Năm 2013 sắp qua đi, những diễn biến xung quanh tình hình Biển Đông lúc khiến cho người ta phải giật mình lo ngại, nhưng cũng có lúc tưởng chừng như đang biển lặng sóng yên. Trên thực tế, Trung Quốc (TQ) vẫn không từ bỏ tham vọng của mình, ngược lại dùng xảo thuật ngôn từ để đánh lạc hướng dư luận và tiếp tục âm thầm tìm cách khẳng định yêu sách vô lý, phi pháp của họ ở Biển Đông.
Tổng kết lại một năm những sự kiện, diễn biến và đánh giá xung quanh tình hình Biển Đông để cung cấp cho độc giả một cái nhìn toàn cảnh, xuyên suốt và cả những dự báo xu hướng diễn biến năm 2014, Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ đã có cuộc trò chuyện với báo Điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này.
Tiến sĩ Trần Công Trục. |
- PV: Thưa Tiến sĩ Trần Công Trục, là người theo dõi thường xuyên tình hình Biển Đông và nghiên cứu vấn đề Biển Đông trên góc độ pháp lý, quản lý, xin ông vui lòng cho biết một vài đánh giá khái quát về tình hình Biển Đông trong năm 2013?
- Ts Trần Công Trục: Tình hình Biển Đông trong năm 2013 dư luận đều thấy rõ, các hoạt động ngoại giao, tuyên truyền cũng như diễn biến thực tế, đặc biệt là vai trò của truyền thông chúng ta đã có nhiều phản ánh trung thực và kịp thời, các hãng thông tấn nước ngoài cũng rất quan tâm, và mỗi khi xảy ra sự kiện đều được đưa tin nhanh và đưa ra nhiều phân tích dưới góc nhìn đa chiều.
Năm qua Biển Đông có nhiều diễn biến rất sôi động với nhiều chiều hướng khác nhau. Trong cuộc Hội thảo Quốc tế lần thứ năm: "Biển Đông: Hợp tác vì An ninh và Phát triển trong Khu vực" do Học viện Ngoại giao phối hợp với Hội Luật gia Việt Nam tổ chức tại Hà Nội từ ngày 11-12 tháng 11 năm 2013, một học giả Úc có câu hỏi rất thú vị: TQ đang muốn gì ở Biển Đông?
Mới nghe tường chừng là câu hỏi rất khôi hài, nhưng để trả lời cho rành rọt và thuyết phục không phải chuyện đơn giản, nếu không nắm rõ thực trạng và bản chất các động thái diễn biến về Biển Đông năm qua.
Trước hết, chúng ta cần phải đánh giá tại sao học giả đặt ra câu hỏi này. Việc một học giả quốc tế có tiếng trong vấn đề Biển Đông đặt ra câu hỏi đó cho thấy chính họ rất quan tâm và đang trăn trở về tình hình Biển Đông thời gian vừa rồi, có thể nói là rất phức tạp, gay gắt và nhạy cảm, nhưng có những lúc dư luận cảm thấy Biển Đông tưởng chừng như rất “yên lặng”.
Nếu quan sát vấn đề Biển Đông trên góc độ các hoạt động ngoại giao ta thấy có những sự kiện rất đáng chú ý. Ví dụ chuyến thăm các nước Đông Nam Á và phát biểu của Ngoại trưởng TQ, ông Vương Nghị luôn luôn nói rằng TQ sẵn sàng đàm phán COC với các bên, không muốn tranh chấp leo thang, Bắc Kinh rất thiện chí tìm cách giải quyết vấn đề qua đối thoại hòa bình, không có ý đồ nào trong việc khiến căng thẳng leo thang...
Thậm chí sau các tuyên bố ngoại giao ấy, họ còn xúc tiến một số cuộc họp ngay trên đất nước họ như “tham vấn” COC nhằm tìm cách chứng minh cho cái thiện chí họ vẫn nói.
