Bộ GD đề xuất dạy thêm là ngành kinh doanh có điều kiện, lãnh đạo trường nói gì?

03/05/2023 06:33
Doãn Nhàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Cần thiết phải thực hiện công khai minh bạch hoạt động dạy thêm, học thêm để có biện pháp quản lý chặt chẽ, sát sao hơn.

Trước ý kiến đề xuất của cử tri một số địa phương liên quan vấn đề dạy thêm, học thêm, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết sẽ tiếp tục tham mưu Chính phủ đề xuất Quốc hội đưa hoạt động dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, đồng thời nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm (sửa Thông tư số 17).

Nên thẳng thắn xem dạy thêm học thêm là một dịch vụ giáo dục

Trực tiếp đang công tác trong ngành giáo dục đã nhiều năm, thầy Ngô Trọng Tú - Phó hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Quảng Tiến (Sầm Sơn, Thanh Hóa) cũng phải lắc đầu thừa nhận: “Tôi cũng là bậc phụ huynh có con đang đi học, và tôi thấy rằng dạy thêm bây giờ tràn lan quá. Do vậy, rất cần thiết phải thực hiện công khai minh bạch hoạt động này nhằm có biện pháp quản lý chặt chẽ, sát sao hơn”, vị lãnh đạo chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt nam.

Ảnh minh họa: TTXVN

Ảnh minh họa: TTXVN

Theo đó, thầy Tú chia sẻ sự đồng tình với đề xuất mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo về vấn đề quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm. Vị lãnh đạo cho rằng, phải thừa nhận dạy thêm, học thêm là một nhu cầu có thật trong xã hội, do vậy, các cấp quản lý cần có cái nhìn thẳng thắn vào thực tế, từ đó có biện pháp quản lý theo hướng mở để có hiệu quả hơn:

“Chúng ta nên xem giáo dục cũng là một nghề nghiệp đơn thuần giống như những ngành nghề khác, thay vì xem nó là một nghề đặc thù. Nếu khuôn phép quá thì sẽ rất khó phát huy được hết năng lực của học sinh.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 chú trọng vào việc phát triển năng lực của người học, do vậy học thêm cũng là cách các em có thêm cơ hội học và tìm hiểu sâu hơn lĩnh vực yêu thích".

Thầy Tú lấy ví dụ, “một học sinh A thích học môn Âm nhạc, như vậy em ấy có quyền học và tìm hiểu thêm về bộ môn này để am hiểu sâu hơn”.

Khi đưa hoạt động dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, thầy Tú cho rằng cần lưu ý tới các điều kiện để đảm bảo hoạt động dạy học, bao gồm các đối tượng dạy học, người học và các điều kiện khác về cơ sở vật chất, chương trình học,...

Cụ thể, về điều kiện cơ sở vật chất, phòng dạy học thêm cần đảm bảo các điều kiện về bàn ghế, ánh sáng,... đảm bảo an toàn giao thông, trật tự xã hội cho khu vực xung quanh.

Đối với giáo viên, người tham gia dạy thêm cần đảm bảo kiến thức chuyên môn vững vàng, các kỹ năng nghiệp vụ sư phạm phải được đánh giá bằng các kỳ thi từ cấp huyện trở lên; đồng thời, đảm bảo bằng cấp phải tương xứng với trình độ và năng lực đối tượng dạy học. Giáo viên không được dạy thêm cho chính học sinh của mình,...

Trước nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại nếu hợp thức hóa hoạt động dạy thêm, học thêm sẽ có nguy cơ làm thương mại hóa giáo dục, vị lãnh đạo thẳng thắn bày tỏ quan điểm:

“Thực tế dạy học cũng là một nghề, và đương nhiên nghề nghiệp thì có dịch vụ. Hãy thẳng thắn xem hoạt động dạy thêm học thêm là một dịch vụ, có thể thực hiện dịch vụ trong nhà trường, tất nhiên trong nhà trường thì cần được khống chế và hướng dẫn bởi cơ quan cấp trên”.

Thầy Tú chia sẻ một số quy định có thể áp dụng để quản lý như quy định mỗi tuần chỉ được dạy thêm bao nhiêu tiết, số tiết được chia đều cho các môn,... Đối với các trung tâm, cơ sở ôn thi ở ngoài nhà trường, các đơn vị tự do trong việc mở lớp, học sinh nào có điều kiện, nguyện vọng thì đều có thể tham gia học tập.

