Bộ cần rà soát lại đội ngũ ra đề xem có tập trung vào "nhóm" nào không

21/07/2021 06:27
Nguyễn Mạnh Cường
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Trước mắt cần xây dựng lại quy trình ra đề thi, trong đó đội ngũ giáo viên ra đề phải được chọn ngẫu nhiên từ các giáo viên giỏi khắp các tỉnh thành trên cả nước.

Chuyện “Bậc học phổ thông hiện có nhiều giáo viên không có khả năng ra đề thi”; “Vòng quay của những đề kiểm tra trong nhà trường”; … đã được Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam phản ánh.

Đây là nỗi đau phải “vạch áo cho người xem lưng”, một thực tế “nhức nhối” trong ngành giáo dục hiện nay.

Hậu quả của chuyện nhân bản đề thi, đề kiểm tra, là những câu chuyện cười ra nước mắt, không ít lần ngành giáo dục phải chứng kiến “Thêm bất ngờ về đề thi học sinh giỏi Ngữ văn cấp tỉnh giống đề Olympic như đúc”; “Xôn xao đề thi môn văn vào lớp 10 giống hơn 80% đề kiểm tra học kỳ lớp 9”[1]…

Hậu quả đau lòng nhất không phải là ai đó bị kỉ luật, cơ sở giáo dục nào bị lên án, kì thi phải tổ chức lại…; đau lòng nhất chính là ngành giáo dục mà không mang tính … giáo dục trong đề thi, đề kiểm tra đánh giá học sinh.

Bệnh “văn mẫu” quá nặng nên có “nhân bản” đề kiểm tra trong trường học?

Tác giả Phan Tuyết viết: “Một bộ phận giáo viên khác thi điểm đầu vào chỉ đạt 9-12 điểm 3 môn nhưng vẫn được nhiều trường cao đẳng, đại học tuyển vào khoa sư phạm.

Những giáo viên này sau vài năm học ra trường đi dạy chuyên môn thật vẫn luôn xếp yếu, trung bình.

Dù thế, trong số những giáo viên này “sống lâu lên lão làng” hoặc có nhiều mối quan hệ bên trên, biết ngoại giao và hợp thời lại được cất nhắc lên làm cán bộ phụ trách chuyên môn tổ.

Và chẳng hiểu sao, nhiều người trong số đó lại trở thành giáo viên cốt cán của huyện rồi tỉnh.

Với trình độ như vậy sao có thể ra đề? Sao có thể phản biện đề để biết cái gì sai, bất hợp lý? Thế là đề nào đưa ra cũng nhất trí, cũng đúng.

Và hậu quả đề giống đề, giống trên mạng, trong sách tham khảo cứ ngày một nhiều hơn là thế”.

Đề kiểm tra “nhân bản” trong trường học do tác động một phần không nhỏ của bệnh ngụy thành tích, bệnh “văn mẫu”.

Nhà trường muốn đảm bảo chỉ tiêu đầu năm nên buộc giáo viên chuẩn bị đề cương ôn tập cho học sinh; đề cương ôn tập cho học sinh thế nào, đề kiểm tra phải ra thế đó.

Giáo viên dạy tủ, học sinh biết thầy cô “mớm đề” nên học tủ, học vẹt; đề bài giáo viên đã ôn tập, ra trong đề cương, chính là “văn mẫu” được sao chép từ sách giáo khoa, sách bài tập, các tài liệu bồi dưỡng nâng cao, để học tốt bộ môn…

Cứ thế, vòng đời đề kiểm tra trở nên “bất diệt” trong trường học, kéo dài từ nơi này sang nơi khác, từ năm này sang năm khác, “văn mẫu” là bệnh của các thế hệ giáo viên và học sinh.

Đừng để “văn mẫu” vào tận… đề thi trung học phổ thông

Chuyện thầy giáo Phan Khắc Nghệ, dạy môn Sinh học ở Hà Tĩnh ôn thi giống 80% đề thi môn Sinh học trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông vừa qua, đã trở thành “hiện tượng mạng xã hội” trong thời gian gần đây.

