Không chỉ dừng lại ở câu chuyện lập khống, làm giả hồ sơ thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ mà một số lãnh đạo của UBND quận Đống Đa (Hà Nội) còn bị "tố" đã rút tiền Nhà nước dùng cho chi trả bồi thường, hỗ trợ để sử dụng sai mục đích.
Ngày 02/12/2011, UBND quận Đống Đa ban hành Quyết định số 6209/QĐ-UBND về việc “Phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ thiệt hại khi nhà nước thu hồi đất giải phóng mặt bằng (GPMB) của hộ gia đình ông Đỗ Đức Sơn, tại địa chỉ số 71, ngách 195, ngõ Xã Đàn 2, phường Nam Đồng, quận Đống Đa để thực hiện dự án cống hóa mương và xây dựng tuyến đường từ cống Chẹm đến sông Lừ”.
Quyết định trên nêu rõ: ông Đỗ Đức Sơn được hưởng số tiền bồi thường, hỗ trợ là 491,896 triệu đồng… Quá thời hạn 07 ngày kể từ ngày có giấy mời nếu ông Sơn không đến nhận, số tiền trên sẽ được nộp vào Kho bạc Nhà nước.
Tại Khoản 2, Điều 56, Quyết định số 108/2009/QĐ-UBND ngày 29/9/2009 của UBND TP. Hà Nội quy định: “Trong thời gian 03 ngày kể từ khi có quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, UBND cấp xã phối hợp với tổ công tác và chủ đầu tư niêm yết công khai toàn bộ phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư, thông báo thời gian nhận tiền bồi thường…”.
Thực tế thì chủ sử dụng nhà đất không hề biết có việc UBND quận Đống Đa thực hiện dự án, không hề biết có việc bồi thường, hỗ trợ nên tất nhiên người dân sẽ không nhận được số tiền bồi thường, hỗ trợ gần 500 triệu của Nhà nước.
Quyết định Phê duyệt phương án của UBND quận Đống Đa. |
Nếu người dân không nhận tiền, căn cứ vào Quyết định số 6209/QĐ-UBND của UBND quận Đống Đa và Khoản 2, Điều 56, Quyết định số 108/2009/QĐ-UBND của UBND TP. Hà Nội thì tối đa 10 ngày kể từ khi có Quyết định phê duyệt phương án bồi thường (tức tối đa đến ngày 12/12/2011), UBND quận Đống Đa phải chuyển số tiền trên (gần 500 triệu đồng) vào Kho bạc Nhà nước.
Tuy nhiên, trên các tài liệu và văn bản của UBND quận Đống Đa lại thể hiện UBND quận đã không làm như vậy. Tại Công văn số 1240/UBND_TTr ngày 19/12/2014 của UBND quận Đống Đa xác nhận: “Thực tế, tại thời điểm đến tháng 12/2014 số tiền đến bù GPMB của chủ sử dụng đất 163 Xã Đàn đang được lưu giữ tại Kho bạc quận Đống Đa”.
Còn chủ sử dụng đất – bà Lê Thị Thanh Hằng, trong đơn thư gửi các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội và Báo điện tử Giáo dục Việt Nam quả quyết cho rằng: “Ông Vũ Minh Hồng, Phó Chủ tịch UBND phường Đống Đa , ông Nguyễn Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Quận ủy (trước là Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường), ông Trương Thế Khôi , Trưởng ban GPMB… đã cố ý làm trái quy định Nhà nước lập hồ sơ GPMB giả mạo, dùng các quyết định thu hồi đất trái pháp luật để sử dụng nguồn vốn ngân sách trái quy định của Nhà nước; Để che dấu cho các sai phạm, Ban quản lý dự án và ông Nguyễn Song Hào – Chủ tịch UBND quận đã lập các quyết toán tài chính gian dối sai sự thật; ông Hào còn chỉ đạo Ban quản lý khắc phục bằng cách gửi trả số tiền vào tài khoản Kho bạc nhằm mục đích đối phó…”.
Ngoài ra, từ việc các phòng ban chức năng của UBND Đống Đa đã thực hiện các thủ tục thu hồi đất tại 163 Xã Đàn có nhiều sai phạm, dẫn đến nếu sau này thực hiện lại các thủ tục, số tiền “đội” lên hàng trăm triệu đồng nếu tính giá trị thời điểm đền bù là điều khó tránh khỏi. Ai phải chịu trách nhiệm cho số tiền này? Hay Nhà nước lại tiếp tục phải trả tiền cho những sai phạm này của cán bộ quận Đống Đa?
Tại Thông báo số 15/TB-UBND ngày 20/1/2014 của UBND quận Đống Đa cũng thừa nhận: “Việc bà Lê Thị Thanh Hằng tố cáo ông Vũ Minh Hồng, Phó Chủ tịch UBND phường Nam Đồng và bà Nguyễn Thu Hương, cán bộ địa chính phường Nam Đồng xác nhận sai nguồn gốc đất, chủ sử dụng đất là tố cáo đúng. Việc ông Hồng, bà Hương đã thiếu trách nhiệm trong việc xác nhận đã gây đơn thư khiếu kiện vượt cấp kéo dài, tạo điểm nóng trong khu vực, làm mất uy tín lãnh đạo UBND quận…”. UBND quận Đống Đa cũng yêu cầu UBND phường Nam Đồng kiểm điểm trách nhiệm của ông Hồng, bà Hương với hình thức “xử lý nghiêm theo quy định của Luật Công chức”.
Phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam cũng nhiều lần liên hệ với ông Nguyễn Song Hào, Chủ tịch UBND quận Đống Đa để có thông tin về vụ việc trên nhưng ông cũng nhiều lần lấy lý do "đi công tác" để từ chối làm việc.
Như vậy, số tiền gần 500 triệu đồng mà Nhà nước đã chi để bồi thường, hỗ trợ cho người dân từ thời điểm tháng 12/2011 nhưng đến tháng 12/2014, UBND quận mới xác nhận đang lưu giữ tại Kho bạc quận Đống Đa. Vậy, trong suốt thời gian 03 năm, số tiền này ở đâu? Ai sử dụng? sử dụng vào mục đích gì?
Báo điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.
Điều 278, Bộ luật Hình sự quy định Tội tham ô tài sản 1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: a) Gây hậu quả nghiêm trọng; b) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm; c) Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục A Chương này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: a) Có tổ chức; b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm; c) Phạm tội nhiều lần; d) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng; đ) Gây hậu quả nghiêm trọng khác. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười lăm năm đến hai mươi năm: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng khác. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác. 5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm, có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. |