Người dân Việt Nam tham gia tuần hành hòa bình phản đối các hành động và tuyên bố sai trái, bất chấp phát luật quốc tế của TQ (Ảnh minh họa) |
Tại cuộc họp báo ngày 14/5 ở Quai d’Orsay, trụ sở Bộ Ngoại giao Pháp, khi bình luận về những diễn biến căng thẳng ở Biển Đông sau khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan 981 tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Pháp đã bày tỏ quan ngại trước tình hình hiện nay.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Pháp cho biết Pháp quan ngại về những vụ đụng độ gần đây và những căng thẳng đang diễn ra tại Biển Đông.
Pháp kêu gọi các bên kiềm chế và giải quyết bất đồng bằng các biện pháp hòa bình và đối thoại.
Cho tới thời điểm này Nga vẫn giữ thái độ im lặng với điểm nóng Biển Đông. Mỹ, Nhật Bản, Liên hiệp quốc, Liên minh châu Âu (EU) là những quốc gia, cộng đồng lãnh thổ đầu tiên lên tiếng quan ngại, phản đối hành động của Trung Quốc trong thềm lục địa của Việt Nam.
Mới đây nhất, trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN-24 tại Nay Pyi Taw, Myanmar, các quốc gia ASEAN đã ra được tuyên bố riêng về Biển Đông lần đầu tiên sau 20 năm.
Các Bộ trưởng ASEAN bày tỏ quan ngại sâu sắc trước các sự việc phức tạp hiện nay ở Biển Đông, các hành động xâm phạm thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế là trái với luật pháp quốc tế, Công ước Luật Biển 1982 của Liên hợp quốc và Tuyên bố DOC, đã làm gia tăng căng thẳng và phương hại hòa bình, ổn định và an ninh, an toàn hàng hải ở khu vực.
Các Ngoại trưởng ASEAN tại hội nghị. |
Các Bộ trưởng của ASEAN đều nhấn mạnh, trước tình hình nghiêm trọng hiện nay ở Biển Đông, ASEAN cần phải kịp thời thể hiện lập trường chung của mình nhằm bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định ở khu vực, ngăn ngừa gia tăng căng thẳng.
Theo đó, kết thúc Hội nghị, các Bộ trưởng đã nhất trí thông qua một Tuyên bố riêng của các Bộ trưởng Ngoại giao về tình hình phức tạp hiện nay ở Biển Đông.