Đề thi, đề ôn thi, đúng từ kênh chữ đến kênh hình, phải chăng người ra đề thi và thầy giáo Phan Khắc Nghệ “đồng môn”, cùng chép từ một nguồn “văn mẫu”? Phải chăng “văn mẫu” vào tận… đề thi trung học phổ thông?

Hay nói cách khác, phải chăng ban ra đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn Sinh học “mắc bệnh văn mẫu” quá nặng, thầy giáo “bác sĩ” Phan Khắc Nghệ bắt mạch đúng, tìm đúng “bài thuốc”, đã ôn “trúng tủ”?

Giáo viên được chọn vào ban ra đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông là “giới tinh hoa” của ngành giáo dục, vậy mà “văn mẫu” vào tận… đề thi trung học phổ thông, còn gì là giáo dục?

Đề thi, đề kiểm tra đánh giá, là phương tiện, công cụ, biện pháp, phương pháp, để giáo dục học sinh trở thành người tử tế.

Chính vì vậy, “văn mẫu” trong đề thi, đề kiểm tra đánh giá là “gam màu tối” không chấp nhận được trong giáo dục; giáo viên ra đề thi, đề kiểm tra dùng “văn mẫu” nhưng không ghi rõ nguồn gốc trích dẫn trong đề, không phải là người tử tế, làm sao giáo dục được học sinh?

Trong thời gian gần đây, cùng với sự nổi tiếng ôn trúng tủ của thầy giáo Phan Khắc Nghệ, thị trường sách thầy giáo Phan Khắc Nghệ viết cũng sôi động không kém; trên mạng xã hội, sách của thầy giáo Phan Khắc Nghệ viết được nhiều người bán, vạn người mua.

Ảnh chụp màn hình sách thầy giáo Phan Khắc Nghệ viết được rao bán trên mạng xã hội. (Ảnh do tác giả cung cấp)

Ảnh chụp màn hình sách thầy giáo Phan Khắc Nghệ viết được rao bán trên mạng xã hội. (Ảnh do tác giả cung cấp)

Việc ôn thi giống 80% đề thi môn Sinh học trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông vừa qua của thầy giáo Phan Khắc Nghệ đã vô hình trung làm “văn mẫu” trong môn Sinh học đã bùng phát, liệu nó có làm “di căn” mạnh hơn nữa vào đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm sau?

Không có văn bản pháp luật nào cấm giáo viên ôn tập “trúng tủ” đề thi, đề kiểm; vấn đề là làm sao hạn chế “văn mẫu” phát bệnh để khỏi bị “bắt trúng mạch”.

Chuyện thầy giáo Phan Khắc Nghệ có đề ôn thi giống 80% đề thi môn Sinh học trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông vừa qua là lời cảnh tỉnh cho ngành giáo dục trước thềm thực hiện chương trình mới.

Đề thi, đề kiểm tra đánh giá trong chương trình mới phải tránh “di căn” của “văn mẫu”, nội dung đề phải thể hiện được mục tiêu “phát huy năng lực và phẩm chất” của người học, sáng tạo của người ra đề; có như thế, đề thi, đề kiểm tra đánh giá mới mang tính giáo dục, tránh được “ôn tủ” của giáo viên, “học tủ” của học sinh, học chỉ để thi như hiện nay.

Muốn được như thế, nên chăng Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phải rà soát lại đội ngũ ra đề thi xem có tập trung vào một nhóm người nào, đi theo một quy luật ngầm nào không?

Để tránh triệt để tình trạng này, thiết nghĩ trước mắt cần xây dựng lại quy trình ra đề thi, trong đó đội ngũ giáo viên ra đề phải được chọn ngẫu nhiên từ các giáo viên giỏi khắp các tỉnh thành trong cả nước, còn về lâu dài, cần phải đổi mới triệt để phương pháp khảo thí theo hướng đo năng lực, phẩm chất của người học chứ không kiểm tra khả năng ghi nhớ và thuộc lòng như bao năm nay.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/tuyen-sinh/xon-xao-de-thi-mon-van-vao-lop-10-giong-hon-80-de-kiem-tra-hoc-ky-lop-9-538489.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Nguyễn Mạnh Cường