Năm 2025 là năm đầu tiên thực hiện thi theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Theo dự thảo Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025, Bộ giáo dục và Đào tạo đã bỏ quy định về cộng điểm học nghề trong xét tốt nghiệp trung học phổ thông.
Còn các năm trước, học sinh đạt loại giỏi bằng nghề hoặc loại xuất sắc, giỏi bằng tốt nghiệp trung cấp được cộng 2 điểm; loại khá bằng nghề, loại khá và trung bình khá bằng trung cấp được cộng 1,5 điểm; loại trung bình cộng 1 điểm vào kết quả tốt nghiệp.
Bỏ cộng điểm nghề không ảnh hưởng nhiều đến thí sinh
Trên thực tế, việc cộng điểm nghề vào kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông cho học sinh lớp 12 đã diễn ra trong một thời gian khá dài, trên phạm vi cả nước. Chế độ cộng điểm này vừa tạo động lực cho học sinh, vừa giảm bớt căng thẳng, áp lực cho các kỳ thi.
Năm học 2024-2025, chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã được triển khai toàn diện đến tất cả các khối lớp từ 1 đến 12, không còn phần học nghề phổ thông. Một số nội dung của chương trình nghề phổ thông được lồng ghép vào Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Long Văn Phú - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Ngân Sơn (tỉnh Bắc Kạn) chia sẻ: “Việc bỏ cộng điểm nghề khi xét tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 không ảnh hưởng quá nhiều đến học sinh lớp 12. Chỉ những học sinh “chấp chới” điểm, mới cần đến phần điểm cộng khuyến khích này”.
Đồng quan điểm đó, thầy Lê Minh Tương - giáo viên môn Ngữ văn, Trường Trung học phổ thông Cây Dương (tỉnh Hậu Giang) cho biết: “Sau 18 năm chủ nhiệm học sinh lớp 12, tôi cho rằng, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định bỏ cộng điểm nghề khi xét tốt nghiệp trung học phổ thông là phù hợp. Trong chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, việc phân luồng học sinh qua hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp đã rất rõ ràng.
Những năm trước, học sinh học nghề chủ yếu chỉ để lấy điểm cộng, không có ý nghĩa nhiều trong việc định hướng nghề nghiệp. Ngoài ra, chỉ những học sinh có nguy cơ cao trượt tốt nghiệp, mới cần đến điểm nghề; những học sinh học có lực học từ mức trung bình - khá trở lên, điểm học nghề cũng không quá quan trọng”.
Thầy Tương nói thêm: “Việc bỏ cộng điểm nghề khi xét tốt nghiệp trung học phổ thông không ảnh hưởng đến động lực học tập của học sinh. Thực tế cho thấy, nhiều trường hợp học sinh chỉ học nghề cho có, cho xong và lấy giấy chứng nhận nghề để được cộng điểm.
Đối với chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, đã phân luồng các em học sinh ngay từ lớp 10. Ngoài các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, còn có 4 môn học lựa chọn, học sinh được đăng ký theo định hướng của bản thân. Sau lớp 10, nếu học sinh muốn thay đổi, nhà trường vẫn tạo điều kiện cho các em chuyển đổi tổ hợp môn”.
Chia sẻ quan điểm về nội dung này, thầy Đoàn Minh Quang - giáo viên Trường Trung học phổ thông Hoàng Văn Thụ (tỉnh Tây Ninh) cũng đánh giá: “Việc bỏ cộng điểm nghề trong xét tốt nghiệp trung học phổ thông là cần thiết, khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trong chương trình, đã có 105 tiết Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp. Điều này giúp học sinh có sự chuẩn bị tốt hơn cho việc phân luồng nghề nghiệp. Bên cạnh đó, việc học chứng chỉ nghề đối với học sinh lớp 12 là không hiệu quả, chủ yếu chạy theo chỉ tiêu”.
Học lực từ trung bình trở lên đã có thể đáp ứng được đề thi tốt nghiệp
Với vai trò là giáo viên phụ trách bộ môn Ngữ văn, một trong những môn bắt buộc trong chương trình bậc trung học phổ thông, thầy Lê Minh Tương chia sẻ: “Theo tôi, năm 2025 sẽ là năm đầu tiên thay đổi cấu trúc đề thi, chắc chắn cũng sẽ có những khó khăn nhất định cho cả giáo viên và học sinh. Để đạt được kết quả cao trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông sắp tới, các thí sinh cần chuẩn bị tốt 4 nội dung, cụ thể như sau:
Thứ nhất, cần chuẩn tốt nền tảng kiến thức, học theo sự hướng dẫn của giáo viên và chuẩn kiến thức Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành, tập huấn cho giáo viên về khung đề thi cũng như tài liệu hướng dẫn ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 các bộ môn.