Nhưng “tham vấn” chỉ là nói chuyện với nhau về COC, không có nội dung thiết thực, chẳng có mục đích rõ ràng, lộ trình cụ thể và hoàn toàn không nhằm vào mục tiêu cuối cùng là đàm phán, ký kết bộ Quy tắc ứng xử quan trọng này, bất chấp thực tế các bên liên quan đều rất mong muốn, thúc đẩy và đã chuẩn bị sẵn sàng mọi mặt.
Chỉ một việc “đồng ý tham vấn COC”, truyền thông TQ đã thổi lên thành một bước đột phá, nhân nhượng, thiện chí của Bắc Kinh mà không cần quan tâm tới kết quả thực sự của nó là gì.
Nhưng khi quan sát vấn đề Biển Đông trên bình diện thực tế lại có nhiều điều TQ họ làm trái với các phát biểu ngoại giao.
Tàu cá Việt Nam kiên cường bám biển, đương đầu với Hải giám Trung Quốc ở Hoàng Sa. |
Nhìn lại cách TQ đã làm, nửa đầu năm 2013 thì hùng hổ tập trận phô trương thanh thế, trống dong cờ mở, hải giám ngư chính tuần tra, bắt bớ ngư dân, rượt đuổi tàu cá Việt Nam đang đánh bắt hợp pháp trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa, mời thầu dầu khí bất hợp pháp với khu vực trong thềm lục địa của Việt Nam...khiến dư luận nóng lên từng ngày.
Nhưng nửa cuối năm 2013, những hoạt động phô trương tạo thanh thế này tạm lắng xuống để thay thế những bước đi khôn ngoan, nguy hiểm hơn. Đúng lúc này TQ tuyên bố “sẵn sàng tham vấn COC” với ASEAN khiến người ta có cảm giác Bắc Kinh đang “hạ nhiệt”, hay họ đã thay đổi, có “thiện chí” hơn trước. Đấy là mục đích nguy hiểm của TQ mà chúng ta cần nhận thức rất rõ.
Đặc biệt gần đây TQ đưa cụm tàu sân bay Liêu Ninh xuống Biển Đông. Chuyện mới đây nhất mà họ làm là tuyên bố áp đặt ADIZ ở Hoa Đông gây căng thẳng với Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Mỹ, đã vấp phải sự phản ứng rất mạnh mẽ nhưng vẫn úp mở khả năng lặp lại điều này ở Biển Đông trong một tương lai không xa. Đến nay họ vẫn tiếp tục duy trì các hoạt động (bất hợp pháp) này với lập luận cứng rắn của mình.
Quả thật điều này đã phản ánh ngay trong phát biểu của lãnh đạo cao nhất TQ, ông Tập Cận Bình từng công khai nhấn mạnh trong một cuộc họp Bộ Chính trị đầu năm 2013 rằng phải biến TQ thành siêu cường về biển, chỉ đạo chủ trương xử lý vấn đề tranh chấp lãnh hải với các nước ở Hoa Đông, Biển Đông là "chủ quyền thuộc TQ, gác tranh chấp, cùng khai thác", một chủ trương chắc chắn không ai chấp nhận được
Việc Philippines khởi kiện TQ vận dụng và giải thích sai Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) ở Biển Đông dẫn tới xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của các nước ven Biển Đông, trong đó có Philippines là hoàn toàn đúng luật, đầy đủ thủ tục, đúng quy trình và cơ quan tài phán quốc tế đã thụ lý.