“Trong mua hàng, chúng ta phải là người tiêu dùng thông thái. Trong trường học cũng vậy, phụ huynh cũng phải trở thành những người tiêu dùng thông thái. Phụ huynh cần tìm hiểu kĩ các điều kiện trước khi kí kết hợp đồng, theo dõi quá trình học tập xem con có tiến bộ hay không,... để có kiến nghị và đề xuất, trao đổi phù hợp với thầy cô giáo dạy thêm”, vị lãnh đạo nói.

“Không một nhà trường nào có thể đến từng trung tâm để kiểm tra…”

Ngoài các điều kiện ràng buộc trên, Phó hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Quảng Tiến kiến nghị khi đưa dạy thêm học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, để quản lý tốt cần thêm sự giám sát từ phía cộng đồng nơi cư trú đối với những người có làm dịch vụ này. Hoạt động dạy thêm khi đã đăng ký cần phải có đóng thuế và chịu sự giám sát của các cấp quản lý.

“Làm quản lý như chúng tôi, khi triển khai hoạt động quản lý trong nhà trường cũng chủ yếu dựa trên tinh thần quán triệt các quy định, nhưng để sát sao trong quản lý từng cán bộ nhân viên quả thực rất khó.

Như trường tôi hiện có gần 50 giáo viên, nơi cư trú rải rác, liên quan tới tận 2-3 thành phố. Vì thế, một mình hiệu trưởng và hiệu phó rất khó để quản lý chặt chẽ hết được. Tuy nhiên, nếu có sự tham gia của ban quản lý khu phố, nhân dân trên các khu vực thì sẽ dễ dàng hơn nhiều”, thầy Tú chia sẻ về khó khăn khi quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm đối với những người làm quản lý tại cơ sở trường học.

Tại Trường Trung học cơ sở Quảng Tiến thực hiện việc quản lý dạy thêm học thêm theo các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng quy định của Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa. Theo đó, quy định học sinh lớp 6, 7, 8 không được học thêm quá 9 tiết/tuần, học sinh lớp 12 không được học thêm quá 12 tiết/tuần (quy định hoạt động dạy thêm học thêm trong nhà trường).

Cũng chia sẻ với những khó khăn của người làm lãnh đạo khi thực hiện quản lý hoạt động dạy thêm, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Phan Văn Chương - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (Quảng Nam) cho biết:

“Dạy thêm học thêm là một điều bình thường trong dạy học. Tuy nhiên, điều quan trọng là làm thế nào để đảm bảo lợi ích thiết thực cho người học, thay vì một mục đích không chính đáng nào khác”.

Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm cho biết, hiện việc quản lý, phát hiện và kiểm tra hoạt động dạy thêm học thêm gặp rất nhiều khó khăn. Từ kinh nghiệm của mình, thầy Chương chia sẻ, hiện có nhiều hình thức trá hình, mượn người khác có tư cách pháp lý để mở trung tâm dạy thêm. Do đó, nếu trung tâm có học sinh của chính cô giáo/thầy giáo đang dạy tại đây thì nhà trường cũng rất khó quản lý và xử phạt.

“Hoạt động dạy thêm học thêm nếu tổ chức trong trường thì rất dễ quản lý vì thuộc phạm vi quản lý của nhà trường. Tuy nhiên, với các trung tâm thì rất khó, không một nhà trường nào có thể đến từng trung tâm để kiểm tra vì thực tế không có quyền đó”, thầy Chương chia sẻ thực tế trong quản lý hoạt động dạy thêm học thêm.

Góp ý thêm về ý kiến đưa hoạt động dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, thầy Chương cho rằng đây cũng là giải pháp phù hợp trong tình hình hiện nay. Tuy nhiên, vị lãnh đạo cho rằng cần có sự xem xét và đưa ra những quy định, tiêu chí cụ thể, hợp lý và sát sườn, thay vì những quy định “chung chung” như trước đây:

“Ví dụ như quy định không được phép dạy thêm “tràn lan”, vậy thế nào là tràn lan? Cá nhân tôi cho rằng cần có sự xem xét và xây dựng lại các quy định cụ thể và rõ ràng hơn, tránh những từ ngữ quy định chung chung như vậy”.

Đề xuất đưa hoạt động dạy thêm, học thêm vào danh mục kinh doanh có điều kiện được kỳ vọng sẽ là giải pháp giúp quản lý hiệu quả hơn hoạt động dạy thêm, học thêm trước mắt. Tuy nhiên, theo lãnh đạo các trường học, đây chỉ là giải pháp trước mắt, về lâu về dài, cần có sự cải cách chương trình học, chất lượng giáo dục trong nhà trường và điều kiện đời sống giáo viên thì mới có thể dẹp được vấn nạn dạy thêm, học thêm.

Doãn Nhàn