Ngày 16/12/2021, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 2114/QĐ-TTg ban hành kế hoạch thực hiện kết luận 19-KH/TW của Bộ Chính trị, trong đó giao nhiệm vụ cho Bộ Giáo dục và Đào tạo trách nhiệm nghiên cứu rà soát Luật Giáo dục Đại học.
Ngày 28/01/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã gửi Công văn số 378/BGDĐT-GDĐH tới các cơ sở giáo dục đại học yêu cầu rà soát vướng mắc khi triển khai các quy định liên quan đến Luật Giáo dục Đại học, cung cấp cho Bộ trước ngày 20/02/2022.
Thực hiện yêu cầu này, ngày 17/02/2022, Câu lạc bộ Chủ tịch Hội đồng trường thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tổ chức Tọa đàm trực tuyến, nhằm tổng hợp các ý kiến về khó khăn, vướng mắc của các trường khi thực hiện triển khai các quy định liên quan đến Luật Giáo dục Đại học .
Giáo sư, Tiến sĩ Trần Diệp Tuấn – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Chủ tịch Hội đồng trường chia sẻ tại buổi tọa đàm. (Ảnh: Chụp màn hình) |
Tham dự tọa đàm, về phía Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam có Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch, cùng một số cán bộ trong văn phòng và Trưởng ban Hiệp hội.
Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo, có sự tham dự của Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học..
Về phía Câu lạc bộ Chủ tịch Hội đồng trường có Giáo sư Trần Diệp Tuấn - Chủ nhiệm Câu lạc bộ và các thầy cô trong Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ Chủ tịch Hội đồng trường cùng 133 Chủ tịch Hội đồng trường và lãnh đạo các đại học, trường đại học, học viện và trường cao đẳng sư phạm.
Chia sẻ tại buổi tọa đàm, Giáo sư Trần Diệp Tuấn cho biết, Luật 34/2018/QH14 và Nghị định 99/2019/NĐ-CP ra đời là bước tiến quan trọng đối với giáo dục đại học, các trường đã cố gắng triển khai thực hiện theo theo quy định của hai văn bản này. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, các trường đại học đều gặp phải những vướng mắc. Đặc biệt là việc hiểu, nhận thức về Luật 34 và Nghị định 99 của các đơn vị, bộ chủ quản, các bộ, các cơ quan ban ngành có liên quan còn chưa có sự thống nhất.
Theo thầy Tuấn, Luật 34/2018 là một văn bản luật hết sức tiên tiến đối với hoàn cảnh nước ta hiện nay, tuy nhiên việc triển khai vẫn còn những vướng mắc và khó khăn, do sự chồng chéo trong quy định của các ban ngành khác nhau.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn yêu cầu các trường rà soát vướng mắc liên quan, đây cũng chính là cơ hội để các trường chia sẻ những vướng mắc còn tồn tại trong thực tiễn triển khai Luật Giáo dục đại học.
Luật Giáo dục đại học phải phù hợp với các Nghị quyết của Đảng
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho biết, buổi tọa đàm có ý nghĩa vô cùng quan trọng, là cơ hội để các trường chia sẻ tiếng nói của mình, kiến nghị tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình triển khai Luật Giáo dục đại học.
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho rằng, rà soát lại những bất cập của Luật Giáo dục đại học trước hết phải làm rõ luật này có phù hợp với tinh thần của các Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương. (Ảnh: Chụp màn hình) |
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến nêu ra 4 vấn đề định hướng, giúp các cơ sở giáo dục đại học thực hiện thuận lợi những yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu ra tại Công văn số 378.
Thứ nhất, việc Quốc hội ban hành các Luật Giáo dục Đại học số 08/2012/QH13 (năm 2012) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học số 34/2018/QH14 trước hết là để luật hóa các chủ trương của Đảng và Chính phủ đã thể hiện tại các Nghị quyết 29, Nghị quyết 19 của Ban Chấp hành Trung ương (cùng với các kết luận của Ban Bí thư, Bộ Chính trị) và các Nghị quyết 14, 77, 89, 35… của Chính phủ. Do đó, rà soát lại những bất cập của Luật Giáo dục Đại học trước hết phải làm rõ luật này có phù hợp với tinh thần của các Nghị quyết trên hay không.