Đó là một giải pháp hòa bình, thân thiện, thì Bắc Kinh lại luôn né tránh, thậm chí gây sức ép chính trị - kinh tế - ngoại giao - quân sự để ngăn chặn Manila làm điều này nhưng bất thành trong khi TQ vẫn nói rằng họ mong muốn giải quyết vấn đề Biển Đông thông qua giải pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Ông Tập Cận Bình từng phát biểu công khai trong phiên họp Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc đầu năm nay, chỉ đạo phương châm xử lý vấn đề trên biển với láng giềng là "chủ quyền thuộc Trung Quốc, gác tranh chấp, cùng khai thác", một chủ trương không ai chấp nhận được. |
Đó là thực tế, những hoạt động ấy cho ta thấy TQ vẫn không từ bỏ tham vọng (lãnh thổ bất hợp pháp) của mình, chính sách của TQ đối với Biển Đông vẫn không có gì thay đổi. Và cái gọi là “thiện chí” ấy chỉ là xảo thuật ngôn từ ngoại giao nhằm đánh lạc hướng dư luận.
Theo tôi chỉ có TQ mới có thể đưa ra câu trả lời chính xác là họ muốn gì ở Biển Đông, nhưng với những diễn biến vừa qua có thể thấy thực tế phát biểu của ông Tập Cận Bình đã trả lời câu hỏi này. Đó chính là những gì TQ đang muốn và họ tìm mọi cách thực hiện.
- PV: Trước tình hình đó, theo ông đánh giá thì phản ứng của Việt Nam chúng ta với tư cách một bên liên quan trực tiếp, có chủ quyền, quyền và lợi ích hợp pháp ở Biển Đông trong năm qua như thế nào?
- Ts Trần Công Trục: Là một bên liên quan trực tiếp, có chủ quyền, quyền và lợi ích hợp pháp ở Biển Đông, Việt Nam đã rất quan tâm, bám sát mọi diễn biến liên quan ở Biển Đông, đồng thời không ngừng nỗ lực tìm kiếm các giải pháp hòa bình để xử lý các tranh chấp, bất đồng trên Biển Đông.
Lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước đã thể hiện rất rõ quan điểm nhất quán của Việt Nam về vấn đề Biển Đông, đặc biệt điều này được phản ánh rõ nét, sinh động trong bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Đối thoại An ninh Shangri-la năm nay ở Singapore được dư luận trong nước, công luận khu vực và quốc tế rất hoan nghênh.
Phát biểu của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tại Đối thoại An ninh Shangri-la năm nay được dư luận đặc biệt hoan nghênh. |
Một mặt chúng ta vẫn liên tục củng cố khối đoàn kết trong ASEAN, trao đổi tìm kiếm đồng thuận chung trong khối về vấn đề Biển Đông có tính đến lợi ích thỏa đáng của các bên, đồng thời chúng ta cũng chủ động đối thoại với TQ để tìm kiếm các giải pháp hòa bình xử lý bất đồng trên biển mà hai bên có thể chấp nhận được trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS ở những khu vực chỉ liên quan trực tiếp đến 2 bên.
Tất nhiên chúng ta không muốn tình trạng tranh chấp phức tạp lên, gây ra những xung đột vũ trang hay chiến tranh, làm mất hòa bình ổn định. Chúng ta muốn TQ phải thay đổi một cách thiết thực, cụ thể, thực sự về chủ trương, đặc biệt là những yêu sách vô lý bị rất nhiều quốc gia trong khu vực và quốc tế phản đói.
Chúng ta đang cố gắng kiên trì chờ đợi câu trả lời phù hợp với mong muốn chung, nhưng trong thực tế cho thấy TQ không có gì thay đổi trong chiến lược của họ về vấn đề Biển Đông. Tôi nghĩ TQ vẫn tiếp tục làm một cách mạnh mẽ và bài bản hơn sau khi họ đã thăm dò, thử thách dư luận và phản ứng của các bên liên quan. Nếu phản ứng không đủ mạnh, không kịp thời, họ sẽ tiếp tục lấn tới để thực hiện cho bằng được tham vọng của mình.
Đón đọc Phần 2: Xu hướng Biển Đông năm 2014 và nguy cơ kép từ bầu trời và mặt biển
Hồng Thủy