Thứ hai, các em học sinh không nên quá lo lắng, áp lực. Dựa vào đề thi tham khảo kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025, học sinh có học lực từ trung bình trở lên đã có thể đáp ứng được đề thi tốt nghiệp này.
Thứ ba, theo tiếp cận của chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, các thí sinh cần tập trung trọng tâm vào kiến thức trong năm học lớp 12. Khi nắm chắc kiến thức cơ bản và kỹ năng xử lý đề, các em sẽ vượt qua được kỳ thi sắp tới.
Cuối cùng, cả học sinh và giáo viên cần chuẩn bị tâm lý thật tốt để đón nhận những sự thay đổi mới của cấu trúc đề thi. Việc được rèn luyện sớm theo cấu trúc đề thi mới sẽ giúp các em xử lý đề nhanh nhạy, không bị bỡ ngỡ.
Theo thông báo của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hậu Giang, đề thi định kỳ của khối 12 phải bám sát vào cấu trúc đề thi tham khảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Việc này giúp học sinh thích ứng sớm với cấu trúc đề thi cũng như đạt kết quả cao trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông sắp tới”.
Chia sẻ về nội dung này, Hiệu trưởng một trường trung học phổ thông tỉnh Nam Định cũng bày tỏ: “Do cấu trúc đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 có sự thay đổi, nên cả học sinh và giáo viên đều khá lo lắng. Nhà trường, thầy cô giáo đã liên tục đổi mới phương pháp giảng dạy theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, bổ sung trang thiết bị để phục vụ các em học sinh. Với những môn có thí nghiệm, cần tăng cường các tiết thực hành…
Cấu trúc đề thi năm 2025 sẽ sát với thực tế hơn so với những năm trước, học sinh sẽ được đánh giá về năng lực nâng cao một cách chính xác.
Mặc dù có sự thay đổi trong cấu trúc đề thi, nhưng ngay từ lớp 10, học sinh đã được đăng ký và học tổ hợp môn theo nguyện vọng của bản thân. Chính vì vậy, mỗi em đã có lộ trình học rõ ràng ngay từ đầu, được trang bị kiến thức theo năng lực, phẩm chất, không chạy theo việc học thuộc, học vẹt...
Ngoài việc nắm chắc kiến thức, các thí sinh cũng cần chuẩn bị tâm lý vững vàng, hiểu rõ quy chế xét tốt nghiệp trung học phổ thông, xét tuyển đại học. Hiện tại, nhà trường, các thầy, cô giáo cũng như các học sinh đều mong muốn các trường cao đẳng, đại học công bố phương án tuyển sinh sớm. Điều này sẽ giúp thầy cô và học sinh có định hướng để phấn đấu”.
Thầy Long Văn Phú cho biết thêm: “Ngay từ đầu năm học 2024-2025, học sinh lớp 12 đã được đăng ký các môn thi, ôn tập và phụ đạo bổ sung thêm kiến thức. Với chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, nhà trường cũng đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới hình thức kiểm tra, đánh giá đối với học sinh theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Đây là năm đầu tiên thực hiện thi theo chương trình giáo dục phổ thông mới, nhà trường cũng rất lo lắng về kết quả của học sinh. Bởi vậy, nhà trường, thầy cô luôn tạo điều kiện học tập, môi trường tốt nhất cho các em. Mỗi học sinh cũng cần nhận thức rõ ý nghĩa và giá trị của việc học: Học không chỉ để tích lũy kiến thức, mà còn là quá trình trau dồi, phát triển bản thân, chuẩn bị cho tương lai sau này”.
Là học sinh lớp 12, chuẩn bị bước vào kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025, em Nguyễn Phi Hùng - học sinh Trường Trung học phổ thông Thị xã Nghĩa Lộ (tỉnh Yên Bái) cho biết: “Theo em, việc bỏ cộng điểm nghề trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông không ảnh hưởng quá nhiều đến bản thân em cũng như các bạn học sinh lớp 12.
Sắp tới, nhà trường sẽ tổ chức thi thử cho học sinh lớp 12 bám sát theo cấu trúc đề thi tham khảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Chỉ cần vững kiến thức, có kỹ năng giải đề, chắc chắn, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ không quá khó để lấy được điểm từ trung bình trở lên.
Ngoài ra, việc bỏ cộng điểm nghề trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông còn giúp các thí sinh có một kỳ thi công bằng, đảm bảo tính cạnh tranh. Đây cũng là một trong những yếu tố giúp học sinh phải cố gắng, trau dồi khả năng tự học nhiều hơn nữa, để thể hiện năng lực của bản thân”.