Thứ hai, trong tổ chức quản trị Xã hội và Nhà nước có 2 loại định chế tổ chức rất phổ biến.
Một là, định chế có cấu trúc kiểu tập quyền hay định chế cơ quan chủ quản (cấp trên bổ nhiệm cấp dưới và cấp dưới phải chấp hành các chỉ thị của cấp trên dưới dạng các quyết định cá nhân, mọi nhà trường đều có cơ quan/bộ chủ quản, thủ trưởng đơn vị là người được cơ quan chủ quản giao quyền quản lý nhà trường, trường không được quyền tự chủ hoàn toàn )
Hai là, định chế điều phối tự quản kiểu hội đồng hay định chế tự chủ đại học (qua bầu chọn đại diện các nhóm lợi ích có liên quan, không có cơ quan/bộ chủ quản, trường được tự chủ tối đa, hội đồng trường là tổ chức thực quyền cao nhất trong trường).
Cho tới nay, theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, chỉ mới có 23 trường đại học được phép thí điểm thực hiện tự chủ đại học; còn cũng như các đơn vị sự nghiệp công lập khác, hầu hết các cơ sở giáo dục đại học công lập Việt Nam đều đang hoạt động theo định chế thứ nhất . Do đó Luật Giáo dục đại học cũng như nhiều luật khác cần được xây dựng riêng cho từng loại định chế.
Thứ ba, tự chủ đại học là khả năng hành động chủ động mang tính pháp lý về các mặt học thuật, tài chính, tổ chức và nhân sự của trường đại học, là điều kiện cần để giúp các trường thực hiện tốt sứ mệnh của mình. Do đó chỉ những trường được thí điểm tự chủ mới cần đến định chế thứ hai. Ngoài ra, cũng không nên nhầm lẫn tự chủ đại học với việc cơ quan quản lý nhà nước phân quyền quyết định một số việc cụ thể cho người đứng đầu các đơn vị thuộc cấp như thường gặp ở định chế cơ quan chủ quản.
Thứ tư, gần đây có một số phát biểu của một số học giả, nhà quản lý cho rằng cho dù có thí điểm đổi mới nhưng vẫn phải tuân thủ mọi quy định tại các văn bản pháp luật hiện hành.
“Tuy nhiên, Hiệp hội quan niệm “thí điểm" có nghĩa là làm theo cách mới, theo chuẩn mực mới, có thể có những cái “phá cách” so với quy định hiện hành nào đó, miễn là vì lợi ích chung, không tham nhũng, không lợi ích nhóm… Có thế mới cần “thí điểm”, còn cái gì cũng răm rắp “thí điểm đổi mới phải theo đúng quy định” thì chẳng ai gọi là “thí điểm”.
Từ trước đến nay Đảng ta luôn xem đổi mới là yếu tố sống còn của đất nước nên quan niệm này hoàn toàn phù hợp nếu tuân theo đúng tinh thần của Kết luận 14 của Bộ Chính trị về nguyên tắc đổi mới (tại Khoản 2 Mục 2.3.): Đề xuất đổi mới, sáng tạo của cán bộ phải báo cáo với người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền, cơ quan, đơn vị nơi công tác; được cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định cho thực hiện hoặc thực hiện thí điểm, bảo đảm không trái với Hiến pháp và Điều lệ Đảng. Các cấp uỷ, tổ chức đảng, người đứng đầu, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị quan tâm hỗ trợ nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ triển khai thực hiện”, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến nêu quan điểm”
Cần xây dựng ma trận chính sách khi sửa đổi Luật Giáo dục đại học
Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Văn Chương – Bí thư đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Đại học Huế, có hai nhiệm vụ quan trọng cần phải làm trong thời gian tới là góp ý để sửa Luật Giáo dục Đại học và góp ý sửa Nghị định 99 một cách toàn diện.
