Bị "tố" cho thuê phòng học, Giám đốc TT GDNN-GDTX Nguyễn Văn Tố phủ nhận

13/12/2023 10:44
Trung Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Độc giả cho rằng, Trung tâm GDNN-GDTX Nguyễn Văn Tố cho thuê phòng thực hành trên phố Quán Sứ vào mục đích kinh doanh.

Mới đây, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được phản ánh về việc, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) sử dụng một số phòng thực hành nghề trên phố Quán Sứ vào mục đích cho thuê, có thu tiền hàng tháng.

Độc giả cho rằng, việc trung tâm cho thuê các phòng chức năng như trên là không đúng quy định, đồng thời tạo ra sự lộn xộn, nhếch nhác khi có sự hoạt động của người ngoài trung tâm trong phạm vi được quy hoạch chỉ sử dụng cho mục đích giáo dục.

Để làm rõ những phản ánh của độc giả, phóng viên có đã khảo sát thực tế tại trung tâm này trong ngày 1/12.

Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố có một mặt nằm trên phố Thợ Nhuộm và mặt còn lại nằm trên phố Quán Sứ, thuộc quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.

Cơ sở của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố tại phố Thợ Nhuộm. Ảnh: Trung Dũng

Cơ sở của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố tại phố Thợ Nhuộm. Ảnh: Trung Dũng

Thời điểm phóng viên đến, tại đây có 2 người. Ngoài bảo vệ, có một người nữa phụ trách công tác tuyển sinh. Sau khi qua cổng chính, bảo vệ hướng dẫn phóng viên vào phòng tuyển sinh ngay bên phải lối ra vào.

Khi nói lên nhu cầu của mình muốn học nghề, người phụ nữ phụ trách tuyển sinh giới thiệu: "Ngày trước thì trung tâm có đào tạo các nghề như: Nấu ăn, cắt may, cắm hoa, trang điểm, tin học, sửa chữa xe máy, điện tử - điện lạnh, điện gia dụng và cắt tóc. Tuy nhiên, hiện tại trung tâm chỉ còn đào tạo 3 nghề là: điện tử - điện lạnh, cắt tóc và nấu ăn.

Học phí mỗi khóa học dao động từ 3 đến 4 triệu đồng. Thời gian mỗi khóa học là 3 tháng. Với các khóa học như thế này chủ yếu là thực hành, hầu như không phải học lý thuyết".

Về hồ sơ, người phụ nữ này nói: "Không cần hồ sơ gì cả, chỉ cần mang chứng minh thư và đóng học phí là có thể vào học".

Phóng viên đề cập, sau khi đăng ký một trong các ngành nghề nói trên thì học viên sẽ học ở đâu? Người này cho biết, vì là khóa đào tạo nghề ngắn hạn nên toàn bộ quá trình học viên chỉ cần đến các phòng thực hành nghề nằm trên phố Quán Sứ để học.

Đồng thời nhấn mạnh lại một lần nữa: "Học viên chỉ học thực hành ở đó, không cần phải lên trên tầng 2 của trung tâm để học lý thuyết". Sau đó, người này chỉ dẫn phóng viên sang phố Quán Sứ để khảo sát địa điểm học.

Theo quan sát của phóng viên, trên phố Quán Sứ có gần chục gian phòng được ngăn ra với diện tích mỗi phòng khoảng 15 đến 20 m2. Có khoảng 3 phòng đang được sử dụng, các phòng còn lại đều đóng cửa kín mít. Phía trên những phòng đang đóng cửa, các biển hiệu cũ kỹ đã bị bong tróc, số khác thì bị hoen ố, trơ khung sắt, nhếch nhác.

Đáng chú ý, tại phòng có treo biển "dạy nghề trang điểm và tạo mẫu tóc" phía trên biển hiệu đề tên của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố nhưng phía dưới có treo biển nhỏ ghi là "Hair Salon Lan Anh".

Thấy phóng viên ngó nghiêng tìm hiểu, một người đàn ông trong "Hair Salon Lan Anh" bước ra hỏi: "Anh đến cắt tóc hay là thuê mặt bằng?". Trước câu nói của người này, phóng viên thắc mắc: "Ở đây cũng cho thuê mặt bằng ạ?".

Người đàn ông này nói: "Mặt bằng này tôi cũng đang thuê, cả bên cạnh nữa cũng do tư nhân thuê lại của trung tâm hết. Trông thế này thôi nhưng gần 2 chục triệu đồng một tháng đấy".

Phóng viên đề cập, nếu là tư nhân thuê thì học viên của trung tâm có được học thực hành ở đây không? Về việc này, người đàn ông cho biết thêm: "Nếu học thì học trên tầng 2 của trung tâm ấy, ở đây không nhận đào tạo và cũng không liên quan gì đến trung tâm cả.

