Bộ công cụ nào sẽ hỗ trợ bảo đảm chất lượng bên trong chương trình GDĐH?

30/01/2024 09:32
Thuỷ Uyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chất lượng thực sự của giáo dục đại học là chất lượng dạy và học hướng đến người học sau tốt nghiệp tạo ra những đóng góp vào sự phát triển của xã hội.

Ngày 26/1/2024, mở đầu chuỗi hoạt động năm 2024, Ban điều hành Kênh Chất lượng giáo dục đại học và nghề nghiệp (UniHub) thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức Tọa đàm “Bộ công cụ hỗ trợ thực hiện hoạt động bảo đảm chất lượng bên trong cho các chương trình đào tạo đáp ứng chuẩn chương trình đào tạo”.

Hai diễn giả, khách mời đặc biệt: Tiến sĩ Phạm Thị Tuyết Nhung - Đại học Huế, Thạc sĩ Đào Phong Lâm - Trường Đại học Cần Thơ và Điều phối thảo luận: Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nghiêm Xuân Huy, Viện trưởng Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội đã cùng chia sẻ với hơn 200 người tham dự đến từ các cơ sở giáo dục đại học, các tổ chức giáo dục trên toàn quốc.

Phát biểu khai mạc, Phó Giáo sư Nghiêm Xuân Huy bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc và chúc mừng năm mới Ban Điều hành Kênh, các nhà khoa học, các diễn giả và người tham gia trong các hoạt động của Kênh kể từ khi Kênh thành lập đến nay.

Phó Giáo sư Nghiêm Xuân Huy mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, tham gia của các nhà lãnh đạo, quản lý, giảng viên và người học của các cơ sở giáo dục đại học, Viện nghiên cứu trên khắp mọi miền đất nước.

Cũng tại buổi khai mạc, Phó Giáo sư Nghiêm Xuân Huy thể hiện sự vui mừng chào đón hai diễn giả uy tín và giàu kinh nghiệm thực tiễn chia sẻ tại Tọa đàm về chủ đề hữu ích - chủ đề chất lượng khi vấn đề giải trình được coi là đi đôi với tự chủ đại học.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nghiêm Xuân Huy, Viện trưởng Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nghiêm Xuân Huy, Viện trưởng Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội

Ngày 22/6/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 17/2021/TT-BGDĐT quy định về chuẩn chương trình đào tạo; xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học.

Đây được coi là một công cụ giám sát, quản lý chất lượng dành cho các nhà giáo dục từ bước đầu xây dựng chương trình trình đào tạo nhằm "chạm đến" chất lượng thực sự của giáo dục đại học.

Chất lượng thực sự của giáo dục đại học chính là chất lượng dạy và học hướng đến người học sau tốt nghiệp tạo ra những đóng góp vào sự phát triển của xã hội.

Chương trình gồm 2 báo cáo chia sẻ kết quả nghiên cứu cũng như chia sẻ kinh nghiệm đảm bảo chất lượng bên trong chương trình đào tạo tại Hoa Kỳ và kinh nghiệm xây dựng công cụ đảm bảo chất lượng bên trong chương trình đào tạo tại Việt Nam.

Tiến sĩ Phạm Thị Tuyết Nhung - Đại học Huế, Thạc sĩ Đào Phong Lâm - Trường Đại học Cần Thơ là hai diễn giả, khách mời đặc biệt của toạ đàm.
Tiến sĩ Phạm Thị Tuyết Nhung - Đại học Huế, Thạc sĩ Đào Phong Lâm - Trường Đại học Cần Thơ là hai diễn giả, khách mời đặc biệt của toạ đàm.

Tại Tọa đàm, Tiến sĩ Phạm Thị Tuyết Nhung chia sẻ hoạt động đảm bảo chất lượng bên trong thực chất không phải nằm ở bộ phận quản lý, mà xuất phát từ chính các công việc hằng ngày của cán bộ, giảng viên trong nhà trường.

Từ những chia sẻ về thực tiễn hoạt động đánh giá chuẩn chương trình đào tạo tại Hoa Kỳ, diễn giả Phạm Thị Tuyết Nhung gợi ý nhà trường cần có hệ thống và quy trình đơn giản, tích hợp vào các hoạt động của giảng viên.

Đặc biệt nhà lãnh đạo cần có những chính sách phù hợp để khuyến khích giảng viên tham gia các quy trình, hoạt động đảm bảo chất lượng của nhà trường.

Đồng thời phải đi từ nhiều khía cạnh, góc độ khác nhau của đảm bảo chất lượng, cán bộ giảng viên, nhà quản lý để tạo ra chất lượng thực sự.

Thạc sĩ Đào Phong Lâm chia sẻ, có nhiều nhân tố bên trong để thúc đẩy hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong, ví dụ như sự tham gia của các bên liên quan, khích lệ về mặt tài chính.

Các cán bộ phụ trách công việc này nên chia sẻ và xem đây là công việc của từng cá nhân trong nhà trường.

Đặc biệt để tạo ra chất lượng thực sự, những người tham gia vào hệ thống IQA cần có chuyên môn sâu, rộng, sự chuyên cần, chỉn chu trong từng minh chứng, văn bản, kế hoạch đúng với hướng đi và mục tiêu của nhà trường.

Trong buổi tọa đàm, Tiến sĩ Phạm Thị Tuyết Nhung cùng Thạc sĩ Đào Phong Lâm đã trình bày và chia sẻ nhiều nội dung thiết thực, hữu ích với các đại biểu tham dự xoay quanh các nội dung:

Kinh nghiệm quốc tế triển khai hoạt động bảo đảm chất lượng bên trong chương trình đào tạo; Quy trình xây dựng bộ công cụ;

Bộ công cụ hỗ trợ thực hiện hoạt động bảo đảm chất lượng bên trong chương trình đào tạo: Đánh giá chương trình đào tạo đạt chuẩn chương trình đào tạo; Đánh giá mức độ đạt được chuẩn đầu ra.

Tọa đàm đã nhận được các ý kiến trao đổi và câu hỏi gửi tới diễn giả đến từ người tham gia trên toàn quốc.

Tại Tọa đàm, Tiến sĩ Phạm Thị Tuyết Nhung và Thạc sĩ Đào Phong Lâm đã chia sẻ, trả lời các câu hỏi và thảo luận sôi nổi cùng các quý đại biểu tham gia tọa đàm.

Quý độc giả có thể xem lại bản ghi của Tọa đàm tại: https://youtu.be/3SKF4I0ti0w

Các sự kiện của Kênh Chất lượng giáo dục đại học và nghề nghiệp ngày càng thu hút đông đảo người tham gia, góp phần thực hiện nhiệm vụ của Kênh trong lan tỏa văn hóa chất lượng và đồng hành cùng cộng đồng trong hoạt động đảm bảo chất lượng, kiểm định chất lượng, quản trị, xếp hạng và đối sánh chất lượng giáo dục.

Để cập nhật thông tin sớm nhất về các hoạt động sắp tới của Kênh Chất lượng giáo dục đại học và nghề nghiệp (UniHub) - Đại học Quốc gia Hà Nội, quý bạn đọc có thể theo dõi các kênh thông tin của UniHub:

Website: https://unihub.vnu.edu.vn/

Fanpage: https://www.facebook.com/unihub.vnu

Zalo: https://zalo.me/g/fuzgbe936

Youtube: https://www.youtube.com/channel/UCn0CeQWetpd4lh-ymb_SboA

Dưới đây là một số hình ảnh của buổi Tọa đàm:

Thuỷ Uyên