Mở báo sáng nay, trên Tuổi trẻ thì có thông tin “Phạt tù nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Quy Nhơn” 4 năm tù vì ông Trần Tín Kiệt đã cùng trưởng phòng kế hoạch tài chính lạm thu của hơn 22.000 sinh viên, tổng cộng hơn 18,5 tỷ đồng. Ngoài ra, trong quá trình làm hiệu trưởng, ông Kiệt còn bị thêm một tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” năm 2006-2008, thế mà cũng chỉ bị phạt 15 tháng tù treo và vẫn tiếp tục được làm hiệu trưởng 2 năm nữa, cho tới năm 2008.
Còn trên tờ Gia đình –Xã hội thì các phụ huynh mếu máo với cảnh cho con đi học trường quốc tế, đóng tới tận 300 triệu đồng/ năm mà con ăn vẫn không đủ chất, chương trình học bị thay đổi tùy thích. Theo anh Nguyễn Nam (quận Cầu Giấy, Hà Nội), phụ huynh có con học lớp 8, trường quốc tế S (có trụ sở tại quận Cầu Giấy) cho biết: Đầu năm học vừa qua, trường đã tự ý đưa tiếng Trung thành môn học chính, rồi “sáng tạo”ra môn tiếng Anh cho toán và khoa học, thậm chí trường còn cắt bớt giờ giáo dục thể chất của các cháu. Dù đóng tiền cao, nhưng cơ sở vật chất của trường lại không tương xứng. Chất lượng giáo viên cũng rất tù mù, chỉ thấy nói là tốt nghiệp đại học chuyên ngành, mà không hề nói là tốt nghiệp trường nào.
Việc giám sát chất lượng tại các trường quốc tế cũng chưa được chính Bộ GD-ĐT và các cơ quan chủ quản quan tâm, mà vẫn chỉ để phụ huynh tự vật lộn với quyết định của mình và biến lũ học sinh thành những “con chuột” thí nghiệm cho các mô hình đào tạo mới, chưa biết kết quả ra sao.
Chưa kể, hiện tượng trường Melior, có trụ sở tại TP HCM đột ngột đóng cửa ngày 12/11, sau khi thu học phí hàng trăm triệu đồng của học viên, cũng đang khiến cho các bậc phụ huynh ngày càng hoang mang với chuyện chọn trường cho con cái.
Có thể nói, từ chất lượng đào tạo cho đến kế hoạch tài chính và các khoản chi phí của các trường hiện nay là một bí mật đối với cả phụ huynh lẫn Bộ GD-ĐT. Trường công thì vừa nhận tiền Nhà nước, vừa thu tiền học sinh, sinh viên ngoài luồng, rồi chi tiêu ra sao, thất thoát thế nào cũng không ai biết, chỉ khi bị chính những người trong cuộc tố cáo thì “mới ra mặt chuột”. Nắm được tâm lý “chán nản trường công”, các trường quốc tế tung ra các lời quảng cáo hấp dẫn, mời gọi các vị phụ huynh “vào tròng”, thu tiền, rồi “đem con bỏ chợ” hoặc thất hứa cũng chẳng bị phạt gì, bởi tiền đã cầm rồi, có kêu ca cũng khó lấy lại bởi hình như người dân chả có ai bảo vệ.
Chưa bao giờ các mô hình giáo dục của Việt Nam bát nháo như hiện nay. Việc giải quyết cho vụ đóng cửa trường Melior cũng chỉ đơn giản là Sở LĐTBXH TP. HCM đã rút giấy phép hoạt động không thời hạn đối với trường. Đại sứ quán Singapore thì trả lời bằng văn bản là không liên quan, chỉ có phụ huynh mất tiền là không biết kêu ai, học sinh học dang dở là không biết bấu víu niềm tin vào đâu khi đã bị mất trắng vì lừa đảo giáo dục ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Lúc đó, thử hỏi Bộ GD-ĐT ở đâu mà lại để giáo dục loạn thế này, hay các vị lãnh đạo còn đang mải tìm đường cho giáo dục đi đúng hướng trong tương lai mà quên mất những gì đang xảy ra ở hiện tại.