Nếu học sinh nắm được hết những mảng kiến thức đó thì điểm 9 điểm 10 là điều hoàn toàn có thể mơ ước tới.

Tuy nhiên, cũng có nhiều học sinh thế mạnh không phải ở môn Tiếng Anh và các em đang hướng tới một số điểm vừa phải.

Cô Nga nhấn mạnh, các em nên đặt mục tiêu điểm bài thi để có được chiến lược ôn thi đúng đắn nhất.

Với các học sinh còn chưa chắc về mảng kiến thức, cô Nga có lời khuyên là các em hãy ôn tập lại toàn bộ nội dung các đề mục ngữ pháp trong sách giáo khoa lớp 9 trước, sau đó làm bài tập.

Khi ôn các em lưu ý ôn đâu chắc đến đó, học lý thuyết kèm theo thực hành.

Với những bạn khá hơn, đặt mục tiêu điểm 7, 8, các em cần xem lại ngữ pháp của chương trình lớp 9, tìm thêm các bài thi thử để đánh giá năng lực của mình, làm nhiều hơn các bài đọc và làm quen nhiều hơn với các dạng bài.

Với những bạn mong muốn mục tiêu là 9, 10 điểm, các em đã nắm chắc kiến thức, lúc này nhiệm vụ của các em là tìm các quyển sách bổ trợ nâng cao hơn, để chúng ta có thể luyện tập với nhiều dạng bài nâng cao và nhớ phải luyện kĩ năng làm bài cẩn thận.  

Một bài thi môn Tiếng Anh sẽ có các dạng bài chính bao gồm ngữ âm (tìm trọng âm và tìm từ có cách phát âm khác), dạng bài chọn đáp án đúng, trong đó sẽ kiểm tra kiến thức ngữ pháp và kiến thức từ vựng.

Ngoài ra, sẽ có dạng bài đọc điền từ, đọc trả lời câu hỏi để kiểm tra khả năng hiểu cũng như cách sử dụng từ theo hoàn cảnh. Một dạng nữa học sinh cần nắm được đó là dạng bài phát hiện lỗi sai.

Chi tiết phương thức tuyển sinh lớp 10 chuyên ở Hà Nội năm học 2020-2021
Chi tiết phương thức tuyển sinh lớp 10 chuyên ở Hà Nội năm học 2020-2021

Dạng cuối cùng đó là tìm câu tương đương, chủ yếu kiểm tra khả năng nắm cấu trúc và vận dụng cấu trúc của học sinh.

Đó là một số dạng bài chính sẽ xuất hiện trong kì thi.

Cô Nga khuyên các em học sinh cần đọc kĩ xem đề bài yêu cầu chúng ta làm gì. Sau đó các em đọc kĩ phần nội dung và phân tích, vận dụng kiến thức để tìm câu trả lời phù hợp.

Các em có thể sử dụng cách loại trừ, đoán từ theo văn cảnh với dạng bài đọc. Và trong bài thi, sẽ có rất nhiều những bẫy, đặc biệt là các từ giống nhau, các cấu trúc tương tự nhau.

Các em có thể tìm các bài của từng dạng trên để luyện riêng, hoặc có thể tìm các đề tổng hợp.

Cô Nga lưu ý với học sinh, khi ôn, dạng nào các em thường gặp vấn đề nhiều nhất thì các em hãy dành thêm thời gian làm dạng đó.

Khi làm đề thử, các em hãy ghi ra câu sai, sau đó xem nguyên nhân tại sao mình lại sai câu đó, có thể là do nhầm công thức, không để ý số ít số nhiều... Khi các em biết nguyên nhân rồi, lần sau gặp lại chúng ta sẽ không mắc sai lầm nữa.

Đỗ Thơm