Mà kể cả có học viên học nghề này thì trung tâm họ cũng đẩy đi đâu ấy, không cho vào học ở đây".

Biển hiệu phía trên đề tên của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố, tuy nhiên ở dưới vẫn treo biển (trong ô khoanh vàng) là ""Hair Salon Lan Anh". Ảnh: Trung Dũng

Biển hiệu phía trên đề tên của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố, tuy nhiên ở dưới vẫn treo biển (trong ô khoanh vàng) là ""Hair Salon Lan Anh". Ảnh: Trung Dũng

Khi phóng viên thắc mắc biển hiệu, tại sao bỏ tiền ra thuê nhưng không treo biển tên thương hiệu của cửa hàng mà vẫn phải gắn tên của trung tâm lên như vậy? người này nói: "Không thể treo biển tên cửa hàng lên được, chỉ có thể để vậy nếu lỡ bên Sở có hỏi thì trung tâm còn có cái để trả lời. Còn tiền thuê thì vẫn bị thu đầy đủ".

Để có thêm thông tin khách quan về việc này, phóng viên đã liên hệ với lãnh đạo Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố để tìm hiểu.

Tại buổi làm việc ngày 7/12, trước những thông tin được phóng viên nêu ra, thầy Phạm Đức Nam - Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố phủ nhận sự việc như trên.

Vị này lên tiếng khẳng định: "Từ trước tới nay chưa bao giờ Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố cho người ngoài thuê mặt bằng để kinh doanh như vậy".

Phóng viên nêu thực tế khảo sát 2 phòng học trên, thầy Phạm Đức Nam cho biết, có hai giáo viên hợp đồng của trung tâm đang phụ trách hai phòng đào tạo nghề mà phóng viên đề cập. Việc có một số gian phòng trên phố Quán Sứ không hoạt động là do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và xu thế nghề nghiệp, vì không có học viên theo học nên các gian phòng đó buộc phải đóng cửa.

"Vì các nghề hiện tại mà trung tâm đào tạo cũng đang có rất ít học viên theo học nên chúng tôi có phương án hỗ trợ cho các giáo viên dạy hợp đồng là khi nào có học viên của trung tâm thì giáo viên sẽ giảng dạy và thu tiền, khi không có người học thì có thể cho khách vào làm dịch vụ và thu tiền. Trong đó, trung tâm sẽ chỉ thu lại 50% kinh phí khóa học thu từ mỗi học viên, 50% kinh phí còn lại giáo viên được nhận.

Đối với số tiền thu được từ các hoạt động dịch vụ thì giáo viên phụ trách các địa điểm này không cần phải nộp về trung tâm.

Hiện tại, cơ sở nằm trên phố Quán Sứ đã xuống cấp, quận Hoàn Kiếm cũng đã có chủ trương phá bỏ để xây dựng mới lại trung tâm. Vì thế, hiện trạng mặt bằng của các gian phòng thực hành tại cơ sở đó vẫn giữ nguyên, chúng tôi đang duy trì một số hoạt động như vậy chứ hoàn toàn không có việc cho người ngoài thuê để kinh doanh", Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố khẳng định.

Chia sẻ thêm về các khoản thu nói trên, thầy Nam cho biết: "Đối với khoản thu từ học phí của học viên/1 khóa học, hiện trung tâm đang thu về 50% sẽ được báo cáo với đơn vị chủ quản. Còn các khoản phụ nhà trường không thu về nhằm mục đích là để hỗ trợ và giữ chân giáo viên nên trung tâm không báo cáo".

Vị này khẳng định, các mức thu đang được trung tâm thực hiện theo đúng quy định.

Về thông tin, tại thời điểm phóng viên ghi nhân thực tế không có học viên nào được đào tạo tại các phòng thực hành nghề cắt tóc và nấu ăn, lãnh đạo Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố cho rằng, điều đó là không đúng.

Theo thầy Nam, vì lượng học sinh ít nên có đợt sẽ có học viên, có đợt không. Hoặc có thời điểm học viên được bố trí học lý thuyết ở trên tầng 2 của trung tâm này.

"Vì số lượng học viên theo học các khóa học nghề ngắn hạn tại cơ sở trên phố Quán Sứ là rất ít nên có thể nhiều người nghĩ rằng học viên không được học tại các phòng thực hành nghề của trung tâm, nhưng điều đó là không đúng. Các học viên thỉnh thoảng vẫn được học bình thường tại các địa điểm nói trên", thầy Nam nhấn mạnh.

Trung Dũng