Đồng thời, cần tổng hợp những văn bản, cơ sở pháp lý để khẳng định tự chủ đại học không cần có sự tồn tại của cơ quan chủ quản. Đặc biệt với Luật 34, cần phải làm rõ hơn vai trò, trách nhiệm của Hội đồng trường trong cơ sở giáo dục đại học.
Lãnh đạo các trường đại học, các chuyên gia chia sẻ tại buổi tọa đàm. (Ảnh: Chụp màn hình) |
Theo thầy Chương, hệ thống pháp lý hiện nay chưa đồng bộ là rào cản đối với tự chủ đại học. Ngay cả Nghị định 60/2021/NĐ-CP vừa mới được ban hành năm 2021 nhưng vẫn còn những khó khăn trong thực tiễn triển khai tự chủ tài chính.
Bàn về vấn đề vướng mắc trong thực hiện Luật Giáo dục đại học, chia sẻ tại tọa đàm, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Khiêm, Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Hàng hải Việt Nam cũng cho rằng, vấn đề hiện nay là Luật 34 và Nghị định 99 khi được áp dụng ở những bộ ngành khác nhau lại có cách hiểu và thực hiện khác nhau.
Nhiều quy định, quyết định, thông tư hướng dẫn chưa thay đổi kịp so với Luật 34 và Nghị định 99, dẫn đến nhiều vướng mắc trong thực tiễn triển khai. Nhiều văn bản luật và văn bản dưới luật chưa làm rõ được vai trò của Hội đồng trường. Thậm chí có những văn bản ra đời sau Nghị định 99 và Luật 34 nhưng vẫn chưa quan tâm đến vai trò của Hội đồng trường.
Tại buổi tọa đàm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Phú Hải đã đề cập đến vấn đề xây dựng ma trận chính sách để đảm bảo sửa Luật Giáo dục đại học cũng như sửa Nghị định 99 thành công.
Theo Thầy Hải, cần có ma trận chính sách, liên kết 4 nhóm nội dung tự chủ đại học và quản trị nhà nước ở các ngành lĩnh vực. Việc sửa Nghị định 99 là yêu cầu cấp thiết và quan trọng, song, cần sửa một cách chuẩn chỉnh, để đảm bảo thực hiện chính sách tự chủ đại học thành công. Xây dựng ma trận chính sách sẽ bao quát các ngành lĩnh vực, sẽ có tác động tổng hợp và tránh được tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong các văn bản luật như hiện nay.
Quan điểm của Phó Giáo sư Đỗ Phú Hải đã nhận được sự đồng tình, nhất trí cao của nhiều lãnh đạo các trường đại học.
Đa số lãnh đạo các trường đại học đều cho rằng, những quy định của Luật Giáo dục đại học vẫn còn nhiều bất cập, mâu thuẫn với các văn bản luật, văn bản dưới luật khác. Bên cạnh đó, còn có một số quy định của Luật này chưa phù hợp với thực tiễn.
Chia sẻ với đại diện lãnh đạo các trường đại học, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết: “Vụ Giáo dục Đại học sẽ cập nhật, tổng hợp lại các ý kiến của Hiệp hội và các thầy cô để báo cáo lãnh đạo Bộ xem xét cũng như là báo cáo với Thủ tướng vào tháng 3 tới đây.
Trên cơ sở đó sẽ báo cáo Chính phủ và kết quả báo cáo đó sẽ được gửi sang Bộ Tư pháp để báo cáo lên với Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 6 tới”.
Sau buổi tọa đàm, Câu lạc bộ Chủ tịch Hội đồng trường sẽ tổng hợp và hoàn thiện các ý kiến của các trường đại học liên quan đến việc rà soát những vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Luật Giáo dục Đại học và gửi lên Bộ Giáo dục và Đào tạo.