Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhiều địa phương đã triển khai phương thức dạy và học trực tuyến. Sau học trực tuyến, đến nay học trên truyền hình tiếp tục là một kênh thu hút nhiều sự quan tâm của cả học sinh và phụ huynh.
Đặc biệt, vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục tăng cường các hình thức dạy học qua internet, truyền hình thì các phương thức này ngày càng được nhiều địa phương triển khai.
Ngày 18/3, Bộ Giáo dục và Đào tạo có công văn gửi Thủ tưởng Chính phủ các biện pháp, chính sách đối để ứng phó với dịch Covid-19 trong đó có đề xuất Chính phủ chỉ đạo các nhà mạng, đài phát thanh, truyền hình có chính sách hỗ trợ (miễn phí, giảm giá) về đường truyền, phần mềm kết nối phát miễn phí cho toàn bộ các cơ sở giáo dục để tổ chức dạy, học trực tuyến nhằm hạn chế tập trung đông người mà vẫn truyền đạt được kiến thức cho người học đã nhận được sự đồng tình của nhiều chuyên gia.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có hướng dẫn cụ thể việc dạy học từ xa, tránh tình trạng mạnh ai nấy làm (Ảnh minh họa: TTXVN) |
Qua nghiên cứu công văn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho biết: “Hiệp hội Các trường cao đẳng, đại học Việt Nam đã nhiều lần kiến nghị Chính phủ cho tiến hành dạy học từ xa trong đó có dạy qua internet, qua truyền hình trong mùa dịch Covid-19.
Đến nay, mặc dù Bộ đã có văn bản khuyến khích việc học từ xa qua internet, truyền hình thế nhưng lại vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể một cách tổ chức, thống nhất cụ thể dẫn đến các Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường vẫn đang tổ chức một cách tự phát, tùy ý, mạnh ai nấy làm, thiếu sự đồng bộ trên cả nước.
Do đó, Bộ nên có hướng dẫn cụ thể với các địa phương, nơi nào có thể học trực tuyến, nơi nào chưa đủ điều kiện có thể học trên truyền hình. Và phải khẳng định việc học từ xa trong thời gian này là bắt buộc”.
Bộ Giáo dục đề nghị, trường tư sắp được cứu |
Ngoài ra, thầy Nhĩ cũng cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần kiến nghị Chính phủ, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông để sử dụng chung tài nguyên giáo dục từ xa, hệ thống đài truyền hình trung ương chứ nếu chỉ giao cho địa phương thực hiện từ A đến Z như hiện nay thì sẽ dẫn đến tình trạng địa phương chỉ thực hiện dạy học trên truyền hình, internet đối với lớp 9 và lớp 12, thậm chí triển khai mà lại không hiệu quả.
Ngoài ra, nếu địa phương nào cũng tự xây dựng nguồn cơ sở dữ liệu thì vừa tốn thời gian, tốn tiền bạc, lãng phí.
Nếu có sự điều phối từ Bộ Giáo dục và Đào tạo thì địa phương này sẽ phụ trách khối này, địa phương kia phụ trách khối khác rồi trao đổi với nhau. Chúng ta có 12 lớp học nên sử dụng 12 kênh truyền hình, mỗi kênh sẽ đảm nhiệm dạy một lớp.
Tuy nhiên thầy Nhĩ cũng băn khoăn, việc này sẽ vấp phải trở ngại khi hiện nay hầu hết các nhà đài đều cần “làm ăn”, nên nếu dành nhiều thời lượng cho giáo dục, thì sẽ bị ảnh hưởng đến nguồn thu. Do đó, Bộ nên kiến nghị Chính phủ để có các giải pháp như giảm thuế, hoặc hỗ trợ một phần kinh phí cho các đài. Bên cạnh đó, cũng cần tích cực kêu gọi sự xã hội hóa của các nhà đài trong cuộc chiến phòng chống dịch.
Ngoài ra, Bộ cũng nên xem xét lại chương trình học, nội dung nào không thực sự cần thiết thì có thể tinh giản. Rõ ràng “Bộ đã thừa nhận việc học trực tuyến, học qua truyền hình trong mùa dịch, nhưng còn thiếu sự tổ chức chặt chẽ.
Cũng theo Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ, hơn bao giờ hết, Bộ cần gấp rút, trực tiếp nghiên cứu để đưa ra các giải pháp cụ thể, không để tình trạng tùy nghi di tản, ai muốn dạy thì dạy, muốn học thì học, sẽ không thể có được kết quả.
"Chúng ta chưa biết khi nào dịch sẽ kết thúc nên cần có những giải pháp chủ động", thầy Nhĩ nói.